Xây dựng bản đồ nhận diện gia đình được tầm soát bệnh lao

HM
16/12/2020 - 22:22
Xây dựng bản đồ nhận diện gia đình được tầm soát bệnh lao
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương: Trước đây chúng ta đợi người dân có triệu chứng đến khám, phát hiện lao thì nay chúng ta phải chủ động đến với người dân bằng chiến lược 2X. Chúng tôi sẽ xây dựng bản đồ để biết nhà nào đã được tầm soát lao rồi.

Sáng 15/12, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam (CTCLQG) tổ chức hội thảo "Hợp tác y tế hướng tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam - Áp dụng Chiến lược 2X".

Chiến lược 2X là chiến lược mới nhằm chẩn đoán bệnh lao bằng phương pháp chụp X-quang ngực và xét nghiệm GeneXpert - phương pháp phát hiện vi khuẩn lao.

Chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Dự án USAID SHIFT hợp tác với CTCLQG đã triển khai thí điểm Chiến lược 2X một cách toàn diện tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng cho 18 huyện thuộc 7 tỉnh (Thái Bình, Nghệ An, An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Tây Ninh và Tiền Giang).

Từ tháng 2/2020, chương trình 2X đã được triển khai tại 18 huyện của 7 tỉnh, thành phố. Người tham gia được chụp X-quang, nếu có tổn thương bất thường nghi lao sẽ được làm xét nghiệm Gene Expert. Để tối ưu hóa nguồn lực, chương trình đã triển khai xét nghiệm cho nhóm đối tượng bệnh nhân nguy cơ cao và người tiếp xúc với hộ gia đình nhiễm lao.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, trước đây chúng ta đợi người dân có triệu chứng đến khám, phát hiện lao thì nay chúng ta phải chủ động đến với người dân bằng chiến lược 2X. Chúng tôi sẽ xây dựng bản đồ để biết nhà nào đã được tầm soát lao rồi. Đây sẽ là chiến dịch tầm soát như phòng, chống Covid-19.

Xây dựng bản đồ nhận diện gia đình được tầm soát lao - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương

Như vậy, sau gần 10 tháng triển khai chương trình 2X, tỷ lệ phát hiện lao trung bình tại 7 tỉnh, thành phố là khoảng 1.517/100.000 người được chụp X-quang. Trong đó, tỷ lệ người được xác định nhiễm lao tiềm ẩn là 3.027 người.

"Chiến lược 2X có hiệu quả phát hiện lao và lao tiềm ẩn tại cơ sở y tế và cộng đồng, đặc biệt ở nhóm người nguy cơ cao như người cao tuổi, người hút thuốc, bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân có tiền sử điều trị lao và người tiếp xúc hộ gia đình", đại diện USAID cho biết.

Hiện nay, chương trình chống lao có 29 xe X-quang di động thực hiện chụp X-quang và 218 hệ thống máy Gene Xpert trên phạm vi toàn quốc, sẵn sàng phục vụ chiến lược 2X.

PGS Nhung nhận định: "Máy Gene Xpert dù phát hiện chủ động với lao, đồng thời cũng hết sức an toàn với Covid-19. Kít để xét nghiệm bằng máy Gene Xpert đã được sự phê duyệt của Bộ Y tế và chúng tôi đã triển khai tập huấn cho các đơn vị tiếp cận kỹ thuật mới. Một số tỉnh cần thiết sẽ được đầu tư hơn về kỹ thuật xét nghiệm. Mục tiêu của chúng tôi là chiến thắng bệnh lao và chấm dứt Covid-19".

Khi triển khai chiến lược 2X, bệnh lao được phát hiện sớm sẽ điều trị nhanh hơn, thời gian lây cộng đồng ngắn hơn. Điều này vừa lợi ích về kinh tế và xã hội. Phát hiện sớm góp phần giảm tỷ lệ mắc lao mới trong cộng đồng, tiến tới mục tiêu thanh toán bệnh lao tại Việt nam vào năm 2030.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm