Vụn Art đồng hành cùng Mottainai mùa thứ 7

15/11/2019 - 10:20
Tại Ngày hội Mottainai “Giáng sinh Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc” 2019 do Báo PNVN tổ chức tại vườn hoa Lý Thái Tổ và phố đi bộ quanh hồ Gươm, Hà Nội, vào ngày 8/12 tới, Vụn Art sẽ tham gia giới thiệu các sản phẩm ghép từ vải vụn, có tính ứng dụng cao...
Vụn Art được người dân Hà Nội biết đến như một mô hình doanh nghiệp tạo tác động xã hội bởi Vụn Art được tạo ra để kết nối với cộng đồng người yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật.
 
“Tôi muốn sản phẩm của mình phải sống được, chứ không muốn mọi người nhìn thấy sản phẩm của người khuyết tật có ngay suy nghĩ “phải ủng hộ”, “phải giúp đỡ”, như vậy chúng tôi sẽ không đi xa được”, đó là mong muốn và cũng là mục tiêu của anh Lê Việt Cường, người sáng lập và điều hành Vụn Art (cũng là Chủ tịch Hội Người Khuyết tật quận Hà Đông, Hà Nội). 
 
Nhân viên của Hợp tác xã Vụn Art là các bạn khuyết tật, chịu khó học hỏi và mong muốn được tự lập trong cuộc sống

 

Câu chuyện về những người khuyết tật làm nên những sản phẩm từ vải vụn của anh Lê Việt Cường đã trở thành cảm hứng cho cộng đồng người yêu nghệ thuật thủ công Hà Nội và những người quan tâm đến những người khuyết tật.
 
Anh Lê Việt Cường chia sẻ, tháng 3/2017, khi anh được Phó bí thư thường trực Quận ủy Hà Đông, vốn là một họa sỹ đề nghị Hội phát triển sản phẩm nào đó để Hội Người Khuyết tật quận Hà Đông, ngoài tạo công ăn việc làm còn có thể gây quỹ cho hoạt động của Hội. Sau nhiều ngày trăn trở, các anh đã bắt tay vào sản phẩm tranh ghép vải, lấy tên là Hợp tác xã Vụn. Để có thể vận hành hợp tác xã, anh Cường đã cùng những người bạn của mình tự mình mày mò, sau đó đi vận động người khuyết tật để dạy lại, đào tạo họ làm ra sản phẩm. 
 
Ban đầu, anh vận động được 35 người trong địa bàn quận, sau đó anh và các họa sĩ trong ekip của mình là Nguyễn Văn Trường, Đặng Thị Khuê và Nguyễn Duy Hoàng đào tạo nghề cho học viên. Cứ như vậy, những người được học lại dạy cho những người khác, đến nay số người phù hợp với công việc còn lại 15 người. 
 
Những mảnh ghép đã tạo nên ước mơ của nhiều mảnh đời
 
 
Ban đầu, sản phẩm chính của Vụn Art là làm tranh ghép vải bán cho các doanh nghiệp hoặc ký gửi tại các cửa hàng lưu niệm, thu nhập không cao. Năm 2018, Vụn Art được Quỹ Abilis (Phần Lan) tài trợ kinh phí để mở rộng sản phẩm, thương mại hóa sản phẩm nên những người điều hành Vụn Art đã nghiên cứu, mày mò làm ra túi, may tại xưởng may của người khuyết tật, mang về cùng các họa sỹ làm tranh dân gian ghép lên sản phẩm… Các sản phẩm túi vải, áo không bị bong tróc khi giặt.

“Các bạn khuyết tật chưa thể sáng tác được, mà lấy tranh của các tác giả khác thì sẽ vi phạm bản quyền, cho nên tranh dân gian là an toàn nhất, vừa có thể giới thiệu văn hóa, vừa giữ gìn và bảo tồn văn hóa. Tuy nhiên, làm gì cũng phải có tính ứng dụng thực tế thì sản phẩm mới lâu dài. Tranh không thể lúc nào treo khắp nhà được, nhưng túi hay quần áo ngày nào cũng phải sử dụng. Vải vụn thì gom ở các nhà may, tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu chi phí, bảo vệ môi trường, cho nên chúng tôi phát triển thêm những sản phẩm ứng dụng khác ngoài tranh”, anh Cường phân tích. 

Anh cho biết, hơn 6 tháng nay, Vụn Art đã có doanh thu, dù vốn vẫn phải bỏ ra nhưng đây là tín hiệu đáng mừng đối với những người khuyết tật, bởi như vậy, người khuyết tật có thể yên tâm với thu nhập để trang trải cuộc sống.
 
Không chỉ có những sản phẩm đẹp, tính ứng dụng cao, Vụn Art giờ đây đã trở thành một nơi để khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm. Nhiều tour du lịch đã tổ chức đưa khách đến làng nghề Vạn Phúc và đến với Vụn Art bởi nơi đây cho thấy sự đặc biệt của một làng nghề truyền thống với những sản phẩm văn hóa dân gian đi kèm với ý thức bảo vệ môi trường, tái sử dụng sản phẩm bỏ đi, tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật.
 
Anh Cường (thứ 4 từ phải sang) và các nhân viên của HTX Vụn Art

 

 
Tại đây cũng có những chuyến tham quan của học sinh để các em hiểu hơn về văn hóa dân gian Việt Nam, chia sẻ với những người khuyết tật, tự kỷ, tìm hiểu ngôn ngữ ký hiệu của họ, từ đó xây dựng cho học sinh ý thức chia sẻ, tình nhân ái… “Chúng tôi tin những gì Vụn Art làm được không chỉ là sản phẩm, mà còn nhiều hơn thế nữa, đó là tính cộng đồng và tính nhân văn qua mỗi sản phẩm”, anh Cường tự hào nói. 

* Đây là năm đầu tiên, Ngày hội Mottainai được tổ chức tại cả Hà Nội và TPHCM, thể hiện sự lớn mạnh nhanh chóng của mạng lưới Mottainai, Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc. Ngày hội tại TPHCM đã diễn ra ngày 14-15/9/2019 ở Trung tâm mua sắm Aeon Mall Tân Phú Celadon, với chủ đề "Mottainai, Trung thu Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc".

Tại Hà Nội, Ngày hội Mottainai năm nay với chủ đề "Mottainai, Giáng sinh Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc” sẽ diễn ra tại vườn hoa Lý Thái Tổ và phố đi bộ quanh hồ Gươm vào ngày 8/12 (Chủ nhật). Dự kiến Ngày hội sẽ có nhiều nội dung hấp dẫn, mới lạ như: Diễu hành vì an toàn giao thông với sự tham gia của các ông già Noel, các em nhỏ và những người khuyết tật do tai nạn giao thông; Cuộc thi chạy Mottainai Run; Hội chợ Sản phẩm hồng; Trình diễn - giao lưu văn hóa Việt - Nhật; Đấu giá các vật phẩm để gây quỹ trợ giúp các em nhỏ là nạn nhân tai nạn giao thông, trẻ em khó khăn…

Cách tham gia Mottainai 2019

* Từ ngày 10/5/2019, mời bạn:

- Ủng hộ bằng tiền mặt, gửi về: Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối, Hà Nội, Số tài khoản: 114000000909 - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội (đề nghị ghi rõ: Ủng hộ Mottainai).

- Truy cập fanpage: https://www.facebook.com/MottainaiPhunuVietNam để mua đồ online, giới thiệu các trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn và trực tiếp tham gia các hoạt động tình nguyện cùng chương trình.

* Để Ủng hộ đồ đã qua sử dụng:

- Tại Hà Nội, từ ngày 1/11/2019, mời bạn gửi về địa chỉ: Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng. Liên hệ: 024.39713500/39719519 (Chị Kim Khanh - Chánh văn phòng).

* Xem thông tin chi tiết về Chương trình trên Báo Phụ nữ Việt Nam điện tử: www.phunuvietnam.vn, website: www.mottainai.com.vn

Fanpage của Báo PNVN https://www.facebook.com/baophunuvn/ và fanpage Mottainai https://www.facebook.com/MottainaiPhunuVietNam/

Liên hệ theo số điện thoại: 0243.9713500.

 

 

 

 

 

 

4 4 đại sứ của Chương trình Mottainai 2019

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm