Chia sẻ về sự việc khá hi hữu này, Thạc sĩ Vũ Thu Hà cho biết bản thân chị thấy vui trước lựa chọn xử lý tình huống của 2 gia đình bị trao nhầm con ở thời điểm hiện tại. Đó là họ để cho các con ở cùng nhau, làm quen với nhau cũng như làm quen với mái ấm mới.
“Chắc chắn đây là cách tốt nhất để giúp 2 đứa bé ấy chấp nhận thực tế và sớm hòa nhập với môi trường mới, bằng một cách nào đó thật kiên trì nhất có thể. Bởi với các con lúc này, sự khác biệt thay đổi môi trường và thay đổi chính bố mẹ của mình ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý!”, chị Hà nói.
Theo chị, lo lắng và sợ hãi là điều dễ xảy đến với bất cứ đứa trẻ nào ở trong hoàn cảnh này. Khác với những trẻ trưởng thành, với trẻ từ 6 đến 7 tuổi, đây là giai đoạn các con nhận thức rõ về bản thân, đã xác định được cái tôi và hiểu rõ bản thân mình là ai.
Đây cũng là giai đoạn các con được trải nghiệm các mối quan hệ, môi trường, hoạt động quanh mình với đặc trưng là sự tương tác với mọi người. Thế nhưng các con chắc chắn có sự xáo trộn mà ở lứa tuổi lên 6, các con không thể nào hiểu được lý do vì sao có câu chuyện như vậy.
“Vai trò của bố mẹ rõ ràng rất quan trọng với các con, ở đó có cả sự yêu thương, cả nguyên tắc, cả vấn đề tương tác giáo dục, hỗ trợ nhau. Thế nhưng, những người lạ nhận làm bố mẹ và có những đặc quyền như thế thì rất khó xử với các con!”, Thạc sĩ Vũ Thu Hà phân tích kỹ hơn.
Chính vì điều này mà các con rất cần sự quan tâm, chia sẻ, hướng dẫn và hỗ trợ của cha mẹ 2 bên. Bố mẹ hãy dành thật nhiều thời gian để trao đổi, chia sẻ với con. Tuyệt đối tránh sự giằng kéo hoặc không chuẩn bị tốt tâm lý cho con, không giải thích hay không nói chuyện với con là những điều cần tránh làm.
“Bố mẹ không nên xây dựng tâm thế để con chấp nhận người khác là bố mẹ của mình mà không nói rõ hoàn cảnh gia đình bên kia như thế nào... Nếu không có sự trao đổi chia sẻ, các con sẽ cảm thấy lạc lõng, lạ lẫm, từ đó rất khó để thích nghi! Đây là điều mà bố mẹ phải chuẩn bị rất kỹ, trogn đó sự tương tác là vô cùng quan trọng. Bố mẹ phải nói chuyện trao đổi với con rất nhiều mới có thể giúp con sớm chấp nhận và hòa nhập được môi trường mới”, chị Vũ Thu Hà nhìn nhận.
Về phần các bậc phụ huynh, Thạc sĩ Vũ Thu Hà cho rằng, chính bố mẹ cũng cần được hỗ trợ để vượt qua cú sốc lớn này. Thế nhưng vì họ là người lớn, nên chị Hà cho rằng sẽ có cách để vượt qua được cú sốc, bởi điều quan trọng là họ đã tìm được con ruột của chính mình.
“Trong cuộc sống, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Tôi nghĩ cú sốc này cũng sẽ nhanh qua với họ thôi! Điều mà chúng ta cần chú tâm nhất lúc này chính là sự thích nghi với gia đình mới của các con. Tôi thấy 2 gia đình hành động quá ổn khi cho con chơi cùng nhau, làm quen hoàn cảnh của nhau”, chị Hà nhận định.
Nữ thạc sĩ đưa ra lời khuyên, các bậc phụ huynh hãy cố gắng nghĩ một cách tích cực, rằng chúng ta có nhiều hơn một đứa con, chúng ta hạnh phúc khi có một mối liên kết thân thiết với gia đình khác.
“2 người mẹ trong câu chuyện này có lẽ là những người nhạy cảm nhất, dày vò nhất. Nhưng nếu chỉ dày vò khi nghĩ rằng mình đã không được ở bên con ruột suốt 6 năm qua thì điều này chỉ khiến mình thấy không thoải mái và bối rối, không tạo ra sự thích nghi hoặc làm cho mối quan hệ tốt hơn lên. Đây không phải là điều hữu ích, bởi thực ra đứa trẻ đó cũng được sống trong sự yêu thương của cha mẹ 2 bên nên không nên dằn vặt nhiều về điều này”, chị Hà đưa ra lời khuyên.
Điều cần quan tâm nhất bây giờ, theo Thạc sĩ Vũ Thu Hà, là các mẹ phải hỗ trợ cho các con, hiểu theo khía cạnh tích cực là có 2 đứa con và cùng nhau xây dựng bồi đắp quan hệ này, giúp con sớm thích nghi.