pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vượt qua tình trạng thiếu máu trong mùa dịch
Dịch COVID-19 và cách ly xã hội khiến các điểm hiến máu rơi vào tình trạng thiếu máu trầm trọng, nhiều điểm hiến máu cũng đã tạm hoãn để an toàn cho sức khỏe cộng đồng.
Tình trạng thiếu máu mùa dịch Covid-19 có thể gây ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng cho phụ nữ sinh đẻ, người bị tai nạn vì mất máu, người bị xuất huyết…
Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ bị thiếu máu hay là người khỏe mạnh thì cũng cần chuẩn bị tinh thần cung cấp đủ máu cho cơ thể (qua chế độ ăn uống hoặc bằng các loại thuốc bổ sung). Người có máu huyết lưu thông tốt, không bị thiếu máu thường cảm thấy khỏe mạnh và nhiều năng lượng hơn. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng giúp bạn vượt qua một số vấn đề sức khỏe khi phải ở trong nhà nhiều ngày.
1. Cung cấp máu qua chế độ ăn uống
Tất cả mọi người (kể cả người khỏe mạnh lẫn người thiếu máu) cần bổ sung máu qua chế độ ăn uống, đề phòng nguy cơ thiếu máu mùa dịch COVID-19.
- Tăng cường thực phẩm giàu chất sắt: Một số thực phẩm giàu chất sắt cung cấp máu trực tiếp cho cơ thể bạn là thịt đỏ, thịt nội tạng như gan và thận, rau màu xanh như cải bó xôi, cải xoăn. Bạn cũng có thể ăn một số loại trái cây sấy khô như mận khô, nho khô, các loại đậu và lòng đỏ trứng.
- Thực phẩm giàu vitamin B9: bánh mì, ngũ cốc, rau màu xanh, các loại đậu, các loại hạt, đậu lăng, đậu Hà Lan…
- Thực phẩm chứa đồng: Thực phẩm chứa đồng không trực tiếp làm tăng số lượng hồng cầu nhưng nó có thể hỗ trợ cơ thể bạn tái tạo máu, thường có nhiều trong thịt gia cầm, hải sản có vỏ, gan, các loại đậu, các loại hạt, quả cherry…
- Thực phẩm giàu vitamin A: các loại rau xanh đậm, khoai lang, bí đỏ, cà rốt, ớt đỏ, dưa hấu, bưởi…
- Thực phẩm giàu vitamin B12: thịt đỏ, cá, các sản phẩm từ sữa, phô mai, trứng…
Phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản thường rất dễ bị thiếu máu, ngoài ra nếu bạn thuộc nhóm máu hiếm cũng cần để ý đến chế độ ăn uống của mình. Ăn uống lành mạnh, đủ chất giúp cải thiện hệ miễn dịch trong mùa COVID-19.
2. Sử dụng thực phẩm chức năng
Thông thường, chế độ ăn uống rất khó cung cấp đủ lượng máu hàng ngày cần có nếu bạn bị thiếu máu. Do vậy, cần gặp bác sĩ để tư vấn về các loại thực phẩm chức năng, thuốc bổ. Khai báo các loại thuốc đang dùng hoặc các bệnh đang mắc để tránh tương tác với thuốc.
- Chất sắt: Cơ thể bạn thiếu sắt thường gây ra tình trạng sản xuất hồng cầu thấp. Phụ nữ cần khoảng 18mg chất sắt mỗi ngày trong khi đàn ông chỉ cần 8mg mỗi ngày. Sắt khi kết hợp vitamin C thường phát huy công dụng một cách tối đa.
- Vitamin C: Vitamin C giúp cơ thể bạn hấp thụ chất sắt tốt hơn. Người trưởng thành trung bình cần khoảng 500mg mỗi ngày. Vitamin C cần uống sau khi ăn tránh tình trạng buồn nôn.
- Đồng: Cơ thể bạn thiếu đồng làm cản trở quá trình sản xuất hồng cầu gây thiếu máu. Nhu cầu đồng hàng ngày của bạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính, tuổi tác và trọng lượng cơ thể nên bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng đúng cách.
- Vitamin A: Phụ nữ cần 700mcg vitamin A mỗi ngày, còn nam giới cần 900mcg.
- Vitamin B12: Hầu hết những người từ 14 tuổi trở lên cần 2,4mcg vitamin B12 mỗi ngày. Nếu bạn mang thai thì cần dùng 2,6mcg và đang cho con bú thì số lượng tăng lên 2,8mcg.
Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung vitamin E, B6, B9... để cải thiện chất lượng trao đổi chất và giúp hạn chế tình trạng thiếu máu
3. Tập thể dục
Tập thể dục giúp tăng lượng hồng cầu trong máu. Tập thể dục trong giai đoạn này không chỉ giúp bạn duy trì thói quen trước đó mà còn giúp giảm căng thẳng, stress khi ở trong nhà quá nhiều.
Thói quen tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp bạn thúc đẩy sức khỏe tổng thể mà còn giúp tăng số lượng hồng cầu. Bạn tập thể dục mạnh sẽ khiến cơ thể cần nhiều oxy hơn. Khi cơ thể cần nhiều oxy thì não sẽ báo hiệu cho cơ thể tạo ra nhiều hồng cầu hơn.
Không thể đến phòng tập, bạn có thể lựa chọn một góc nhà, góc sân để tập luyện. Nên tập 3-4 lần một tuần, mỗi lần từ 20-30 phút. Người bị thiếu máu không nên tập các bài tập nặng vì có thể dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt.
Đối với phụ nữ mang thai, người cao tuổi - nên chọn các bài tập yoga nhẹ nhàng. Bạn có thể tập trên nền tảng trực tuyến trong mùa dịch. Yoga sẽ giúp cải thiện các chỉ số huyết học của người bị thiếu máu. Yoga cũng giúp bạn tăng lưu thông máu trong cơ thể, do đó thúc đẩy hệ thống tuần hoàn và làm tăng số lượng hồng cầu. Nhiều người nhận xét, việc tập yoga giúp họ ngủ ngon hơn, việc thở cũng dễ dàng hơn.
4. Dùng thuốc chuyên trị
Trong trường hợp chế độ ăn uống không mang lại hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng thiếu máu, bạn có thể gặp bác sĩ để được kê một số loại thuốc:
- Thuốc để điều trị bệnh tiềm ẩn: Nếu bạn thiếu máu do xuất huyết hoặc rối loạn di truyền thì cần dùng thuốc. Điều trị tình trạng bệnh có thể giúp số lượng hồng cầu của bạn trở lại bình thường.
- Đối với người bị ung thư, bệnh thận, có thể tiêm kích thích sản xuất hồng cầu theo chỉ định của bác sĩ.
Trong bối cảnh cao điểm chống dịch, nếu bạn là người khỏe mạnh và đủ điều kiện hiến máu, hãy chia sẻ số lượng máu cho các đơn vị y tế, cơ sở tiếp nhận huyết học. Việc hiến máu ngoài mục đích cứu người thì còn rất tốt cho cơ thể.
Đối với người bị thiếu máu, cần ăn uống và sinh hoạt điều độ. Không thức khuya và uống các chất kích thích sẽ khiến gia tăng tình trạng mệt mỏi.