Xin đừng “con ghét, con yêu”

Song Nghi
14/03/2023 - 07:54
Xin đừng “con ghét, con yêu”

Ảnh minh họa

Chị Mai Hiền (Hải Dương) tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý tại Hà Nội với vẻ tuyệt vọng và mệt mỏi. Chị kể, đã gần tháng nay, cậu con trai lớn đang học lớp 11 không nói với chị một câu nào.
Vô tình khiến con… hận mẹ

Chị càng cố gần gũi thì con càng lẩn tránh, tỏ ra khó chịu. Khi có việc gì cần trao đổi thì cậu nhắn tin cho mẹ nhưng tin nhắn chỉ mang tính chất thông báo sự việc, tình hình chứ không quan tâm đến thái độ hay hành động của mẹ. Chị Hiền nhờ em trai của mình, người vốn được con chị tin tưởng, tiếp cận xem nguyên nhân vì sao con lại lạnh lùng, thờ ơ với mẹ. 

Khi cậu em trai nói cho chị Hiền biết nguyên nhân, chị mới "ngã ngửa" vì không ngờ ứng xử vô tình của mình lại khiến con quay lưng với mẹ. Chị sốc khi biết con tâm sự với cậu rằng con ghét mẹ, hận mẹ vì lúc nào cũng chỉ thiên vị em út, coi mình là người thừa.

Chị Mai Hiền thú nhận, khi kiểm điểm lại mình, quả thực, chị có nhiều lời nói, hành động, cử chỉ khiến con hiểu lầm là mẹ không yêu thương con nhiều như em của con. Chị cho biết, vì cậu con đầu luôn tỏ ra độc lập nên vợ chồng chị ít dành những lời ngọt ngào với con. 

Xin đừng “con ghét, con yêu” - Ảnh 1.

Để tuổi thơ con trẻ không bị tổn thương tâm lý, cảm thấy mình bị đối xử bất công, các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý đến cách yêu thương bình đẳng đối với các con. Ảnh minh họa

Muốn con trưởng thành, chị Hiền còn tỏ nghiêm khắc, yêu cầu con phải có trách nhiệm chăm sóc, quan tâm đến em, làm một số việc nhà giúp bố mẹ. Mỗi khi cháu tỏ ra ấm ức, tị nạnh với em đều bị bố mẹ giao giảng đạo đức làm anh… Có lẽ, từ những việc như thế mà con để bụng, ấm ức và có thái độ phản kháng lại mẹ.

Hệ luỵ khi trẻ bị tổn thương

Trường hợp xảy ra giữa chị Mai Hiền và con của mình chỉ là một trong vô vàn câu chuyện thực tế. Vẫn biết, cha mẹ nào chẳng yêu thương con nhưng do nhiều nguyên nhân, nhiều cha mẹ có tư tưởng và thái độ "con yêu, con ghét". Tất nhiên, mỗi đứa trẻ có một cá tính nên có thể con này hợp mẹ, con kia hợp cha.

Các nghiên cứu về tâm lý của trẻ chỉ ra rằng, những đứa trẻ không được yêu thương dễ nảy sinh sự căm phẫn, tức giận và có nhiều nguy cơ trầm cảm. Chính sự ganh tị với tình yêu thương mà những đứa trẻ khác nhận được từ cha mẹ sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ của các anh chị em trong nhà.

Theo cảnh báo từ các nhà khoa học, sự không công bằng của cha mẹ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hành trình phát triển của trẻ. Những đứa con cảm thấy không nhận được nhiều sự chăm sóc, quan tâm và yêu thương của cha mẹ bằng anh (em) của mình sẽ có xu hướng tìm đến thuốc lá, bia, rượu, chất kích thích để giải toả ấm ức.

 Bởi vậy, để tuổi thơ con trẻ không bị tổn thương tâm lý, cảm thấy mình bị đối xử bất công, các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý đến cách yêu thương bình đẳng đối với các con.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm