pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vừa đau đầu vừa chảy máu cam là do đâu? Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Vừa đau đầu vừa chảy máu cam là tình trạng phổ biến, nguyên nhân có thể rất nhỏ, như dị ứng hoặc thay đổi thời tiết. Nhưng đôi khi, tình trạng này xảy ra có thể do chấn thương nặng hoặc tình trạng bệnh lý gây ra.
1. Nguyên nhân gây ra tình trạng đau đầu và chảy máu cam
Chảy máu cam là do mạch máu trong mũi bị vỡ. Vì các mạch máu nằm rất gần lối vào mũi nên chúng dễ bị thay đổi nhiệt độ, khô và các tổn thương nhẹ.
Đối với đau đầu có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm mất nước, dùng thuốc và huyết áp cao.
Các nguyên nhân phổ biến gây đau đầu và chảy máu cam có xu hướng rơi vào 3 nhóm: tình trạng bệnh lý, yếu tố môi trường hoặc sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nhiều khi chảy máu mũi và đau đầu cùng lúc là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Nguyên nhân gây đau đầu và chảy máu cam ở người lớn
Một nghiên cứu cho thấy người lớn mắc chứng đau nửa đầu bị chảy máu cam nhiều hơn đáng kể. Một số nguyên nhân có thể gây đau đầu và chảy máu cam, bao gồm:
- Môi trường quá khô
- Ngộ độc khí carbon monoxide
- Huyết áp cao
- Thiếu máu
- Nhiễm trùng mũi
- Lạm dụng cocain
- Vô tình hít phải hóa chất, chẳng hạn như amoniac
- Tác dụng phụ của thuốc, chẳng hạn như warfarin
- Chấn thương đầu
Ngoài ra, một nghiên cứu cho thấy những người mắc chứng giãn mao mạch xuất huyết di truyền (HHT) đã báo cáo chảy máu cam cùng lúc với chứng đau nửa đầu. HHT là một rối loạn di truyền hiếm gặp gây ra nhiều sự phát triển bất thường trong mạch máu.
Nguyên nhân gây đau đầu và chảy máu cam khi mang thai
Đau đầu và chảy máu cam là hiện tượng thường gặp khi mang thai. Điều này là do niêm mạc mũi và đường mũi nhận được nhiều máu hơn. Lượng máu đến các mạch nhỏ trong mũi tăng lên có thể gây chảy máu cam.
Hơn nữa, phụ nữ mang thai cũng có những thay đổi về nội tiết tố, đặc biệt là trong ba tháng đầu tiên. Điều này cũng có thể gây đau đầu. Điều đáng lưu ý là đau đầu cũng có thể là dấu hiệu của tiền sản giật, huyết áp cao và tổn thương nội tạng. Do đó, nếu đau đầu và chảy máu cam quá nhiều cũng như triệu chứng không thuyên giảm hoặc biến mất sau 20 phút, bạn nên đên bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.
Nguyên nhân gây đau đầu và chảy máu cam ở trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ thường có xu hướng bị chảy máu cam nhiều do ngoáy mũi, chấn thương, thiếu ngủ. Tuy nhiên, khi chảy máu cam đi kèm với đau đầu có thể nguyên nhân do đau nửa đầu.
Đôi khi, chảy máu quá nhiều cũng có thể gây đau đầu. Khi những triệu chứng này xảy ra thường xuyên và gần nhau, đây có thể chỉ ra một tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như huyết áp cao, bệnh bạch cầu hoặc thiếu máu.
Ngoài những nguyên nhân trên, đau đầu và chảy máu cam cùng lúc có thể là dấu hiệu của ung thư não, tình trạng này bất kỳ ai cũng có thể gặp.
Dấu hiệu của khối u não
Các dấu hiệu của khối u não sẽ rất khác nhau và tùy thuộc vào vị trí của khối u trong não. Một số triệu chứng phổ biến khi có khối u não:
- Đau đầu
- Co giật
- Hạn chế ngôn ngữ hoặc suy nghĩ
- Thay đổi hành vi
- Tê hoặc mất cảm giác ở một bên cơ thể
- Chóng mặt
- Lú lẫn
- Thay đổi thị giác hoặc thính giác
2. Đau đầu và chảy máu cam khi nào cần đến bác sĩ?
Đôi khi, chảy máu cam và đau đầu không thể kiểm soát được ở nhà.
Nếu chảy máu cam kéo dài hơn 20 phút mà không thuyên giảm hoặc ngưng chảy máu thì bạn nên đến bệnh viện ngay để được cấp cứu. Ngoài ra, khi có các dấu hiệu sau bạn cũng nên đến ngay bệnh viện để được chăm sóc sức khoẻ kịp thời:
- Chảy máu xuống cổ họng
- Chảy máu cam do chấn thương nặng
- Chóng mặt hoặc choáng váng
- Chảy máu cam cản trở hô hấp
Đau đầu thường có thể được kiểm soát bằng thuốc không kê đơn (OTC). Nhưng hãy đến bệnh viện ngay nếu có bất kỳ điều nào sau đây đi kèm với cơn đau đầu:
- Cổ cứng
- Hụt hơi
- Hoa mắt
- Buồn nôn và ói mửa
- Thay đổi trạng thái tinh thần
- Co giật
3. Cách đối phó khi bị đau đầu và chảy máu cam
Chảy máu cam thường có thể được kiểm soát tại nhà bằng một số cách như:
- Ngồi dậy và nghiêng về phía trước để tránh máu chảy vào miệng
- Bóp cánh mũi. Bạn có thể dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp chặt hai cánh mũi trong vòng 10 phút và thở bằng miệng.
- Sau 10 phút, thả ra và kiểm tra xem có chảy máu không
- Nếu vẫn còn chảy máu, hãy nhúng một miếng bông gòn vào thuốc xịt mũi Afrin (oxymetazoline) và đặt vào lỗ mũi trong 10 phút.
- Lấy bông gòn ra và không xì mũi trong hai ngày để tránh chảy máu tiếp tục
Sau khi máu đã ngừng chảy, bạn có thể chườm ấm hoặc mát lên đầu hoặc cổ để giảm đau. Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh, mát mẻ và hạn chế ánh sáng chói.
Đối với chứng đau đầu, việc điều trị tuỳ vào các tác nhân, nguyên nhân và loại đau đầu gây ra. Một số phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Quản lý căng thẳng
- Dùng thuốc
- Nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, tránh nơi có ánh sáng chói
- Tập thể dục
- Thay đổi thói quen ăn uống
- Ngủ đủ giấc
- Tránh các tác nhân đã biết gây ra cơn đau đầu
Có một điểm cần lưu ý, thuốc aspirin có thể giảm đau nửa đầu nhưng là một yếu tố góp phần làm chảy máu mũi nhiều hơn vì đây là chất làm loãng máu. Do vậy, khi vừa bị đau đầu vừa bị chảy máu cam, bạn nên chú ý không sử dụng hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ về loại thuốc này.
4. Cách ngăn ngừa đau đầu và chảy máu cam
Nhìn chung, không có cách ngăn ngừa cơn đau đầu và chảy máu cam một cách hoàn toàn, nhưng mọi người có thể giảm nguy cơ mắc tình trạng này bằng một số cách:
- Trong mùa khô, bạn có thể sử dụng máy phun sương trong nhà để giữ ẩm không khí. Điều này sẽ giữ cho bên trong mũi không bị khô, giảm nguy cơ chảy máu cam. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thuốc dị ứng không kê đơn OTC để ngăn ngừa đau đầu và các triệu chứng ở mũi nếu bạn bị dị ứng theo mùa.
- Quản lý và giảm căng thẳng sẽ giúp ngăn ngừa một số cơn đau đầu.
- Không nên ngoáy mũi và tránh xa các tác nhân đã biết là nguyên nhân gây đau đầu hoặc có thể gây chảy máu cam.
Có thể nói, đau đầu và chảy máu cam là hiện tượng phổ biến và khi chúng xảy ra cùng lúc có thể rất đáng lo ngại. Do đó, nếu gặp tình trạng này thường xuyên, bạn nên đến bệnh viện thăm khám để tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh.