pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vựa hoa cây cảnh Văn Giang tồn hàng ngày cuối năm
Chiều 30 Tết nhiều vườn hoa còn tồn đọng không tiêu thụ hết
Dọc các tuyến đường đê sông Hồng, đoạn chạy qua các xã Xuân Quan, Phụng Công, Thắng Lợi và xã Mễ Sở, thuộc huyện Văn Giang, các loại hoa cây cảnh như hoa Cúc, hoa Trạng nguyên, Địa lan, cùng các loại Quất, Cam, Bưởi cảnh vẫn bày la liệt, nhưng vắng khách mua.
Anh Vũ Đức Mạnh, một chủ vườn khá lớn ở xã Liên Nghĩa, chia sẻ: "Năm nay lượng cây người dân làm ra cũng như mọi năm, nhưng có lẽ do kinh tế khó khăn, nên lượng tiêu thụ suy giảm đáng kể. Chưa năm nào nhà tôi bị ế như năm nay, lượng cây tiêu thụ chỉ đạt 80%, mà giá thành thì cũng giảm tới 30% so với mọi năm. Giờ cây ế không bán hết thì đành để lại làm cho Tết năm sau, chứ biết sao bây giờ".
Chị Nguyễn Thị Nga, ở xã Phụng Công, cho biết: "Như mọi năm thì cánh đồng hoa ở xã tôi đã bán hết rồi, năm nay thì còn tồn lại nhiều quá, các loại cây như hoa Địa lan, hoa Mộc, Trà, thì còn để lại được, khổ nhất là nhà nào ế các loại hoa mùa vụ như Trạng Nguyên, Cúc…, thì chỉ có bỏ đi. Tốn kém vất vả công sức vốn liếng cả năm, giờ ế ẩm đổ bỏ như thế này thật xót xa lắm".
Đối với người trồng hoa cây cảnh thì ế ẩm đã khiến họ phải đón một cái Tết không vui, nhưng với những người đi buôn hoa cây cảnh Tết năm nay cũng chịu chung số phận buồn. Bởi sự ế ẩm, giá thành rẻ, dẫn đến cảnh thua lỗ, ai may mắn không lỗ thì cũng chỉ hòa vốn, hoặc có chút lợi nhuận không đáng kể.
Chị Hoàng Thị Hạnh, ở xã Liên Nghĩa, hàng năm cứ đến dịp cận Tết Nguyên đán, gia đình chị lại buôn quất, bưởi đi bán ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương. Trao đổi với phóng viên Báo PNVN, chị nói: "Năm nay tôi cũng tiên lượng hàng sẽ khó bán bởi kinh tế khó khăn chung. Nhưng không nghĩ bán hàng lại chậm đến vậy, bình thường hàng năm nhà tôi buôn tới cả nghìn cây, nhưng năm nay chỉ dám nhập 700 cây mà vẫn ế mất gần 200 cây, dự tính thua lỗ tới gần trăm triệu, nói chung là buồn và mất Tết".
Theo chia sẻ của người dân trồng hoa cây cảnh ở Văn Giang, thì năm nay chẳng những thị trường tiêu thụ chậm, lại thêm thời tiết có nhiều diễn biến khó lường. Về dịp cuối năm càng khắc nghiệt, sương muối nhiều, khiến cho quất mang đi tiêu thụ bị rụng lá, thối quả rất nhiều. Có lẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho hàng hoa cây cảnh đã ế lại càng thêm khó.
Với nghề trồng hoa cây cảnh Tết thì luôn đối mặt với nhiều những khó khăn khó lường, từ giá cả thị trường đến nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, và đặc biệt nhất là những diễn biến của thời tiết. Tất cả những điều đó đều có thể gây ra những khó khăn bất lợi cho người dân. Nhưng với người dân ở vùng làng nghề như chúng tôi, thì đều phải chấp nhận tất cả những điều này thôi, ông Vũ Đức Mạnh cho hay.