Đô thị thông minh là vấn đề được đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) đặt ra cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong phiên chất vấn ngày 8/11. Ông đặt vấn đề về mặt trái của mô hình này, đặc biệt là thiết bị điện thoại thông minh đang ảnh hưởng đến phát triển nhân cách, sức khỏe đối với người trẻ.
“Một số nơi đã cấm trẻ sử dụng điện thoại thông minh trong trường học. Thành phố Yokohama (Nhật Bản) xây dựng thành phố thông minh từ năm 2010 nhưng giờ đã chấm dứt bởi ảnh hưởng của sức khỏe, đạo đức xã hội” – ông nhìn nhận.
Đại biểu Nhường đồng thời cho biết, nhiều thành phố trên thế giới cuộc sống chậm và xây dựng thành phố đáng sống. “Với hai xu hướng này, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?” – ông hỏi.
Đề cập đến điện thoại thông minh, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tỉ lệ người Việt Nam sử dụng thiết bị này rất cao. “Thời gian chúng ta dùng mạng xã hội khoảng 2,5-3 tiếng một ngày, cũng là cao trên thế giới. Cái gì nó cũng có hai mặt, nếu chúng ta lạm dụng nó thì sẽ có rất nhiều vấn đề hệ lụy” – Bộ trưởng Hùng nhìn nhận.
Theo ông, Bộ TT&TT đã nghiên cứu làm việc và đặc biệt sẽ ra một số khuyến nghị đối với trẻ em. “Một số nước họ ra quy định độ tuổi dùng Smat phone, một số nước khác quy định trẻ em chơi games hạn chế giờ giấc và hạn chế tổng thời gian chơi. Đây là vấn đề Bộ TT&TT sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển” – ông nói.
Tranh luận với Bộ trưởng Hùng khi chưa đưa ra câu trả lời về xu hướng đô thị thông minh, đại biểu Lê Công Nhường cho rằng, thay vì xây dựng đô thị thông minh, trên thế giới, một số đô thị đã bắt đầu khuyến khích thành đô thị “sống chậm” và là thành phố đáng sống.
“Họ không dự đoán được trong tương lai, nếu là đô thị thông minh, tất cả đều kết nối Internet vạn vật thì hình dáng con người sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ lười suy nghĩ hơn, tay chân ít vận động hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào khi 100 - 200 năm nữa chúng ta luôn sống trong môi trường mạng? Một xã hội ảo, không thực thì việc tiếp xúc giữa người với người sẽ mang lại việc cư xử đạo đức với nhau cũng phải khác, ảnh hưởng đạo đức xã hội” – ông đặt vấn đề.
Về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm, trào lưu sống chậm như cách đại biểu Nhường nêu là cực đoan.
“Thế giới ảo giải quyết được nhiều câu chuyện, xu thế của chúng ta là lấn sang đó. Vấn đề là chúng ta phải tìm ra được sự hài hòa giữa chuyện con người giao diện với con người và việc sử dụng công nghệ. Nếu như chúng ta coi đô thị thông minh là xoay xung quanh con người, lấy con người là trọng tâm, để cho người dân giao diện với chính quyền một cách thuận lợi hơn, nhanh hơn, để cho người dân có tiếng nói tham gia vào các câu chuyện của đất nước nhiều hơn thì tôi nghĩ việc này tốt” – ông nêu quan điểm.
Ông nhấn mạnh, khi xây dựng đô thị thông minh, trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của các bộ, ngành là giải quyết hài hòa mối quan hệ này để tránh việc cực đoan theo nghĩa sống trên không gian ảo nhiều quá.
“Bộ TT&TT trong tháng 11 phải ra một hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh và trong cấu phần công nghệ thông tin, chúng tôi sẽ đưa ý này vào” – ông Hùng cho hay.