pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xây dựng nông thôn mới cần nâng lên tầm cao mới

Diện mạo nông thôn ở xã Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, ngày càng hiện đại
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý định hướng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2035.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương, các Chương trình mục tiêu quốc gia, công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2035 được xây dựng theo hướng lấy người dân làm trung tâm và chủ thể; gắn kết hiệu quả giữa xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo bền vững. Điểm mới của chương trình là phương thức thực hiện tích hợp đa mục tiêu. Trung ương sẽ ban hành khung chương trình, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn lực, theo dõi bằng kết quả đầu ra; trong khi địa phương được tăng quyền chủ động, triển khai phù hợp điều kiện thực tế, phát huy vai trò người dân, doanh nghiệp và cộng đồng.
Các mục tiêu đặt ra đến năm 2030 đầy tham vọng: Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so với 2020; không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022–2025; 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ít nhất 35% đạt nông thôn mới nâng cao và 10% đạt chuẩn nông thôn mới hiện đại. Đến năm 2035, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng lên 90%, hộ nghèo đa chiều giảm xuống dưới 1%, tiến tới hoàn thiện mô hình nông thôn văn minh, nhân văn, bền vững.
“Nông thôn mới không chỉ là câu chuyện về hạ tầng, tiêu chí, con số mà phải là sự thay đổi thực chất trong đời sống, thu nhập và môi trường sống của cư dân nông thôn. Theo đó, chương trình cần ưu tiên đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để tạo ra hệ sinh thái kinh tế mới tại nông thôn. Điều này không chỉ tạo việc làm bền vững mà còn nâng cao khả năng tự chủ kinh tế của người dân, giúp người nông dân làm giàu ngay trên quê hương mình”, ông Ngô Trường Sơn – Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát huy hiệu quả kinh tế ở nông thôn
Để đạt được mục tiêu trên, đóng góp ý kiến xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2035, tại hội thảo mới đây các đại biểu cũng cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đủ sức tạo việc làm và nâng cao nhanh thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn.
Đồng thời, quyết liệt bảo vệ và cải thiện môi trường, nâng cao khả năng thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu; tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đời sống hiện đại gắn với đô thị hóa. Bên cạnh đó, cần có các chương trình đào tạo, huấn luyện, huy động lực lượng chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân về nông thôn để hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, tạo ra những nghề mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho rằng, Chương trình mới cần kế thừa tối đa những thành quả của cả 2 Chương trình mục tiêu quốc gia và xây dựng các tiêu chí mới phù hợp với bối cảnh xây dựng chính quyền 2 cấp.
Thành quả giảm nghèo của Việt Nam được Quốc tế đánh giá rất cao. Còn trong xây dựng nông thôn mới, bí quyết thành công là biến chương trình trở thành cuộc vận động toàn dân cùng tham gia. Ngay từ đầu, thiết kế chương trình đã xác định Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, người dân nông thôn là chủ thể, trung tâm và phải tham gia tích cực.
Chương trình trong giai đoạn mới cần phát huy tinh thần này. Trong đó, xác định cấp xã là địa bàn chỉ đạo trên cơ sở có đầy đủ bộ máy chính quyền, Đảng, đoàn thể để tổ chức hướng dẫn nhân dân thực hiện. Điểm cần lưu ý là tập trung tăng cường năng lực cho thôn bản do quy mô dân số, diện tích một xã hiện đã lớn hơn rất nhiều. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò tổ chức Đảng là đầu mối, huy động tất cả các lực lượng cùng tham gia. Đây cũng là nét đặc trưng của Việt Nam, giúp triển khai hiệu quả chương trình dù nguồn lực nhiều nơi còn hạn hẹp.
Ông Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - góp ý, cần có đánh giá, làm rõ để khẳng định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã huy động được tổng lực cả lực lượng chính trị mà cả toàn dân, toàn xã hội cùng tham gia. Chưa có chương trình nào huy động được gần 10 triệu tỷ đồng qua 3 kỳ triển khai. Trung bình mỗi giai đoạn khoảng 3 triệu tỷ đồng, nhưng ngân sách Nhà nước tập trung chỉ chiếm 10%.
Việc xây dựng nội dung và các tiêu chí cho chương trình giai đoạn tới cần gắn với xu hướng cải cách hành chính và phân định các nhóm cụ thể cho từng cơ quan chuyên ngành Trung ương để hướng dẫn cấp cơ sở. Nguyên Bộ trưởng cũng đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng cần chia thành 3 nhóm nông thôn mới theo đặc thù mức thu nhập, điều kiện kinh tế, địa lý để xác định ưu tiên nguồn ngân sách cho nhóm khó khăn nhất. Mặt khác, dù tập trung phát triển kinh tế nhưng cần lưu ý bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển, không ồ ạt đô thị hóa mà phải biến nông thôn thành vùng đáng sống, giữ chân lực lượng lao động trẻ xây dựng quê hương.

Nông thôn Việt Nam có nhiều đổi thay trong những năm qua
Xung quanh việc xây dựng tiêu chí nông thôn mới, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường nhiều địa phương, Bộ ngành và chuyên gia bày tỏ cần có hướng dẫn xác nhận nông thôn mới cho các xã sau khi sáp nhập địa phương. Bên cạnh đó, cần làm rõ một cách định lượng về những tiêu chí mới theo hướng đi sâu vào chất lượng, như áp dụng công nghệ số hay tỷ lệ hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
Mặt khác, cần xác định rõ nội hàm “hiện đại” trong mối quan hệ kết nối với truyền thống, tránh tách bạch sẽ làm lu mờ những giá trị văn hóa của địa phương. Khi xây dựng tiêu chí nông thôn mới và triển khai cần tránh áp đặt văn hóa, cào bằng chạy theo chỉ tiêu sẽ làm mất bản sắc, giá trị trụ đỡ tinh thần của nhân dân qua nhiều đời nay.