pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vượt trầm cảm sau sinh nhờ tìm thấy đam mê làm bánh
Khách mời tham gia chương trình Chat với mẹ bỉm sữa tập 47 là chị Tô Linh Nghi (27 tuổi). Chị Nghi là mẹ của hai bé, bé lớn 23 tháng tuổi và bé nhỏ 8 tháng tuổi. Trong chương trình, chị đã chia sẻ lại hành trình mang thai, sinh con và đặc biệt là vượt qua giai đoạn trầm cảm sau sinh đầy nước mắt của mình.
Chị Nghi tâm sự, khi yêu nhau được 6 tháng thì chồng đã dắt chị về quê xin cưới. Tuy nhiên, do sự khác biệt về kinh tế, hoàn cảnh gia đình không "môn đăng hộ đối" nên mẹ chồng chị phản đối. Vậy nhưng ông xã vẫn bảo vệ và nhất quyết cưới chị. Thậm chí anh còn lén bố mẹ lấy trộm hộ khẩu để đăng ký kết hôn và sống chung với chị.
Chị Nghi và chồng đăng ký kết hôn và sống cùng nhau bất chấp sự phản đối của gia đình.
Sau 4 tháng sống chung, thấy chị Nghi mũm mĩm hơn nên chồng đã nghi chị có bầu và giục thử thai. Không ngờ kết quả thực sự lên hai vạch. Chia sẻ về cảm xúc khi biết tin vui, chị Nghi nói: "Trước đó em bị cường giáp và phải dùng thuốc nên bác sĩ nói khả năng mang thai tự nhiên chỉ 20%. Chu kỳ rụng trứng và kinh nguyệt của em cũng rất thất thường nên lúc đó phát hiện có bầu thực sự thấy bất ngờ. Cùng với bất ngờ thì em cũng rất buồn và lo cho ba em vì ông đang phải nằm viện, em giấu hoàn toàn chuyện mình bị gia đình chồng phản đối rồi tự ý đăng ký kết hôn rồi về sống với nhau. Ngày nghe tin từ chồng em, ba chỉ im lặng thôi nhưng sau đó ra viện, ông tìm em và khóc rất nhiều. Điều đó khiến em thấy rất buồn và thấy có lỗi".
Trong thời gian mang thai, chị Nghi còn gặp một vấn đề là đau nhức xương. Bác sĩ khuyên chị nên uống bổ sung canxi nhưng kỳ lạ là mỗi lần uống thì cơn đau càng nặng hơn. Vấn đề này nghiêm trọng đến mức chị phải nằm "liệt giường" suốt 10 ngày, mọi sinh hoạt từ ăn uống đến đi vệ sinh, thay quần áo đều phải có chồng giúp đỡ.
Khi chị Nghi mang thai bé đầu lòng đã nghén nặng và gặp vấn đề về sức khỏe.
"Em giống như một người sống thực vật vậy, chỉ khác là có thể tỉnh táo nói chuyện được thôi. Vì không muốn làm phiền hai bên gia đình nên hai vợ chồng chỉ có cố gắng chịu đựng cùng nhau. Em đau nhức nằm liệt một chỗ, uống nước cũng phải nhờ chồng đút, thay đồ cũng phải có chồng giúp nhưng anh chưa từng than thở một lời", chị Nghi kể lại.
Không chỉ vậy, bà mẹ trẻ còn bị nghén nặng cho đến tận lúc sinh con. Chị nôn nhiều lần trong ngày, không ăn uống được gì mà còn ăn tới 1kg xoài/ngày. May mắn thay cuối cùng chị vẫn sinh được em bé khỏe mạnh. Kể về ngày đi sinh, chị Nghi mới dần nở nụ cười trên môi.
Chồng không thể cùng chị Nghi vào phòng sinh bé đầu.
"Em luôn muốn sinh thường nên có một lần vào viện tư, bác sĩ khám bảo cổ tử cung mở 2cm rồi nhưng không có dấu hiệu mở thêm nên cần mổ, vậy là em về luôn. Gần 1 tuần sau thì em thấy chân mình bỗng dưng nặng và đau nên vào một bệnh viện khác khám, bác sĩ cho nhập viện luôn và bấm ối cho em. Bấm ối rồi nhưng mà cổ tử cung cũng chỉ mở đến vậy, bác sĩ thông báo nếu 10 phút mà không sinh thường được thì sẽ phải mổ. Ai ngờ đúng 5 phút sau thì con em tự ra luôn. Mà điều trùng hợp là lúc đó chồng em làm thiết kế đang phải trả bản vẽ cho khách, đưa vợ vào phòng sinh nhưng anh vẫn ngồi ngoài hoàn thành nốt công việc, thế rồi con em vừa chào đời thì chồng cũng xong việc. Đúng là niềm vui nhân đôi", chị Nghi chia sẻ.
Vậy nhưng sau sinh, chị Nghi lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, áp lực nặng nề về tâm lý. Mẹ ruột vốn không sống chung từ nhỏ nên rất hời hợt với chị. Khi sinh con bà chỉ vào thăm một chút rồi về. Mẹ chồng lúc này được chồng thuyết phục nên cũng đồng ý vào viện cùng. Vậy nhưng câu đầu tiên khi bà nhìn cháu lại nói: "Sao cái mũi xấu quá, nhìn không giống Đức gì hết?". Câu nói đó đã khiến chị Nghi bị tổn thương sâu sắc và vẫn luôn để trong lòng đến tận bây giờ nên khó gần gũi với mẹ chồng.
Chị Nghi từng bị tổn thương vì mẹ chồng chê con mới sinh.
2 tuần đầu sau sinh, mẹ chồng ở lại chăm chị Nghi nhưng do tâm lý không gần gũi nhau, khó chia sẻ nên điều này càng khiến tâm lý chị nặng nề, mệt mỏi hơn. Chị cũng không ăn được những món ăn mẹ chồng và chồng nấu mà hầu như chỉ ăn mì tôm. Sau đó, chồng chị nhận ra vấn đề và để mẹ về quê, tự anh tìm hiểu và chăm chị cũng như con sơ sinh.
5 tháng sau sinh bé đầu, chị Nghi tiếp tục có bầu bé thứ 2. Thời gian đầu, vì vẫn duy trì hút sữa cho bé đầu bú nên chị đi khám, bác sĩ cảnh báo thai có dấu hiệu suy dinh dưỡng. Sau đó, chị phải dừng cho con bú, đi xin sữa chị gái về cho con ăn. Lần mang thai và sinh con thứ 2 thì may mắn suôn sẻ và nhẹ nhàng hơn lần đầu. Chồng chị cũng quyết tâm bỏ hết công việc để cùng chị vào phòng sinh.
Lần sinh thứ 2, chị Nghi đã có chồng đồng hành.
Vậy nhưng sau sinh bé thứ 2 thì chị Nghi bị stress nặng, thậm chí còn dẫn đến cả trầm cảm. "Bé đầu của em quá ngoan và dễ chăm nên đến bé thứ hai thì khó hơn, bám mẹ. Vừa bán hàng vừa chăm cho 2 con nhỏ, dù có chồng giúp nhưng em vẫn quá mệt mỏi, stress. Đã có lúc em còn hét lên với con rằng: "Chúng mày chết đi cho rồi" để rồi sau đó em khóc nức nở vì hối hận. Một lần khác ở nhà cùng con, em đã dùng dao định rạch cổ tay mình tự tử nhưng may mắn chồng xem camera ở nhà thấy được và về ngăn cản kịp", chị tâm sự.
Sau đó, bà mẹ hai con tìm đến việc làm bánh để tinh thần thoải mái hơn, vượt qua trầm cảm. Cũng nhờ vậy mà chị tìm được niềm đam mê của chính mình và phát triển công việc làm bánh ngày càng thành công hơn. Chồng chị bây giờ gần như chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc chăm con. Do tính chất công việc tự do nên anh làm vào ban đêm còn ban ngày sẽ lo cho hai bé từ cho ăn đến tắm rửa, vệ sinh. Mối quan hệ giữa chị Nghi và mẹ chồng cũng dần được cải thiện sau thời gian bà vào giúp chăm cháu.
Chị Nghi vượt qua trầm cảm sau sinh nhờ tìm thấy đam mê làm bánh và sự giúp đỡ của chồng.
Anh là người chịu hoàn toàn trách nhiệm chăm con để chị tập trung cho đam mê của mình.