pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xây dựng quỹ hưu trí cho bản thân
Ảnh minh họa
Mỗi người, tuỳ vào hoàn cảnh và điều kiện cá nhân mà có cách riêng để xây dựng nguồn quỹ hưu trí cho mình. Chị Vương Hà Nhung (52 tuổi, làm giúp việc gia đình theo giờ tại Hà Nội), cho biết, từ 10 năm nay, mỗi tháng, chị đều dành khoản tiền 5 triệu đồng gửi tiết kiệm ngân hàng để làm quỹ hưu cho bản thân.
"Chồng tôi là thợ điện, làm ở cơ quan Nhà nước nên về già, anh ấy yên tâm vì được chi trả lương hưu. Tôi làm nghề tự do, không tham gia bảo hiểm xã hội nên sau này khi không đi làm nữa sẽ không có khoản thu nhập nào.
Để an tâm với cuộc sống sau này, tôi đã gửi tiết kiệm hàng tháng nhằm tích luỹ nguồn tài chính cho mình", chị Nhung cho biết.
Với cách làm này, ban đầu, mỗi tháng, chị Nhung gửi tiết kiệm khoảng 3-4 triệu đồng. Sau này, các con lớn, có công ăn việc làm, kinh tế gia đình khá giả, chị Nhung tăng mức gửi tiết kiệm cho bản thân lên 5 triệu mỗi tháng.
"Tôi thực hiện việc này năm tôi 40 tuổi, đến thời điểm này, ở tuổi 52, quỹ hưu trí của tôi tính cả gốc lẫn lãi được hơn 1 tỉ đồng. Có lúc gia đình gặp chuyện, tôi đã tính rút tiền tiết kiệm nhưng sau đó, tôi chấp nhận dù phải vay một khoản tiền khác thì vẫn phải duy trì quỹ hưu trí vì đó là tương lai tuổi già của tôi. Tính ra, 8 năm nữa, khi tôi 60 tuổi, không đi làm được thì tôi cũng có một khoản tiết kiệm kha khá để đảm bảo cuộc sống bằng tiền lãi hàng tháng", chị Nhung chia sẻ.
Cũng thuộc đối tượng lao động tự do, để đảm bảo nguồn lương hưu cho mình và chồng, chị Trần Thị Mai Hương (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) không chọn cách gửi tiền tiết kiệm hàng tháng mà tham gia đóng BHXH tự nguyện. Vợ chồng chị Mai Hương chọn cách đóng bảo hiểm 3 tháng 1 lần (cho mức thu nhập 8 - 10 triệu đồng).
Với mức đóng này, mỗi quý, tiền bảo hiểm xã hội tự nguyện của hai vợ chồng chị Hương phải đóng là hơn 5 triệu đồng. Khi đóng đủ 20 năm, vợ chồng chị Hương có thể được nhận lương hưu. Dù mức lương hưu không nhiều nhưng cũng đảm bảo rằng, về già, vợ chồng chị có chế độ hưu trí và tử tuất.
Theo tính toán của các chuyên gia tài chính, số tiền cần có để nghỉ hưu bao gồm: khoản thu nhập, chi phí sinh hoạt hiện tại và có tính đến điều chỉnh trong tương lai. Khi chúng ta lập kế hoạch xây dựng quỹ hưu trí cho bản thân càng sớm thì số tiền càng tăng lên.
Thực tế, xây dựng quỹ hưu trí không phải là mục tiêu duy nhất vì bên cạnh đó, chúng ta còn có nhiều mục tiêu tài chính khác như: sinh hoạt hàng ngày, con cái học hành, mua nhà, quỹ hỗ trợ các tình huống khẩn cấp… Chính vì thế, tuỳ thuộc vào khả năng của mình mà cân đối giữa quỹ hưu trí với các mục tiêu khác.
Về điều này, chị Nguyễn Thị Tân, một tiểu thương ở chợ Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ: "Nguồn quỹ hưu trí cho bản thân chính là khoản tiết kiệm để chúng ta dưỡng già, khi không còn sức lao động để kiếm tiền.
Dù bạn chọn cách gửi tiết kiệm, nuôi lợn tiết kiệm, mua bảo hiểm xã hội tự nguyện hay đầu tư… thì cũng đều nhằm mục đích có được một khoản tài chính cố định. Việc tự chủ tài chính sẽ giúp người già sống tự tin, tự do, không bị phụ thuộc vào con cái".