Xót xa cuộc sống về già nghèo khổ, bệnh tật của 3 cô đào cải lương vang danh một thời

Anne
29/03/2022 - 19:00
Xót xa cuộc sống về già nghèo khổ, bệnh tật của 3 cô đào cải lương vang danh một thời
Cuộc sống về già khó khăn của nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh, Hồng Sáp, Trang Thanh Xuân... khiến nhiều người thương cảm.

XEM VIDEO: Cuộc sống khó khăn của nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh (Nguồn: Thương Đời Gạo Chợ Nước Sông).

"Cô đào cải lương" từng kiếm cả cây vàng mỗi đêm - Hoa Mỹ Hạnh giờ bệnh tật vẫn đi cọ toilet thuê

Nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh từng là một cô đào cải lương nổi tiếng trong thập niên 60, 70. Thời trẻ, bà sở hữu nhan sắc xinh đẹp cùng giọng hát ngọt ngào nên được rất nhiều khán giả thế hệ trước thần tượng. Khi bà cùng chồng lập đoàn hát Sơn ca Minh Hải đã quy tụ hàng trăm nghệ sĩ và kiếm được thù lao rủng rỉnh. Trừ hết chi phí, đào Hạnh từng lời cả cây vàng sau mỗi suất diễn, chỉ trong một thời gian ngắn đã đủ tiền tậu chiếc xe "Huê- Kỳ" đời mới.

Tuy nhiên, cuộc đời nữ nghệ sĩ gặp nhiều biến cố, bất hạnh. Bà đã mất tất cả vì chồng có vợ bé, con trai chết ở tuổi 15 vì sốt xuất huyết. Sau khi giải nghệ, bà đi làm nail dạo kiếm sống. Thế nhưng cuộc sống hiện tại của nữ nghệ sĩ nổi tiếng một thời vẫn luôn luẩn quẩn trong bệnh tật và khó khăn.

Trong chương trình Thương Đời Gạo Chợ Nước Sông do nhóm nghệ sĩ Phương Dung, Phi Phụng, Thụy Mười thực hiện đã làm nhiều người xót xa khi nói về cuộc sống khó khăn về già của cô đào một thời Hoa Mỹ Hạnh. Khi nhìn cảnh nữ nghệ sĩ gạo cội dọn toilet, lau nhà cho chủ, nghệ sĩ Phi Phụng đau lòng: "Nhìn cô như vậy tôi xót xa quá".

Trong người mang nhiều bệnh tật, tuổi cao sức yếu nhưng bà vẫn phải nai lưng kiếm tiền. Mùa dịch nghề nail dạo ế ẩm nên ai kêu bà dọn dẹp, quét rửa thì bà tới làm thuê cho họ. Cô đào nổi tiếng một thời cho hay: "Tôi dọn một căn nhà 3 tầng mất 2 tiếng đồng hồ, dọn từ tầng 1 lên tầng 3, chùi cả toilet, mệt lắm, được trả 100 ngàn. Dù mệt như vậy nhưng không phải ngày nào tôi cũng có việc, bữa được bữa không. Tôi không đi làm nail được vì chẳng ai làm. Thực ra tôi vẫn còn làm nail nhưng đầu năm được 1 bộ, cuối năm làm thêm bộ nữa, cả năm làm được 2 bộ".

"Bệnh tình tôi ngày một nặng. Chân tôi không biết bị làm sao nhưng đi không được, phải vào viện nằm hoài. Giờ tôi bị thần kinh tọa ảnh hưởng tới chân, đi nhiều thì đau lắm, phải uống thuốc suốt đời. Tôi phải đợi khi nào có tiền mới dám vào viện lấy thuốc, nên lâu lâu mới đi một lần. Tôi mua hết 820 ngàn tiền thuốc uống được trong một tháng là hết.

Tôi ở có một mình và được bảo hiểm y tế do một cô người quen mua cho mỗi năm một lần. Người ta thấy tôi tội nghiệp nên mua cho thôi chứ tôi không có lương hưu hay trợ cấp gì hết. Cũng may đợt dịch vừa rồi tôi không bị sao hết, chứ không thì chết mất. Tôi cũng chích được 2 mũi vắc xin rồi.

Giờ tôi dù yếu cũng phải cố dọn dẹp thuê để kiếm tiền đóng tiền nhà. Tôi ở trọ ghép, mỗi tháng 3 triệu chưa kể điện nước. Nói chung, cuộc sống của tôi chật vật lắm, phải ăn uống cực khổ, tằn tiện", bà thổ lộ.

"Dì ghẻ" Hồng Sáp có cuộc đời nghiệt ngã, nay về già lay lắt kiếm từng đồng

Nghệ sĩ Hồng Sáp được khán giả biết đến qua các vai diễn phản diện trong một số tuồng cải lương Hồ Quảng: Tấm Cám, Tình sử A nàng, Hai dòng sữa mẹ,... Từng vào vai bà dì ghẻ hết sức thâm độc trong vở Tấm Cám, bà đã khiến khán giả thích thú gọi bà bằng biệt danh "dì ghẻ". Sau này, bà đóng nhiều phim truyền hình.

Cách đây không lâu trong chương trình Du hành ký ức, MC Quyền Linh đã gặp bà, giúp sống lại một thời hồi ức thanh xuân huy hoàng của nữ nghệ sĩ. Bà cũng đã hiếm hoi khóc trên sóng truyền hình tiết lộ cuộc đời trắc trở sau ánh màn nhung.

Ở tuổi 86, nghệ sĩ Hồng Sáp dù không còn nhiều vai diễn vẫn không rời sân khấu. Hơn 50 năm sống trong Đình Nhơn Hòa (Q1, TP.HCM), bà gắn bó với công việc đi mặc trang phục cho nghệ sĩ để trang trải cuộc sống, sống với một người con trai 60 tuổi và đứa cháu ruột đã mất ba mẹ năm nay hơn 20 tuổi.

Nghệ sĩ Hồng Sáp tiết lộ với MC Quyền Linh đã nhiều lần tủi thân với phận đời trắc trở: “Tôi đi theo mặc đồ cho nghệ sĩ giá 300 ngàn đồng một đêm. Tôi không có cơ ngơi gì, cha mẹ mất, không có thân nhân trên đất Sài Gòn.

Cháu tôi cha mẹ nó mất hết, mình tôi nuôi nó từ 2 tuổi đến nay đã hai mươi mấy tuổi. Nhiều khi tôi buồn. Ngày xưa tôi mê hát, nếu tôi lấy chồng sớm là đã ổn định cuộc sống nhưng tôi không. Tôi nào biết đoạn đời sẽ như thế này, làm bao nhiêu cũng để trả tiền nhà không người ta đuổi mẹ con mình ra”

Năm 30 tuổi, nghệ sĩ Hồng Sáp bén duyên vợ chồng với một nghệ sĩ đàn kìm và có với nhau 7 người con. Được biết bà từng nhất khoát ra đi vì người chồng nghiện rượu chè, bạc đãi vợ con. Nữ nghệ sĩ một mình nuôi 7 đứa con trong cảnh nghèo túng với đồng lương ba cọc ba đồng.

Cũng vì nghèo mà 5 người con của bà qua đời do không có tiền chữa bệnh từ khi còn rất nhỏ. 2 người con còn lại cũng có số phận quá bi thương. Người không lấy vợ, người thì bị bệnh lao mà ra đi khi tuổi đời quá trẻ. Xót cháu nội sớm mất cha mất mẹ, bà lại bồng về nuôi dù thân mình cũng lo chưa xong.

Cả một đời cống hiến hết mình cho nghệ thuật đến gần cuối đời vẫn trăn trở nỗi lo tuổi già, cơm áo gạo tiền. Trong chương trình Thương đời gạo chợ nước sông, bà cũng từng nói rằng: "Cuộc sống tôi bấp bênh, lay lắt tạm bợ qua ngày. Giờ tôi chỉ biết trông đợi ai thuê đồ hay các đoàn cần vai diễn nhỏ thì mời mình. Có tiền để tôi trang trải tiền thuê nhà, ăn uống...". Nữ nghệ sĩ nói bà truân chuyên, số nghèo đeo bám đến những năm cuối đời. 

Nghệ sĩ vang danh Trang Thanh Xuân giờ nghèo xơ xác, khổ sở đi bán vé số

Trang Thanh Xuân từng trở thành đào chính trong những gánh hát lớn khi mới 16 tuổi. Nhờ năng khiếu giọng hát bẩm sinh với làn hơi cao vút, truyền cảm, cùng nét diễn xuất chững chạc đã giúp cô đào có chỗ đứng vững chắc. Bởi giọng hát của Trang Thanh Xuân phảng phất cách phát âm của cô đào Lệ Thủy nức tiếng thời ấy nên nhiều người đã đặt cho bà cái tên "Xuân Lệ Thủy".

Nhiều tờ báo ngày xưa còn ví von vẻ đẹp của bà như "hoa nhường nguyệt thẹn", nổi như cồn, hứa hẹn trở thành gương mặt sáng giá. Thế nhưng cũng như số phận nhiều gánh hát khác, thăng trầm buộc họ trôi dạt, hợp tan sau đó. Cố trụ lại với nghề, cô đào Trang Thanh Xuân phải về các đoàn hát ở nhiều tỉnh. Dù sự nghiệp có thăng trầm nhưng bà vẫn mê hát đến độ không quan tâm chuyện lập gia đình. Lặng lẽ cô đơn ở một góc của phận đời, bà không thèm nghĩ đến một ngày nhà không có, chồng con cũng không.

Sau khi rời xa ánh đèn sân khấu, tuổi già bà vẫn nghèo xơ xác, bệnh tật triền miên. Nhóm "Ngũ long du ký" cũng từng tới thăm bà và chứng kiến cuộc sống mưu sinh khổ cực của giọng ca Máu nhuộm sân chùa.  Bà sống cùng em gái ruột (Thanh Đào), cả hai đều không lập gia đình, nương tựa lẫn nhau sống trong căn phòng thuê chật hẹp 6 mét vuông. 

Hằng ngày, bà Xuân cùng em gái phải dậy từ sớm, đi khắp chợ Rạch Ông (Quận 8, TP.HCM) bán vé số. Tiền lãi ít ỏi chỉ đủ sống qua ngày, có chăng cũng để tích góp trả tiền trọ, mua thuốc trị bệnh. Bà bị thoái hóa khớp, giãn tĩnh mạch đi lại rất khó khăn, phải bó chân để tiện di chuyển mỗi khi đau nhức. 

Bà nói: "Tiền thuê nhà là 1,7 triệu đồng mỗi tháng, tôi ở đây cũng lâu lắm rồi. Mỗi ngày tôi đều đi bộ ra chợ bán. Tôi phải bó chân lại mới có thể đi được, nếu không bó thì chân sưng lên, đau lắm, đi không nổi". Nữ nghệ sĩ còn bị bệnh tim. Trước đây bà từng đi bán bắp nhưng bưng bê không nổi, chuyển sang bán chè chuối lại ế ẩm nên đi bán vé số đến tận bây giờ.

Dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng giọng hát của bà vẫn khiến đàn em bồi hồi cảm xúc. Bà chia sẻ: “Tôi năm nay hơn 70 tuổi rồi, cứ mỗi lần ca là tôi muốn khóc lắm. Hát như vậy khiến tôi nhớ sân khấu, nhưng làm sao bây giờ”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm