Điểm nóng giao thông Lê Văn Lương - Vành đai 3 - nơi tuyến xe buýt nhanh BRT chạy qua (ảnh H.Hòa) |
Đến thời điểm hiện tại, các hạng mục hạ tầng dành cho tuyến xe buýt nhanh đang được gấp rút hoàn thiện như nhà chờ xe buýt, cầu đi bộ, kẻ vẽ làn đường riêng…
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tuyến buýt nhanh BRT có 44 điểm dừng ở cả 2 chiều phục vụ đón trả khách. Xe buýt nhanh sẽ được dành làn đường riêng phía làn ngoài cùng.
Tuy nhiên, lộ trình của tuyến xe buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội gặp phải một thách thức không nhỏ là tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông dày đặc, có những điểm đen thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Bà Nguyễn Thị Quý, nhà ở phố Lê Văn Lương kéo dài, cho biết: Tuyến xe buýt nhanh phải chạy qua “điểm nóng” là ngã tư Lê Văn Lương - Vành đai 3, Láng Hạ - Đê La Thành; Giảng Võ.
“Giờ cao điểm, mật độ giao thông quá lớn, các phương tiện phải trèo lên vỉa hè để đi, thì xe buýt nhanh làm sao có thể… nhanh được?”, bà Quý băn khoăn.
Còn anh Hoàng Văn Dũng, lái xe taxi, cho biết: Có nhiều điểm giao thông luôn bị ùn ứ giờ cao điểm sáng và chiều tối. Diện tích đường dành cho các phương tiện vốn đã hẹp, lại mất thêm 1 làn chỉ dành riêng cho xe buýt nhanh. “Khi tuyến BRT hoạt động, tôi nghĩ giao thông tuyến này sẽ căng thẳng hơn nữa”, anh Dũng lo ngại.
* Clip về lộ trình tuyến xe buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng, thành phố Hà Nội ùn tắc giao thông đã rất nghiêm trọng. Phát triển hệ thống giao thông công cộng cũng là một giải pháp cần, để người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Xe buýt nhanh trên thế giới đã áp dụng và cho thấy sự ưu việt hơn là chất lượng cao trong phục vụ, đi nhanh hơn xe buýt thường và thời gian chính xác. Tuy nhiên, theo TS Phạm Sanh, khi chạy thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh BRT sẽ bộc lộ những bất cập về mật độ phương tiện giao thông đông, hạ tầng chưa hợp lý… Điều này sẽ phải khắc phục dần trong quá trình chạy thử, tổ chức lại giao thông hợp lý, đồng thời phải cải tạo hạ tầng, đèn tín hiệu, biển báo để có sự hợp lý nhất cho tuyến xe buýt nhanh này.
Bến chờ xe buýt và làn đường riêng cho buýt nhanh BRT (ảnh H.Hòa) |
Tuyến xe buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã dài hơn 12km có lộ trình: Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã và ngược lại. Dự án này có tổng mức đầu tư trên 1.100 tỷ đồng, khởi công đầu năm 2013, dự kiến khai thác vào quý II/2015, nhưng đến nay đã bị chậm tiến độ 2 năm. Trong giai đoạn chạy thử nghiệm, tần suất hoạt động là 3-5 phút/chuyến, tốc độ vận hành trung bình 22 đến 30 km/giờ, thời gian vận hành một lượt là 45 từ 55 phút. |