“Xanh hóa” ngành thời trang bằng sợi thực vật

Trần Lê
07/06/2022 - 17:57
Nghiên cứu và sản xuất sợi thực vật là dự án khởi nghiệp của chị Vũ Thị Liễu, người sáng lập và Giám đốc điều hành ECOSOI.
Từ góc nhìn của người làm môi trường…

Nghiên cứu và sản xuất sợi thực vật là dự án khởi nghiệp của chị Vũ Thị Liễu, người sáng lập và Giám đốc điều hành ECOSOI.

Tốt nghiệp thạc sĩ ngành Môi trường, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 2010, rồi làm giảng viên tại trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, chị Vũ Thị Liễu đã dành nhiều thời gian tìm hiểu và nghiên cứu về sợi thực vật. Một lần, dừng chân tại Thạch Thành (Thanh Hóa), thấy những cánh đồng dứa bạt ngàn và được chứng kiến cách bà con xử lý lá dứa sau khi thu hoạch quả, một ý tưởng đã đến với chị Liễu.

"Bà con phải phay, đốt hoặc sử dụng thuốc để phun, sau đó đốt nhằm giảm thời gian và công sức xử lý lượng chất thải từ lá dứa. Dưới góc nhìn của người làm môi trường, tôi hiểu hơn ai hết việc xử lý lá dứa như trên gây ô nhiễm môi trường không khí, hủy hoại hệ vi sinh của đất và thông qua nước mưa có thể làm nhiễm độc nguồn nước ngầm, nước mặt, âm thầm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Trong khi đó, bản thân lá dứa khó xử lý vì nó chứa nhiều xenlulozo, cấu trúc sợi dọc và có thể tách sợi được. Ở châu Âu, sợi dứa là một vật liệu thiên nhiên cao cấp được nhiều hãng thời trang tin dùng. Nếu dự án sợi dứa, sợi chuối thành công, sẽ cung cấp cho ngành thời trang và may mặc trong nước nguồn nguyên liệu bền vững, góp phần giảm phát thải hàng trăm nghìn tấn CO2 mỗi năm. Tôi và hai cộng sự đã thành lập ECOSOI. Ba chúng tôi dốc tâm sức để thực hiện sứ mệnh của mình là sản xuất sợi từ lá dứa", chị Vũ Thị Liễu chia sẻ.

“Xanh hóa” ngành thời trang   bằng sợi thực vật - Ảnh 1.

Chị Vũ Thị Liễu (phải) cùng sản phẩm làm từ sợi lá dứa

…đến tạo sinh kế bền vững cho nông dân

ECOSOI ra đời với sứ mệnh bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho bà con nông dân, những người yếu thế và cung cấp nguyên liệu bền vững cho ngành may mặc. Người nông dân có thêm việc làm ngay tại địa phương, có thêm thu nhập từ phụ phẩm lá dứa. 

Theo chị Liễu, một chiếc khăn, tấm vải, chiếc áo dài của ECOSOI được tạo ra qua nhiều công đoạn. Khâu chọn lá, tách sợi, phơi sợi do bà con nông dân, trong đó có phụ nữ người dân tộc thiểu số đảm nhận. Công đoạn se chỉ là từ bàn tay của người khuyết tật. Dệt và thêu do các mẹ, các chị tại làng nghề dệt truyền thống phụ trách. Có thể nói, khi bạn sử dụng một sản phẩm của ECOSOI, bạn đã trực tiếp thúc đẩy một chuỗi giá trị phát triển bao gồm các giá trị về môi trường, xã hội, nhân văn và truyền thống.

Cùng với hoạt động sản xuất, chị Liễu còn tham gia nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm để cộng đồng có thể tìm hiểu các khâu trong quy trình sản xuất sợi dứa và các sản phẩm từ sợi dứa. "Dù bước đầu được đón nhận nhưng cũng như những doanh nghiệp khởi nghiệp, chúng tôi cũng gặp khó khăn về nhiều loại nguồn lực. 

Đặc biệt, ECOSOI là doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến nghiên cứu sản xuất và nghiên cứu ứng dụng, càng thiếu về liên kết đầu ra và tài chính để phát triển. Do vậy, chúng tôi mong muốn có thể tiếp cận được những chính sách và dự án phù hợp để đẩy nhanh lộ trình phát triển của mình", chị Liễu bày tỏ.

Hiện tại, chị Liễu đang tập trung vào việc kết nối và mở rộng khai thác vùng nguyên liệu, cải tiến quy trình, thiết bị và xuất khẩu sợi thô, sợi dứa đánh bông. Chị cũng chia sẻ dự định trong năm 2023 sẽ đẩy mạnh xuất khẩu và cho ra mắt dòng sản phẩm mới, góp phần "xanh hóa" ngành thời trang.

Bí quyết khởi nghiệp của chị Vũ Thị Liễu:

Đội ngũ và con người là điều quan trọng nhất.

Thái độ tích cực trước các vấn đề là tiền đề để vượt qua khó khăn.

Cơ hội luôn đi kèm với rủi ro.

Sứ mệnh thì cố định nhưng kế hoạch hành động phải linh hoạt.

Kinh doanh có trách nhiệm với xã hội.

Thông tin liên hệ: https://ecosoi.com/

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm