Chậm chút nữa là mất con rồi
Trong phòng Cấp cứu của khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 (TPHCM), hầu hết những đứa trẻ đang nằm điều trị tại đây đều bị bệnh nặng do sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản (VNNB)... Trong đó, những trường hợp bị VNNB luôn khiến cả bác sĩ và phụ huynh lo lắng hơn, bởi những biến chứng mà căn bệnh này có thể xảy đến với trẻ
Trên chiếc giường nằm gần cửa ra vào, bé Nguyễn Gia Phát (2 tuổi, con của chị Hiếu) đang ngủ li bì, mắt nhắm hờ, thỉnh thoảng lại giật mình khóc thét. Không rời con nửa bước, chị Hiếu cẩn trọng quan sát từng thay đổi cử chỉ, dấu hiệu trên cơ thể con trai, miệng luôn vỗ về: “Mẹ đây! Con ngoan, mẹ biết rồi, con khó chịu lắm đúng không? Dậy, mẹ pha sữa con uống, con đừng khóc nhé…”. Vừa nói, chị Hiếu vừa xoa nhẹ bàn tay lên trán con.
Chị Hiếu chăm sóc con tại bệnh viện |
Thấy chúng tôi hỏi về triệu chứng của bệnh trước khi bé Gia Phát được đưa vào BV điều trị, người mẹ trẻ bỗng khóc nấc. Theo lời kể của chị Hiếu, gia đình chị sinh sống bằng nghề làm rẫy tại huyện Bù Đốp (Bình Phước), vì vậy, những kiến thức về việc chích ngừa vaccine và căn bệnh VNNB đối với chị là điều khá mới mẻ. Chưa từng nghe nói về căn bệnh này, không biết mức độ nguy hiểm ra sao và cũng chưa từng chích ngừa vaccine cho cả 2 con, chị Hiếu thật thà nói: “Chúng em ở nông thôn nên tối ngày chỉ biết đến cây cà phê, điều… thỉnh thoảng cũng có nghe tivi nói về VNNB nhưng không buồn quan tâm đến căn bệnh này, thậm chí em cũng không biết con cần chích vaccine”.
Cũng theo lời kể của chị Hiếu, Gia Phát được sinh thường với cân nặng 3,5kg, chưa bao giờ phải nhập viện điều trị vì bất cứ căn bệnh gì. Vào thời điểm giữa tháng 6/2016, bé có biểu hiện sốt nên chị Hiếu đưa con đến bác sĩ tư khám và nhận được kết quả: Sốt thông thường, uống thuốc 3 ngày rồi tái khám. Sau 2 ngày điều trị thuốc nhưng vẫn không hiệu quả, vợ chồng chị Hiếu đưa con đến điều trị tại BV huyện Lộc Ninh, dù vậy, tình trạng bệnh của con vẫn không tiến triển. “Em đòi chuyển viện nên bác sĩ chuyển con tới BV đa khoa tỉnh. Nằm điều trị 1 đêm, em thấy con có dấu hiệu không ổn, nóng sốt, hôn mê và co giật nên xin chuyển lên thành phố vào ngày hôm sau. Vừa tới BV Nhi Đồng 2, bác sĩ chuyển con vào phòng cấp cứu, gắn ống hỗ trợ thở và thông báo con bị VNNB, bệnh đã chuyển nặng, chậm chút nữa là em mất con rồi”, chị Hiếu nhớ lại.
Chỉ mong đây là cơn ác mộng
3 ngày nằm tại khoa Cấp cứu của BV, sau đó, Gia Phát được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt của khoa Nhiễm để theo dõi và điều trị chuyên sâu. Đó cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với người mẹ trẻ, bởi chị Hiếu chỉ có thể ngồi ngoài hành lang, chờ đợi từng thông tin về tình trạng sức khỏe của con từ bác sĩ hoặc y tá. Những đêm dài không thể chợp mắt, chị làm bạn với ký ức về cậu con trai tinh nghịch, luôn thích chạy nhảy, chơi đùa quanh khoảng sân nhỏ. Nước mắt cạn rồi lại chảy, chị thương con một thì trách bản thân mình tới hàng trăm lần. Bởi chỉ vì sự thiếu hiểu biết, chị đã khiến con gặp nguy hiểm.
Bé Gia Phát đã qua giai đoạn nguy kịch |
Chị Hiếu tâm sự: “Khi ở ngoài phòng cấp cứu, lúc nào em cũng được ở bên con. Nhưng từ lúc chuyển vào trong này, bác sĩ chỉ cho em vào thăm con 2 lần mỗi ngày, lúc 11 giờ sáng và 4 giờ chiều. Mỗi lần như vậy, thời gian chỉ được chừng 15 phút, em tranh thủ thay tã cho con, hỏi chuyện con, hôn con… Nhìn con nằm bất động, miệng gắn ống hỗ trợ thở, ngực chằng chịt những dây theo dõi tim, mắt không bao giờ mở nhìn mẹ… lần nào em cũng bước ra trong nước mắt”.
Ngày Gia Phát được tháo ống hỗ trợ thở và chuyển ra bên ngoài cho người nhà vào chăm sóc, trái tim người mẹ trẻ như được nối nhịp. Được sự hướng dẫn của bác sĩ, chị Hiếu tận tay chuẩn bị cháo, sữa và tập cho con trai ăn từng muỗng nhỏ. Nhìn đứa con trai tinh nghịch ngày nào nay nằm yên, chỉ lơ mơ nhận ra mẹ mỗi lần thức giấc và cơ thể mềm nhũn không cử động, chị Hiếu lại ước, giá như đây là chỉ là một cơn ác mộng trong đêm, để khi tỉnh dậy, mọi nỗi sợ đã không còn. Nhưng đó không phải là giấc mơ, trước mặt chị là cậu con trai bằng xương thịt, cứ khóc nấc mỗi lần thức dậy và nhìn mọi thứ với đôi mắt lạ lẫm.
“Bác sĩ nói sẽ tiếp tục theo dõi, chưa biết khi nào bé sẽ được xuất viện và cũng chưa biết biến chứng sẽ ra sao. Nhưng nhìn những bé khác cũng vì bệnh này mà bị biến chứng nặng, không thể rút máy thở, thậm chí có bé còn tử vong…, em thấy mẹ con mình vẫn còn cơ hội bởi con đã qua giai đoạn nguy kịch”, chị Hiếu tâm sự.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam (Phó khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2, TPHCM) VNNB là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu, do virus VNNB B gây ra, thông qua vật trung gian là muỗi Culex. Tại Việt Nam, muỗi này sinh sản mạnh vào mùa hè, nhất là từ tháng 3 đến tháng 7, gặp nhiều ở vùng đồng bằng và trung du. Virus được truyền vào máu, chúng phát triển ở trong máu và đi khắp cơ thể, trong đó có các tế bào thần kinh, sinh sản và phát triển nhanh ở đó. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân nặng cùng với sự phát triển của viêm não tủy nặng và tỉ lệ tử vong cao. Thời gian ủ bệnh ban đầu khoảng 5-7 ngày, sau đó bé có biểu hiện sốt, lơ mơ, co giật, rối loạn tri giác, thay đổi về hành vi, nặng thì có thể hôn mê, sau đó diễn tiến tổn thương não nặng nề và có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng. Nếu qua giai đoạn nguy kịch, bé có thể bị di chứng nặng nề như liệt hoặc biến chứng thần kinh dẫn đến cuộc sống thực vật. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị VNNB, nếu bé được phát hiện và nhập viện sớm, bác sĩ sẽ tiến hành hồi sức thần kinh để hạn chế những diễn tiến nặng nề của tổn thương não và áp dụng những phương pháp điều trị hỗ trợ khác nhằm tránh các biến chứng có thể xảy ra trong giai đoạn sớm. VNNB có thể phòng ngừa bằng chích vaccine, mũi đầu chích khi bé được 1 tuổi, tiếp tục chích nhắc sau 1-2 tuần, 1 năm chích lặp lại, sau đó phải chích nhắc mỗi 3 năm/lần cho tới khi bé 15 tuổi để có tác dụng bảo vệ. Ngoài ra, để phòng tránh VNNB và các bệnh khác do muỗi gây ra, phụ huynh cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở, diệt lăng quăng/bọ gậy, cho bé nằm mùng/màn chống muỗi, mặc quần áo dài và thoa kem chống muỗi… |
--