Làng Chuông vốn là một làng nghề nổi tiếng làm nón lá nức tiếng gần xa. Thế nhưng, ít ai biết, người làng làm nón không chỉ để bán mà còn mang đến tiếng cười trong đời sống tinh thần của người làm nghề.
Không chỉ các chị, các mẹ ở xóm Liên Thành, mà ở hầu hết các thôn, xóm có nghề làm nón đều như thế. Điều đó không chỉ khiến cho cuộc sống tinh thần của người dân nơi đây thêm thi vị mà còn tạo không khí hăng say cho những người làm nghề để cho ra những sản phẩm đẹp hơn, nhiều hơn.
"Người giỏi nhất một ngày chỉ làm được hai cái nón, ai làm nhanh thì làm một cái nón mất khoảng hai tiếng rưỡi. Để làm được nón thì phải có gần chục nguyên liệu đi kèm như lá, mo, vòng, chỉ, nhộng, chỉ nhôi, cước, cạp… Bây giờ làng Chuông không còn tre nứa nên phải đi lấy phụ liệu từ các làng nghề khác như làng Vòng", chị Phạm Thị Kim Ngân, một người làm nón, cho biết.
"Nón làng Chuông trông mỏng manh nhưng vô cùng bền, chắc, không bị thâm, giữ được màu trắng trong lại chống nước. Tuổi thọ của nón là 3 năm nếu giữ gìn, còn bình quân là 1 năm. Chợ Chuông đến nay vẫn rất đông, lại là một chợ lớn, nhiều người đến mua cả xâu nón vài chục chiếc về bán buôn, nhưng cũng có người mua lẻ cả chục chiếc về cho cả gia đình đội đi du xuân, chơi tết hay đi du lịch", chị Ngân cho biết.
Đến với làng Chuông, du khách không chỉ mua nón mà còn được trải nghiệm, cảm nhận về cách làm nón, vui nghề của người dân nơi đây, để thấm hơn cái giá trị của những sản phẩm cổ truyền của người Việt.