Vừa ly hôn, mẹ chồng cũ đã đổi xưng hô thành 'bác - cháu'

19/11/2019 - 13:34
Sau ly hôn 3 tháng, mọi nỗi chông chênh trong lòng Mai còn chưa kịp lắng xuống, thì chị nhận được điện thoại của mẹ chồng cũ. Sau vài giây bỡ ngỡ, chị thấy lạnh gáy khi mẹ chồng cũ chủ động chào hỏi và đổi ngôi xưng hô “bác - cháu” rất bình thản, lạnh lùng.

Cuộc trao đổi thông tin ngắn với mẹ chồng cũ qua điện thoại đã kết thúc vài giờ đồng hồ, vậy mà chị Nguyễn Mai, 28 tuổi (tỉnh Bắc Giang) vẫn chưa hết sững sờ, trống ngực đánh thùm thụp, nhấp ngụm nước cam ấm để cố trấn tĩnh, tay chị vẫn run run: “Em vừa nhận điện thoại của mẹ chồng cũ, bà trao đổi nhanh về tình hình thủ tục cắt hộ khẩu trả em về nhà ngoại để trả hộ khẩu lại cho bà. Nhưng cách bà chủ động điện thoại và bất ngờ thay đổi cách xưng hô bình thản khiến em có phần bối rối...”.

 

Chị thấy lạnh gáy khi mẹ chồng cũ chủ động chào hỏi và đổi ngôi xưng hô “bác - cháu” rất thản nhiên (Ảnh minh hoạ) 

 

Nguyễn Mai cho biết, cuộc hôn nhân của vợ chồng cô chóng vánh kết thúc chỉ sau đám cưới tròn 1 năm: “Ngày lễ kỷ niệm đám cưới tròn 1 năm, cũng là ngày vợ chồng em nhận quyết định ly hôn của toà án, kết thúc một cuộc tình dang dở, không đầu không cuối trong bẽ bàng…”.

Trên gương mặt Mai vẫn nở nụ cười tươi, rạng rỡ, tự tin của tuổi trẻ, nhưng nụ cười vụt tắt khi cô nhắc lại cuộc hôn nhân ngắn ngủi kết thúc khi vợ chồng cô chưa kịp cùng nhau vượt qua khó khăn đầu của cuộc sống mới. “Bọn em biết nhau trong một dịp đám cưới của người bạn. Chỉ sau đó hơn 1 năm thì bọn em quyết định đám cưới, vì cả 2 đều đến tuổi xây dựng gia đình, anh ấy 28 tuổi. Thế nhưng, lúc yêu đương thì chả có vấn đề gì, vì em thấy anh là người hiền lành, không nghiện rượu chè, thuốc lá, công việc cũng làm nghề thợ điện, dù thu nhập không cao, nhưng ổn định. Em làm nghề giáo viên tiểu học, sẽ không đáng lo về cuộc sống nếu cả 2 cùng cố gắng. Vậy mà…”.

Mai bỏ lửng câu chuyện với vẻ trầm tư, buồn buồn rồi kể: “Anh ấy sa ngã vào cá độ đá banh ngay sau ngày cưới 3 tháng. Số tiền em dành dụm gần 200 triệu đồng trước khi cưới đành phải bỏ ra cứu chồng, anh hứa sẽ dừng lại và đi làm, tích góp trả lại cho vợ không thiếu đồng nào”. Tuy nhiên, sau lần sa ngã ấy, mỗi khi Mai vặn hỏi chồng đi đâu ra khỏi nhà, anh lại cáu bẳn, sinh thói chửi tục, chửi thề trước sự quan tâm và “giám sát” của vợ. Dần dần, anh lại mắc vào 2 món nợ nữa cũng với số tiền hàng trăm triệu đồng. Chưa có con cái, mà nợ nần mỗi ngày đội lên với con số khủng khiếp, khi Mai lo lắng nói chuyện với bố mẹ chồng nhờ khuyên can, giúp đỡ, thì chị nhận được những câu nói vô tâm của mẹ chồng: “Chồng chị thì chị lo dạy bảo, chúng tôi giờ già rồi, chả giúp được gì đâu. Đàn ông thì cũng đôi lúc có thói hư tật xấu, chả nhẽ cái gì chị cũng đòi hỏi con trai tôi phải hoàn hảo với chị thì không có đâu”.

 

Mai đành đưa đơn ly hôn chồng khi nghĩ đến tương lai mờ mịt với người chồng thiếu nhân cách (Ảnh minh hoạ)

Sau vài lần vợ chồng mâu thuẫn, cãi vã vì chuyện nợ nần của chồng, khi những nhóm người xã hội đen đến nhà đòi nợ, chồng Mai nhiều lần lẩn trốn, bỏ mặc Mai sợ hãi trốn chạy, rồi chuyển nhà trọ để tránh sự đeo bám của đám người lạ mặt. Vì Mai kiên quyết không thể giúp chồng trả nợ, khi cô đã hết cách, anh ta bắt đầu chửi bới vợ, xua đuổi cô về nhà ngoại để ép buộc cô bảo bố mẹ đẻ bán miếng đất còn lại của tổ tiên cho anh vay. Quá thất vọng về chồng, Mai đành đưa đơn ly hôn chồng khi nghĩ đến tương lai mờ mịt với người chồng thiếu nhân cách và ý chí cho cuộc sống gia đình.

Cho rằng Mai từ bỏ chồng lúc “hoạn nạn” nên phía gia đình chồng căm ghét cô. Từ bố mẹ chồng, chị gái chồng đến cô bác ruột nhà chồng đều chặn hoặc huỷ kết nối số điện thoại với Mai. Thậm chí, cuộc ly hôn nhẹ nhàng của Mai và chồng không có thêm một lời trách móc, hỏi han gì từ phía những người lớn trong nhà, dù phía thông gia nhà Mai có xin hẹn gặp bố mẹ và gia đình chồng Mai trước ngày vợ chồng chị ra toà, nhưng mọi chuyện đều đi vào im lặng, Mai cho biết: “Cho đến giờ, bố mẹ em vẫn hơi buồn về cách hành xử vô cảm của nhà chồng cũ. Dù gì thì cháu vẫn còn trẻ, nhưng trước sự việc nghiêm trọng ra toà ly hôn của 2 con, 2 bên bố mẹ cũng nên gặp nhau để trao đổi, chia sẻ và giúp đỡ 2 đứa, đằng này, phía nhà họ im lặng luôn đến giờ”.

“Cách đây hơn 1 tháng, em có mượn chồng cũ hộ khẩu để làm thủ tục cắt hộ khẩu về lại nhà bố mẹ đẻ, lẽ ra 2 đứa vẫn liên lạc vì chuyện làm nốt thủ tục giấy tờ vướng mắc, nhưng bất ngờ là anh không nhắc em đòi lại hộ khẩu, mà là mẹ chồng cũ. Bà lạnh lùng: “Có phải số điện thoại của Mai đây không?” “Dạ…” “Cháu làm xong hộ khẩu chưa, phiền cháu mang trả cho bác ngay nhé” “Dạ…, con…, à….cháu…. đang làm sắp xong ạ. Xong việc cháu sẽ mang trả bác ngay ạ, cháu…”. Cuộc điện thoại lạnh lùng ngắt rụp, khiến Mai ngỡ ngàng. Chị rè rặt hỏi lại chồng cũ chuyện mẹ chồng vừa hỏi, xong chị cũng nhận được tin báo số máy này đã bị chặn. Các tài khoản xã hội trước kia chị vẫn liên lạc với chồng cũ cũng đã biến mất.

Mai cho rằng: “Dẫu chẳng còn liên quan gì đến nhà chồng cũ nữa, nhưng còn khoản tiền khá lớn em cho chồng trả nợ hồi ấy thì anh ta cũng nên trả lại cho em. Em giờ thành người dưng với nhà họ, nhưng cách mẹ chồng cũ đổi xưng hô quá nhanh vẫn khiến em bối rối. Bà ấy có thể gọi tên em và xưng “tôi” - "chị" thay vì “bác” - “cháu” nghe xa lạ quá. Dẫu gì, em và gia đình chồng cũ cũng có quãng thời gian từng sống chung, ngủ cùng một mái nhà, từng ăn bữa cơm chung, sinh hoạt chung trong nhiều dịp lễ, Tết, giờ tình cảm, mối quan hệ bỗng như “bát nước đổ đi”, vô cảm không bằng hàng xóm, quả thực em thấy buồn, hụt hẫng”. “Nhưng thôi, dù sao mọi chuyện cũng đã dừng lại. Tình cảm đã mất đi không thể lấy lại được. Em hơi buồn, nhưng có lẽ sau quãng thời gian và những sự việc đã qua cũng cho em một niềm an ủi rằng, những con người ấy không đáng để em phải buồn hay tiếc nuối sau những sự việc đã xảy ra và cách hành xử của họ hôm nay” - Mai bộc bạch và tự trấn an chính mình. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm