Xây dựng văn hoá giao thông hàng không cho toàn xã hội

16/08/2019 - 11:25
Ngày 15/8, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã chủ trì Hội sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đánh giá công tác bảo đảm an toàn hàng không của ngành hàng không Việt Nam đã được đảm bảo tốt hơn so với cùng kỳ năm 2018, đặc biệt không để xảy ra tai nạn, sự cố mất an toàn bay nghiêm trọng (mức B). Số lượng sự cố các mức C và D giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2018, tuy nhiên các sự cố liên quan đến vật ngoại lai (FOD) vẫn còn cao.

anh1.jpg
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Lê Sơn

 

Ngày 15/2/2019, Cục Hàng không Việt Nam chính thức đạt được Chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không quốc gia mức 1 của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ. Thành quả này là sự ghi nhận của nhà chức trách hàng không Hoa Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế về nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện tổ chức giám sát an toàn hàng không đáp ứng, hội nhập hoàn toàn đối với tiêu chuẩn và thực tiễn hoạt động hàng không dân dụng quốc tế, nâng vị thế của nhà chức trách hàng không Việt Nam cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong công tác mở rộng thị trường, hoạt động hợp tác liên doanh, đặc biệt là tiền đề mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

 

Công tác triển khai, thực hiện quy trình khẩn nguy cứu nạn trong mỗi sự cố xảy ra tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam đều có sự tiến bộ lớn, thể hiện qua việc xử lý tình huống, sân bay Việt Nam đều có sự tiến bộ lớn, thể hiện qua việc xử lý tình huống, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, doanh nghiệp liên quan và nhanh chóng đưa cảng hàng không sân bay trở lại hoạt động khai thác.

 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cũng chỉ ra trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không 6 tháng đầu năm 2019 vẫn còn một số hạn chế, tồn tại.

 

Trong 6 tháng vừa qua, vẫn còn để xảy ra một số vụ việc như trộm cắp tài sản, hành khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định; vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay; gây rối trật tự công cộng, đe doạ nhân viên hàng không (điển hình như vụ việc hành khách say rượu có hành vi sàm sỡ nữ hành khách và tiếp viên tàu bay).

 

Nguyên nhân của các vụ việc này là do lỗ hổng từ công tác tuyên truyền pháp luật về an ninh, an toàn hàng không, lỗ hổng về pháp lý và việc thiếu sự tuân thủ quy trình xử lý, năng lực chuyên môn, tính chủ động chưa cao của đội ngũ nhân viên hàng không.

 

Công tác kiểm soát khai thác còn chưa đảm bảo tuân thủ quy định đã xảy ra tình trạng vi phạm trong công tác xếp lịch bay và kiểm soát thời gian làm việc, nghỉ ngơi đối với thành viên tổ bay; công tác huấn luyện đào tạo cũng như chuẩn hoá đội ngũ giáo viên và các chương trình đào tạo. Nâng cấp trang thiết bị huấn luyện cần phải được tiếp tục chuẩn hoá, nâng cao chất lượng giáo viên bay của các hãng hàng không.

 

Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng đội tàu bay dẫn đến nhu cầu cao về nguồn lực của người lái tàu bay, nhân viên bảo dưỡng tàu bay, tiếp viên hàng không và đòi hỏi nguồn lực của nhà chức trách hàng không cho công tác giám sát an toàn hàng không.

 

Với tình trạng các hãng đang sử dụng tỉ lệ phi công nước ngoài cao, nhiều quốc tịch (lên đến 50 quốc tịch), Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá việc này “có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và tiêu chuẩn hoá”.

 

“Phải hướng đến ngành hàng không lành mạnh, tăng vị thế quốc gia, tránh mặt trái của kinh tế thị trường, phải làm cho đàng hoàng, phát triển đúng chiến lược về nguồn nhân lực, tàu bay”, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu.

 

Trong 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình cũng như nhiệm vụ cụ thể được giao cần quyết liệt, nghiêm túc thực hiện để đạt mục tiêu đề ra là đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, cập nhật các văn bản pháp luật, quy định về an ninh hàng không phù hợp với quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

 

Bộ GTVT tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật Chương trình an toàn hàng không quốc gia lĩnh vực hàng không dân dụng đáp ứng yêu cầu của ICAO và thực tiễn hoạt động hàng không tại Việt Nam, cũng như đẩy nhanh các giải pháp áp dụng quy trình, công nghệ mới trong lĩnh vực quản lý an toàn.

 

Bộ Quốc phòng sớm trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ phù hợp tình hình thực tiễn.

 

Các bộ, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình nghiêm túc thực hiện công tác đánh giá nguy cơ rủi ro, uy hiếp an ninh, an toàn hàng không theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của ICAO và quy định của các văn bản phối hợp liên ngành khác.

 

Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố các địa phương nghiêm túc xây dựng quy chế làm việc, giao ban trao đổi tình hình, tuân thủ nguyên tắc “4 tại chỗ”, tránh tính đơn giản, hình thức; chú trọng công tác diễn tập, xây dựng quy trình ứng phó các tình huống uy hiếp an ninh, an toàn hàng không.

 

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, tiếp tục xây dựng văn hoá giao thông hàng không cho toàn xã hội, cho mọi tầng lớp nhân dân, lấy xây dựng văn hoá an toàn trong cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi công vụ và doanh nghiệp hàng không làm động lực.

 

“Các địa phương phải quản lý tốt địa bàn của mình, nơi nào tiềm ẩn nguy cơ thì phải phát hiện ngay. Đẩy mạnh công tác phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, tăng cường tuyên truyền cho dân cư khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay để phòng ngừa, phát hiện, xử lý trường hợp nghi vấn sử dụng chất cháy, chất nổ và các phương tiện bay siêu nhẹ”, Phó Thủ tướng lưu ý.

 

Đối với tình trạng cò mồi, taxi dù ở sân bay, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cần chỉ đạo phòng chống khủng bố tại các địa phương, đặc biệt ở Đà Nẵng, chỉ đạo cơ quan công an địa phương bố trí lực lượng, phối hợp với cảng hàng không, Cảng vụ hàng không trong công tác tuần tra, phát hiện và xử lý vi phạm về an ninh trật tự, đặc biệt vi phạm khai thác khách sai quy định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm