Phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động với 8 tiêu chí: “5 không”: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; “3 sạch”: sạch nhà, sạch bếp và sạch ngõ. Từ 8 tiêu chí này, chính người phụ nữ sẽ tham gia hoạch định, có kế hoạch trong việc xây dựng và quản lý tài chính, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và góp phần chung tay cùng cộng đồng xây dựng nông thôn mới.
Về thôn Thắng Hòa, xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, hầu hết các chị em phụ nữ đều lên TP Hà Tĩnh làm thêm những công việc như giúp việc gia đình, bán hàng thuê, bốc vác, phụ hồ… Tuy thời gian đi làm thuê nhiều hơn ở nhà, nhưng được sự vận động tích cực từ chi hội phụ nữ, các chị đều đã sắp xếp công việc, tranh thủ những lúc rảnh rỗi sau giờ làm việc để chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, làm vườn rau xanh.
Chị Lê Thị Hà chỉ tay về ngôi nhà kiên cố với khu vườn rau xanh mát trước mặt, nhớ lại: “Chừng 10 năm trước, tôi đã được chi hội phụ nữ thôn tạo điều kiện cho vay 4,5 triệu đồng để nuôi 2 con lợn nái. Sau một thời gian tăng gia sản xuất, đàn lợn của tôi đã tăng lên 10 con. Năm 2010, tôi lại được vay thêm 4 triệu đồng để sửa sang nhà cửa, xây dựng vườn sạch, làm nhà vệ sinh tự hoại. Nhờ những sự hỗ trợ đó, gia đình tôi đã thoát khỏi cảnh nhà tranh vách đất, cuộc sống gia đình cũng khấm khá hơn”.
Để vận động chị em trong thôn cùng thực hiện“5 không, 3 sạch” chị Trần Thị Bình, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Thắng Hòa đã đi đầu làm gương. Không chỉ vận động, tổ chức tốt các hoạt động phong trào của chị em, chị còn làm kinh tế vườn giỏi. Khu vườn rộng hàng nghìn m2 và hàng chục con lợn, bò đã giúp vợ chồng chị ổn định, phát triển kinh tế, nuôi các con ăn học thành tài. “Mình là cán bộ phụ nữ, phải đi trước làm trước cho chị em làm theo. Vườn nhà mình không đẹp, bếp nhà mình không sạch, con cái mình không chăm ngoan học giỏi thì làm sao vận động được mọi người” - chị Bình chia sẻ.
Không chỉ ở xã Thạch Tân, mà tại xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà cũng đã và đang được cán bộ, hội viên Hội phụ nữ triển khai, tạo sức lan tỏa lớn nhiều mô hình thiết thực. Gắn với Chương trình xây dựng NTM, mô hình “nhà sạch, vườn đẹp” đã tạo thành phong trào thi đua, góp phần thực hiện thành công tiêu chí Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu ở các địa phương.
Được sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã về hướng dẫn thực hiện mô hình và một phần kinh phí, gia đình chị Trần Thị Phượng (thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà) đã bắt tay vào xây dựng Mô hình nhà sạch, vườn đẹp. Theo đó, để vườn sạch, đẹp, tạo ra sản phẩm an toàn, gia đình chị Phượng đã tiến hành phân loại rác tại nguồn, xử lý làm phân hữu cơ để bón cho cây trồng.
Từ việc thay đổi cách nghĩ, cách làm, hướng dẫn của Hội LHPN các cấp và địa phương về việc quy hoạch khuôn viên nhà ở vừa đảm bảo sạch, đẹp vừa đưa lại hiệu quả kinh tế mà 2000m2 đất vườn bỏ hoang trước đây của gia đình bà Phượng giờ đây đã là những khu vườn rau xanh mướt, đầy đủ các loại cây ăn quả, khu chăn nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Nhờ hướng dẫn và hỗ trợ của các cấp Hội LHPN và chính quyền địa phương, giờ đây trong khu vườn của gia đình tôi lúc nào cũng một màu xanh mướt. Mùa nào thứ đó, khu vườn không bao giờ ngừng nghỉ. Không chỉ giúp “nhà sạch, vườn đẹp” mà còn giúp chúng tôi có sản phẩm sạch sử dụng cũng như mang lại nguồn thu nhập hàng ngày, từng bước thoát nghèo”, chị Phượng phấn khởi.
Mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” của Hội Phụ nữ các cấp ở Hà Tĩnh đã và đang trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong cán bộ, hội viên và nhân dân tỉnh nhà. Mô hình này ngày càng được nhân rộng, tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp, góp phần cùng với các địa phương thực hiện thành công tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu.
Qua các hoạt động trao đổi, giao lưu, chị em phụ nữ trong Chi hội cũng được phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm về những vô hình vườn rau gia đình sạch mát. Nhờ vậy cho đến nay, dù rộng hay hẹp, mỗi gia đình ở Hà Tĩnh đều tự làm cho mình mảnh vườn với các loại rau xanh dễ trồng, dễ chăm. Gần như, bà con chẳng mấy khi phải mua rau xanh, thậm chí nhiều gia đình còn có mang ra chợ bán.
Để tạo thói quen sinh hoạt nền nếp, sạch sẽ, Chi hội phụ nữ tại các địa phương đã phát cho mỗi hội viên 2 giỏ nhựa đựng rác thải phân hủy và rác hữu cơ. Cùng với việc phân loại rác từ nguồn giúp bảo vệ môi trường, các chị em cũng nhắc nhở thành viên trong gia đình tham gia dọn vệ sinh đường thôn, ngõ xóm. Mối quan hệ hàng xóm, láng giềng nhờ đó lại càng thêm gắn kết, chan hòa hơn.
Giờ đây, bước chân đi qua mỗi cổng làng của các thôn tại Hà Tĩnh là những tuyến đường sạch sẽ với hàng chiều tím mơn mởn, thẳng tắp, những ngôi nhà kiên cố sạch đẹp với vườn rau xanh mát. Với mỗi người dân nơi đây, có thể nói, nhờ thực hiện “5 không, 3 sạch”, cuộc sống vật chất, tinh thần của họ đã thực sự đổi thay, nếp sống văn minh đã dần lan tỏa từ những việc làm thiết thực.