Vụ thai phụ chết não: Nghi ngờ chất lượng bác sĩ Trung Quốc

09/03/2017 - 16:00
Sự cố thai phụ hôn mê, chết não khi điều trị viêm âm đạo tại phòng khám đa khoa 168 Hà Nội khiến dư luận bàng hoàng. Có nhiều nghi ngờ về chất lượng bác sĩ điều trị trong ca bệnh này và cả các bác sĩ hành nghề tại Việt Nam nói chung.
Nghi ngờ chuyên môn
Bác sĩ Ngô Đức Mạnh (Phòng khám Nam Đô, Hà Nội) cho rằng, do tâm lý người Việt sính ngoại nên các bác sĩ Trung Quốc mới có “đất sống”, chứ những người này chưa chắc đã giỏi bằng bác sĩ Việt Nam.

Theo bác sĩ Mạnh, bác sĩ Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam có nhiều dạng. Bác sĩ thật cũng có, bác sĩ có giấy tờ nhưng không trình độ cũng có. Đó là bởi khi làm giấy phép hành nghề, thì đó là người thật, bằng thật. Tuy nhiên, khi hành nghề thì không phải người được cấp phép. Dù vậy, rất khó để phát hiện ra điều này, bởi chỉ cơ quan chức năng mới mới biết tên, biết mặt qua hồ sơ, giấy tờ. Vì vậy, dù có làm cùng phòng khám nhưng khác chuyên khoa thì cũng không biết được họ có làm được hay không. Chỉ những người giỏi về chuyên môn, khi tiếp xúc với họ mới biết bác sĩ Trung Quốc có biết làm hay không.
“Đa phần bác sĩ Trung Quốc hành nghề ở Việt Nam có 2 vấn đề. Thứ nhất là giấy tờ hành nghề thật nhưng người giả. Thứ hai là không có trình độ. Bởi nếu có trình độ thì họ làm ở nước họ thôi thu nhập cũng đã rất cao rồi”, bác sĩ Mạnh nói.
20170308_102844.jpg
Chứng chỉ hành nghề của bác sĩ người Trung Quốc Trịnh Túc Vinh (Zheng Zu Rong). Bác sĩ này từng bị rút giấy phép và khi hành nghế trở lại không lâu, đã khiến một thai phụ hôn mê, chết não
Bác sĩ Mạnh cho biết ông từng tiếp xúc với nhiều bác sĩ Trung Quốc tại các phòng khám ở Việt Nam và nhận thấy: "Họ điều trị theo kiểu của họ, chả theo phác đồ chung nào cả. Thường thực hiện theo kiểu Đông Tây y kết hợp. Phòng khám thì cứ lấy tiếng là bác sĩ nước ngoài, để lừa những người không hiểu biết, còn những người biết thì sẽ không vào".

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản TƯ, cho rằng, nhiều bác sĩ Trung Quốc hoạt động tại các phòng khám ở Việt Nam chẳng có trình độ, hoặc điều trị chửng theo phác đồ nào cả. Hơn nữa, họ vẽ ra vô vàn thứ khác để xét nghiệm nhằm móc túi bệnh nhân. Vì thế, có người đến khám ở các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc mất đến hàng chục triệu đồng trong khi điều trị tại các bệnh viện chỉ hết vài trăm ngàn đồng. Ví như trường hợp bệnh nhân T.T.T.T (ở Quảng Ninh) bị hôn mê, chết não khi điều trị tại Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội, nếu điều trị tại BV Phụ sản TƯ chỉ hết vài trăm ngàn đồng.

Quản lý như thế nào?
Theo Sở Y tế Hà Nội, tại Hà Nội, có 3.000 cơ sở y tế, trong đó 100 phòng khám đa khoa với khoảng 30 phòng khám có yếu tố nước ngoài.

Ông Nguyễn Dương Trung, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết, việc quản lý các sở y tế nói chung, các phòng khám nói riêng do nhiều cơ quan chịu trách nhiệm. Ví như UBND các cấp, Phòng Y tế các quận/ huyện. Sở Y tế chỉ quản lý chung. Với các phòng khám có yếu tố nước ngoài, hằng tháng Sở đều giao ban, thông báo các hoạt động thanh kiểm tra, kết quả xử lý các cơ sở vi phạm. Hằng năm, Sở đều có các chuyên đề kiểm tra Phòng khám có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, khi nhận được thông tin của người dân phản ánh qua đường dây nóng, Sở sẽ cử người kiểm tra và xử lý ngay. 
20170308_100602.jpg
Ông Nguyễn Dương Trung, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội
Trả lời về hiện tượng, khi kiểm tra các phòng khám có bác sĩ nước ngoài, bác sĩ thường không có mặt hoặc bỏ trốn, ông Trung cho rằng, Sở chỉ kiểm tra về chuyên môn, phát hiện và xử lý các sai phạm. Còn con người, phòng khám sử dụng thì họ phải có trách nhiệm, chứ Sở không quản lý. Vì vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về phòng khám sử dụng bác sĩ đó, tiếp đến là trách nhiệm của người hành nghề.

Đối với các phòng khám liên tục vi phạm nhưng không bị tước giấy phép hoạt động, nhiều người cho rằng Sở Y tế đã “phạt và cho tồn tại”, ông Trung cho rằng, điều này không đúng. Bởi việc xử lý vi phạm phải căn cứ theo luật. Cơ sở vi phạm đến đâu thì xử lý đến đây. Ví như, với phòng khám vi phạm, ngoài bị phạt tiền, tạm dừng hoạt động, cơ quan chức năng còn buộc phải khắc phục lỗi vi phạm. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, thấy đã khắc phục được các lỗi vi phạm, mới tiếp tục được hoạt động trở lại.

Trường hợp các bác sĩ Trung Quốc vi phạm, ông Trung cho biết, Giấy phép hành nghề chỉ cấp 1 lần và do Bộ Y tế thực hiện. Khi họ vi phạm, việc thu hồi giấy phép hành nghề sẽ do Bộ chủ trì còn Sở Y tế, theo thẩm quyền chỉ đình chỉ hành nghề có thời hạn. Những trường hợp bị tước chứng chỉ bao giờ cũng phải thông báo cho Phòng Y tế địa phương.
20170307_112035.jpg
Công an huyện Thanh Trì làm việc với Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội
Trả lời câu hỏi, liệu có đề xuất tăng mức phạt để tránh tái diễn với các bác sĩ vi phạm, ông Trung cho rằng: Hiện Luật Khám chữa bệnh và Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã quy định rõ. Vì vậy, với các y, bác sĩ vi phạm, ngoài bị phạt tiền, tước chứng chỉ hành nghề, còn có thể bị truy tố nếu sai phạm nghiêm trọng. Như vậy, hình phạt đã đủ nghiêm minh.

Trước đó, như PNVN đã thông tin, ngày 5/3, chị T.T.T.T (29 tuổi, ở  Quảng Ninh) đến Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội (Km 12, đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) để khám phụ khoa. Sau khi gia đình liên lạc với bệnh nhân, thì được nhân viên y tế cho biết đang thăm khám. Gia đình liên lạc lần 2 thì nhân viên y tế cho biết bệnh nhân bị co giật, hôn mê nên đưa đi cấp cứu tại BV Bạch Mai.
Phía BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân được chuyển đến trong tình hôn mê sâu, tổn thương nặng toàn phần não. Hiện bệnh nhân có tiên lượng xấu, mắt trắng, các chức năng ở não đều không hoạt động được.
Sở Y tế Hà Nội đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội cho đến khi sự việc được làm rõ. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm