Xóa bỏ rào cản và định kiến giới thời công nghệ số

PGS.TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam
10/02/2025 - 18:12
Xóa bỏ rào cản và định kiến giới thời công nghệ số

Hội viên Hội LHPN huyện Phú Bình (Thái Nguyên) tham gia cuộc thi trực tuyến về tìm hiểu Nghị quyết. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh đất nước đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, việc thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là yếu tố mang tính chiến lược, giúp tăng cường sức mạnh toàn diện, tạo tiền đề vững chắc để đất nước phát triển bền vững và thịnh vượng.
Nhiều cơ hội và thách thức với phụ nữ trong thời đại số

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực công nghệ, khởi nghiệp, khoa học và quản lý. 

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đòi hỏi một xã hội công bằng, bình đẳng và phụ nữ chính là lực lượng tiên phong trong việc phá vỡ các rào cản giới, đấu tranh cho quyền lợi của chính mình và của cộng đồng, từ việc thúc đẩy bình đẳng giới trong công việc đến tham gia các hoạt động chính trị-xã hội. 

Phụ nữ không chỉ là những người bị ảnh hưởng bởi các chuẩn mực giới truyền thống mà còn là những người thay đổi và chuyển hóa những tư duy đó; không chỉ là lực lượng lao động mà còn là những người kiến tạo, thay đổi xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, công nghệ không chỉ là cơ hội mà còn là công cụ để thúc đẩy bình đẳng giới. Công nghệ giúp nhiều phụ nữ, trẻ em gái và các đối tượng dễ bị tổn thương tiếp cận các khóa học trực tuyến, nâng cao kiến thức, kỹ năng. 

Nhiều khóa học đã tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Các nền tảng giáo dục trực tuyến giảm chi phí và thời gian di chuyển, tạo điều kiện cho phụ nữ cân bằng giữa việc học và trách nhiệm gia đình. Đặc biệt, các khóa học liên quan đến kỹ thuật số, lập trình và kinh doanh trực tuyến mở ra cơ hội nghề nghiệp mới cho phụ nữ.

Các lĩnh vực công nghệ tiên tiến mang lại cơ hội việc làm trong các ngành vốn trước đây ít phụ nữ tham gia. Mạng xã hội đã trở thành công cụ chia sẻ thông tin, thúc đẩy thay đổi xã hội, tăng cường tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ. 

Phụ nữ sử dụng các nền tảng như Facebook, Twitter, hoặc LinkedIn để chia sẻ tiếng nói, lan tỏa thông điệp và đấu tranh chống lại bất bình đẳng giới. Các phong trào như #MeToo và #SheInspiresMe cho thấy sức mạnh của công nghệ trong việc nâng cao nhận thức về quyền của phụ nữ.

Xóa bỏ rào cản và định kiến giới trong thời 
công nghệ số (*)- Ảnh 1.

Cán bộ Hội LHPN phường Phố Cò (thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) hướng dẫn hội viên lập tài khoản dịch vụ công trực tuyến

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, còn nhiều thách thức đối với thúc đẩy bình đẳng giới cần được lưu tâm giải quyết, bao gồm khoảng cách giới về công nghệ số, định kiến giới trong ngành công nghệ và rủi ro mất an toàn cho phụ nữ trong không gian mạng. 

Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng để đảm bảo phụ nữ không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Tại Việt Nam, mặc dù tỷ lệ sử dụng Internet và công nghệ thông tin đang gia tăng mạnh nhưng vẫn tồn tại khoảng cách giới trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ. Phụ nữ ở vùng nông thôn, các khu vực khó khăn thường gặp nhiều rào cản trong tiếp cận các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính, Internet. 

Điều này tạo ra sự chênh lệch trong việc học hỏi, làm việc và tham gia vào các cơ hội kinh tế dựa trên công nghệ. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 2023), tỷ lệ nữ giới tham gia ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 25%, thấp hơn rất nhiều so với nam giới. 

Nguyên nhân chủ yếu do các yếu tố văn hóa, xã hội và định kiến giới khiến phụ nữ ít được khuyến khích hoặc không được xem là phù hợp với các ngành nghề công nghệ.

Khoảng cách giới trong công nghệ còn thể hiện rõ ở việc tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý. Trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam, phụ nữ ít có cơ hội tiếp cận các vị trí lãnh đạo, quản lý hay các công việc kỹ thuật cao cấp. 

Số lượng phụ nữ lãnh đạo trong các công ty công nghệ vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, mặc dù họ có thể có kỹ năng và trình độ tương đương hoặc thậm chí vượt trội so với nam giới. Đây là vấn đề cần được giải quyết thông qua các chính sách và sáng kiến hỗ trợ phụ nữ trong việc thăng tiến nghề nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ.

Tại Việt Nam, vẫn còn tồn tại định kiến giới cho rằng công nghệ là lĩnh vực dành cho nam giới. Các việc lập trình, phát triển phần mềm, kỹ thuật máy tính thường được coi là "công việc của đàn ông", khiến nhiều phụ nữ không mấy mặn mà hoặc thiếu tự tin khi theo đuổi những ngành này.

Điều này không chỉ tạo ra sự phân biệt đối xử theo giới mà còn khiến cho nhiều tài năng nữ không được phát huy đúng mức. Ngoài ra, phụ nữ thường được xem là "không đủ khả năng tham gia vào các công việc đòi hỏi tính logic, kỹ thuật cao và sáng tạo", khiến họ không tự tin và hình thành nên những rào cản vô hình khi tham gia ngành công nghệ.

Thực tế, không gian mạng đã trở thành người bạn thân thiết, trở thành "trợ lý" đắc lực cho phụ nữ, giúp phụ nữ tìm kiếm thông tin phục vụ cho công việc, chuyên môn, nghiên cứu, học tập, nội trợ, chăm sóc sức khoẻ gia đình và thư giãn. 

Xóa bỏ rào cản và định kiến giới trong thời 
công nghệ số (*)- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, phụ nữ cũng gặp nhiều rủi ro mất an toàn khi sử dụng mạng xã hội: lừa đảo qua mạng xã hội, bị đánh cắp thông tin cá nhân, rủi ro tiếp cận các nội dung không phù hợp, gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý, tinh thần và nhận thức; bị quấy rối tình dục, rủi ro bị buôn bán.

Nam giới đồng hành cùng phụ nữ xóa bỏ định kiến giới

Để giải quyết các thách thức đối với bình đẳng giới trong kỷ nguyên mới, cần một chiến lược toàn diện với các hành động cụ thể, với nhiều bên liên quan. 

Cụ thể: Nhà nước cần xây dựng và tạo ra một môi trường pháp lý và xã hội công bằng, đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và nam giới, chống phân biệt đối xử theo giới; quyết liệt hiện thực hóa quy định lồng ghép giới, đưa nội dung về giới, bình đẳng giới vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm từ năm 2025 trở đi (như quy định trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030); phá vỡ các định kiến giới trong giáo dục, tổ chức các chương trình đào tạo nghề và kỹ năng số cho phụ nữ, đặc biệt là trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) để giúp phụ nữ có thể tham gia các ngành nghề hiện đại và có thu nhập cao; tăng cường tỷ lệ sinh viên, học viên nữ, tỷ lệ nữ lao động trong lĩnh vực STEM; thúc đẩy các chương trình giúp phụ nữ, đặc biệt là ở vùng nông thôn, tiếp cận công nghệ thông tin và kỹ năng số.

Đặc biệt, để thu hẹp khoảng cách giới về công nghệ số, Hội LHPN Việt Nam cần tăng cường triển khai các khóa đào tạo miễn phí hoặc ưu đãi về kỹ năng số, công nghệ thông tin và thương mại điện tử cho phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ nông thôn, phụ nữ dễ bị tổn thương và nhóm có thu nhập thấp. 

Tăng cường các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và kinh tế số. Hỗ trợ này có thể bao gồm đào tạo, tư vấn, cung cấp vốn vay ưu đãi và kết nối với các mạng lưới doanh nghiệp. 

Hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm để phụ nữ tiếp cận và tham gia các mô hình kinh doanh trực tuyến. Các cấp Hội cần tận dụng các nền tảng công nghệ để tăng cường tương tác với hội viên; cung cấp thông tin, tài liệu, các khóa học trực tuyến một cách dễ dàng và hiệu quả. 

Đặc biệt, cần duy trì và phát triển đào tạo ngành Giới và Phát triển ở bậc đại học, bậc học cao hơn, tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác bình đẳng giới và phát triển bền vững, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các cấp Hội, bản thân mỗi phụ nữ cần chủ động học hỏi và nâng cao trình độ trong các lĩnh vực; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho cá nhân và các thành viên trong gia đình, nói không với định kiến giới; nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số.

Và để thực hiện bình đẳng giới một cách hiệu quả trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngoài sự nỗ lực của Nhà nước, ban, ngành đoàn thể, không thể thiếu sự chung tay của nam giới. 

Nam giới cần tham gia tích cực và thể hiện trách nhiệm trong vai trò chăm sóc con cái, chăm sóc gia đình; tích cực làm việc nhà để giảm gánh nặng công việc chăm sóc không lương cho phụ nữ; 

tham gia các phong trào phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, nói không với bạo lực trên cơ sở giới và các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Cùng phụ nữ đấu tranh chống lại bạo lực trên cơ sở giới, xóa bỏ các rào cản giới, định kiến giới.

-----------------------------------------------

Lược trích tham luận "Bình đẳng giới - cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" của PGS. TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam

(*) Tít bài do tòa soạn đặt

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm