Sinh ra trong một gia đình có ba mẹ đều là giáo viên, ngay từ khi 4-5 tuổi, cậu bé Đăng đã “phải lòng” tất cả những cái đẹp thuộc về phụ nữ: Những bộ quần áo mẹ mặc, trang sức, giày dép, đồ trang điểm... Song, khi đó, Đăng vẫn chưa hiểu điều gì đang diễn ra với mình, chỉ biết tất cả những bộ quần áo, đôi giày đầy nam tính đã khiến Đăng cảm thấy bí bách đến nghẹt thở.
Đăng khi còn là cậu bé. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Cứ như vậy, niềm khao khát được dịu dàng, duyên dáng và khoác lên người những trang phục đầy nữ tính cứ lớn dần bên trong cậu bé. Đến mức, không ít lần Đăng lén mặc quần áo của mẹ và cảm thấy thực sự hạnh phúc, thoải mái trong khoảnh khắc đó. Những “vụng trộm” đó cứ tiếp diễn cho tới khi Đăng bước vào cấp 3.
Khi nghĩ về những hành động và sở thích của mình, Đăng cho rằng mình bị tâm lý không bìnhh thường, bị tâm thần và quyết tâm từ bỏ. Nhưng cũng kể từ thời điểm đó, thẳm sâu trong cơ thể của chàng trai trẻ, bản năng người phụ nữ cứ bùng phát, đau đớn và muốn được giải thoát. Hết lần này tới lần khác, Đăng muốn từ bỏ khao khát được trở thành phụ nữ, nhưng mỗi lần như vậy, thẳm sâu trong tâm hồn cậu, sự đau đớn, giằng xé lại càng trở nên mạnh mẽ.
3 lần Uyên Mi cố gắng chối bỏ khao khát được trở thành phụ nữ, nhưng tất cả đều thất bại. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
“Sài Gòn... năm 17 tuổi... Vậy là đã 3 tuần mình cố gắng không nghĩ gì về việc mình mặc quần áo nữ, mình đã cố gắng tạo ra những hoạt động mạnh mẽ với bạn bè để nam tính. Nhưng, trái với mong đợi, tất cả những gì mình nhận được là sự vùng vẫy trong tuyệt vọng khi cố gắng tìm cách chối bỏ tĩnh nữ trong cơ thể. Cảm giác khó chịu và lạc lõng mỗi khi đêm về mình càng trở nên mạnh mẽ. Đêm buông xuống, cả nhà đang say giấc, mình vội vàng vào mạng và hy vọng sẽ tìm được đâu đó những người giống mình, hay ít nhất là một người có thể giúp mình được trở thành con gái... Nhưng tất cả đều vô vọng, không một ai, không một điều gì có thể giúp mình… đêm…”, Đăng viết.
Không thể chợp mắt mỗi khi màn đêm buông xuống, mọi thứ xung quanh đều tĩnh lặng, Đăng lại trở về với bản ngã của một người phụ nữ đang vùng vẫy trong cơ thể mình. Cậu nghĩ đến một nơi nào đó cũng đang có những người cùng nỗi đau như mình - sinh ra là con trai nhưng lại muốn trở thành con gái. “Lại đêm... tôi thường mở ổ khóa, bước ra ngoài và cố nhìn lên bầu trời khuya, thành tâm mong mỏi có một phép màu nào đó giúp tôi được trở thành con gái”, Đăng ghi lại những dòng cảm xúc.
Bản năng phụ nữ mỗi lúc càng trỗi dậy... Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Tốt nghiệp lớp 12, trong một lần đến hiệu sách tại quận Phú Nhuận, TPHCM, cùng anh trai, Đăng tình cờ đọc được một tài liệu y khoa về giới tính, qua đó họ phân tích quá trình phân chia nam nữ của hormone trong bào thai, họ cũng chỉ ra rằng một người nam nhưng lại có ý thức muốn trở thành nữ là chuyện bình thường và hoàn toàn không phải “bệnh” như Đăng từng nghĩ.
“Cuối cùng tôi cũng tìm được thông tin, có một người nam đã phẫu thuật chuyển giới thành công sang nữ ở Đức. Lần đầu tiên tôi cảm thấy cuộc đời mình có lối thoát. 20 tuổi, tôi gặp một cô gái, người mà tôi coi là ân nhân của mình, người giúp tôi những bước chân đầu tiên làm phụ nữ. Việc đầu tiên là “biến tấu” những chiếc áo nam nhàm chán thành những chiếc áo nữ tính hơn, tiếp đó là xin những bộ áo dài và thỏa sức trở thành phụ nữ trên tầng gác cũ - nơi chúng tôi gọi là sân khấu riêng của mình. Tôi suy nghĩ về một cái tên nữ cho mình, đúng lúc đó, người bạn mang đến cho tôi bộ áo dài, bảng tên có ghi Lê Uyên, vốn rất thích chữ Mi từ trước, tôi chọn cho mình tên: Lê Uyên Mi, từ giây phút đó, Uyên Mi ra đời…”.
Uyên Mi hạnh phúc khi được khoác lên mình trang phục áo dài và được sống như một người phụ nữ thực thụ. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Kể từ đó, Uyên Mi lên kế hoạch để được sống như một người phụ nữ thực thụ, từ việc công khai giới tính thật với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, chấp nhận từ bỏ quá khứ và rủi ro của việc tự chích hormone. Nhưng, đối với Uyên Mi, đó là con đường duy nhất để cô được sống với bản ngã của chính mình.
* Xem Uyên Mi chia sẻ về giới tính nữ bên trong mình từ khi còn là cậu bé:
* Đón đọc bài tiếp theo: Bất chấp hiểm nguy để được sống với giới tính thật.