Sinh năm 1985 ở thôn A Xau, xã A Túc (Hướng Hóa, Quảng Trị), qua tuổi 20, chị Khuông phát hiện ra bị bệnh tê liệt chân tay. Bệnh tật khiến cô gái dân tộc Pa cô vốn tự ti, giờ càng thu mình không muốn giao tiếp, trò chuyện với ai. Chị tâm sự, cứ tưởng sẽ suốt đời phải sống trong cô đơn, buồn tủi thì bất ngờ lại nhận được sự yêu thương từ một chàng trai - người là chồng chị bây giờ.
Hai đứa trẻ lần lượt chào đời khiến hạnh phúc của vợ chồng chị Khuông như trọn vẹn hơn dù cả 4 thành viên phải sống trong “căn nhà” mà nhiều người nói “chẳng khác gì chuồng dê”. Gia đình chị cũng nằm trong nhóm các hộ rất nghèo.
Giờ hai con của anh chị, đứa lớn học lớp 4, nhỏ học lớp 2 nhưng từ sau khi sinh con, bệnh tình chị Khuông càng nặng hơn khi nửa người bên trái thường xuyên bị tê liệt. “Tháng nào cũng phải đi viện 1- 2 lần, dù có bảo hiểm y tế nhưng lần nào cũng phải ở viện cả tuần, chồng đi theo chăm vợ nên mỗi lần đều mất hơn 1 triệu đồng. Với người khác có thể đây là số tiền không lớn nhưng với vợ chồng tôi vì phải vay mượn nên nợ nần chồng chất, vất vả lắm!”- chị Khuông chia sẻ.
Cuộc đời của người phụ nữ ấy đã thay đổi sau khi tích cực tham gia các hoạt động do Hội phụ nữ tổ chức như hướng dẫn lập kế hoạch phát triển hộ, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê; tham gia nhóm tiết kiệm, vay vốn thôn bản, hướng dẫn về quản lý tài chính. Sau khi được tập huấn, chị đã được hỗ trợ vốn thực hiện hoạt động sinh kế với 2 con dê giống vào tháng 10/2018.
“Sau gần 1 năm, giờ đàn dê đã lên tới 7 con. Đây là tài sản lớn nhất từ trước đến nay của vợ chồng tôi”- chị Khuông rưng rưng - “Tôi được học kỹ thuật nuôi dê, phòng chống dịch bệnh, biết các biểu hiện khi dê có bệnh để báo cho cán bộ thú y.”
Chồng chị ngoài giúp vợ chăn dê cũng đi làm thuê, có ngày được 200 nghìn đồng. Số tiền được dành dụm để chữa bệnh cho vợ và nuôi con. “Khi dê có thể xuất chuồng, giá khoảng 2-2,5 triệu đồng/con. Tôi đang tính, sẽ dùng số tiền đầu tiên này vào việc thay các cột kèo đã hỏng trong nhà, lợp lại mái. Tôi cũng muốn cuộc sống ổn định để dần dần có thể dành dụm tiết kiệm, chăm lo cho hai con".
Có mặt tại Hội thảo chính sách “Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau”, chị Khuông tâm sự, đây là lần đầu tiên chị rời khỏi nhà đi xa đến thế. Đến Thủ đô được gặp gỡ, giao lưu với các chị em khác, chị cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. “Phụ nữ DTTS cần tự tin, chủ động hơn trong phát triển sinh kế gia đình. Khi trở về, tôi cũng sẽ tích cực tham gia các hoạt động nhóm và học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các hộ khác. Hy vọng, cuộc sống của gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác rồi sẽ thay đổi”.