Xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn để có những sản phẩm an toàn với người tiêu dùng

Thanh Huyền
20/12/2021 - 10:26
Xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn để có những sản phẩm an toàn với người tiêu dùng

Trưng bày sản phẩm nông nghiệp hữu cơ an toàn với sức khỏe người tiêu dùng

Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã đến lúc cần xây dựng một nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, theo xu thế xanh hóa và tuần hoàn tại Việt Nam.

Chia sẻ tại Đại hội thành lập Hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam ngày 19/12, ông Lê Minh Hoan cho rằng, nếu làm nông nghiệp mà đánh đổi nhiều chi phí về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học… do lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật thì đất đai và nguồn nước sẽ bị ô nhiễm, để lại hậu quả lớn. Vì thế, cần sớm xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn ở nước ta, để cho ra đời những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người tiêu dùng và không ảnh hưởng xấu đến đất đai, môi trường sống.

Còn ông Nguyễn Xuân Cường, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, sản xuất nông nghiệp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến phát thải khí nhà kính, gây biến đổi khí hậu. Hiện mỗi năm Việt Nam có hơn 100 triệu tấn phế thải từ động vật chăn nuôi, 50 triệu tấn phế thải từ rơm rạ, 10 triệu tấn bùn thải từ nuôi trồng thủy sản… Những phế thải trên, nếu triển khai quy trình kinh tế tuần hoàn thì sẽ tạo ra giá trị kinh tế lớn, hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất và cho ra đời những sản phẩm hữu cơ an toàn với người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, nông nghiệp tuần hoàn là sử dụng những phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi để tạo ra phân bón hữu cơ và những sản phẩm khác, tốt cho cây trồng và không ảnh hưởng xấu đến môi trường, nguồn nước. Những nguyên liệu này tiếp tục được sử dụng trong chăn nuôi để có những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng…

Xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn để có những sản phẩm an toàn với người tiêu dùng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: ST

Xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững của tương lai

Xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, nhằm đạt được lợi ích kép về giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường. Chính vì thế, lần đầu tiên cụm từ "Kinh tế tuần hoàn" được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với mục tiêu phát triển bền vững bằng việc tích cực thực hiện các hành động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên qui mô lớn trong 10 năm tới.

Ngày 8/6/2021, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 713/QĐ-BNV thành lập Hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam. Mục đích của Hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam là tập hợp, đoàn kết các tổ chức và cá nhân tự nguyện hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp tuần hoàn. Hỗ trợ, thu hút khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, chế biến, thu gom tái chế, kinh doanh dịch vụ, xuất - nhập khẩu và sử dụng sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn theo quy định của pháp luật.

Xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn để có những sản phẩm an toàn với người tiêu dùng - Ảnh 2.

Ra mắt BCH Hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026

Tại Đại hội thành lập Hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam, các đại biểu đã bầu ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm, là Chủ tịch Hội; bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam, là Phó Chủ tịch phụ trách Công tác tổ chức kiêm Tổng thư ký Hội.

Ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện Việt Nam có khoảng 2 vạn hợp tác xã, 8 triệu hộ nông dân. Hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam ra đời và đi vào hoạt động sẽ góp phần tích cực vào việc hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân triển khai có hiệu quả các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Là cầu nối để các bên tham gia sâu rộng hơn vào quá trình chuyển đổi từ khai thác nông nghiệp kiểu truyền thống sang nông nghiệp tuần hoàn, thuận tự nhiên, khép kín, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu tái chế, vừa gia tăng giá trị sản phẩm, đảm bảo lợi ích kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Đây được xem là xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững của tương lai.

Sự ra đời của Hội mang ý nghĩa lớn, nhất là trong bối cảnh Bộ NN&PTNT đang thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ tái cơ cấu theo hướng: Một nền nông nghiệp thông minh, tùy đối tượng sản xuất, tùy vùng sản xuất, mục tiêu sản xuất mà ứng dụng công nghệ cho phù hợp. Nông nghiệp đặc hữu, sản xuất những loại nông sản có tính khác biệt, người ta không có mà mình có. Nông nghiệp hữu cơ. Nông nghiệp chia sẻ, không ai bị bỏ lại phía sau. Một nền nông nghiệp tuần hoàn, không bỏ đi thứ gì.

Theo ông Nguyễn Hồng Lam, với thành công trong xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn thời gian qua, Tập đoàn Quế Lâm sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, liên kết mở rộng phạm vi hoạt động, hợp tác cùng phát triển và chuyển giao những mô hình hiệu quả về nông nghiệp hữu cơ của mình cho các thành phần khác trong xã hội. Từ đó lan tỏa và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh-sạch-an toàn-bền vững; nền nông nghiệp có trách nhiệm với môi trường và sức khỏe cộng đồng; nền nông nghiệp chia sẻ, không ai bị bỏ lại phía sau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm