Xót xa những em nhỏ bỗng mồ côi vì tai nạn giao thông

17/11/2019 - 09:00
Chỉ trong phút chốc, những đứa trẻ có đầy đủ mẹ, cha, một gia đình yên ấm bỗng thành mồ côi, phải sống nhờ vào người thân vì cha/mẹ bị chết do tai nạn giao thông. Các em cần lắm vòng tay yêu thương và sự sẻ chia của cộng đồng.
Năm 2016, khi đó em Trần Văn Khánh (SN 2010, thôn 2 Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) mới 6 tuổi nhưng phải chịu nỗi đau quá lớn: Bố mẹ và 2 em của Khánh đều mất do tai nạn đắm tàu thủy ở sông Vũ Thư, Thái Bình. Hiện tại Khánh đang ở với bà nội. Năm nay bà đã 70 tuổi, bị bệnh tiểu đường, tim mạch, thường xuyên phải đi bệnh viện. Cuộc sống của 2 bà cháu chỉ trông vào 405.000 đồng tiền hỗ trợ trẻ mồ côi và 3 sào ruộng. Năm nay Khánh học lớp 4, trường Tiểu học Gia Thịnh B. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Khánh vẫn cố gắng vươn lên trong học tập, luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

 

Em Hoàng Thị Tình (SN 2011, thôn Tiền Phương 2, Văn Phương, huyện Nho Quan, Ninh Bình) có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Mẹ em bị thần kinh, bỏ nhà đi từ năm 2014. Đến năm 2015, lúc Tình mới 4 tuổi đã mồ côi bố do tai nạn giao thông. Hiện tại, em ở với bác gái là chị của bố. Tình đang học lớp 3, Trường tiểu học Văn Phương. Gia đình bác gái thuộc diện nghèo, bản thân bác là lao động chính nuôi ông bà nội cùng Tình và 2 người con của bác. 

 

Cả bố và mẹ em Tô Thu Hoài (SN 2003, xóm Hương, xã Khánh Hội, huyện Yên Khánh, Ninh Bình) đều bị tai nạn giao thông năm 2017. Vụ tai nạn đã cướp đi người bố của em, còn mẹ bị thương nặng, sống thực vật, tình trạng sức khỏe hiện nay rất yếu. 2 mẹ con Hoài được ông bà ngoại nuôi dưỡng. Tô Thu Hoài đang học lớp 11 trường THPT Yên Khánh A. Hiện nay ông bà nội em đã trên 80 tuổi. Gia đình thuộc hộ nghèo. 

   

Em Bùi Thị Thu Hiền (SN 2003, thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, Ninh Bình), bố và mẹ đều mất do tai nạn giao thông. Mẹ mất năm 2006, bố mất năm 2016. Hiền được bà ngoại nuôi từ lúc 3 tuổi cho đến nay. Hoàn cảnh gia đình của 2 bà cháu gặp nhiều khó khăn. Bà năm nay 79 tuổi già yếu, thường xuyên ốm đau, thu nhập chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng và số tiền trợ cấp trẻ mồ côi 405.000đ. Mặc dù khó khăn nhưng bà ngoại vẫn cho cháu ăn học, đến nay Hiền đang học lớp 10 Trường THPT Hoa Lư A. Trong suốt thời gian học tập, Hiền đều đạt học sinh tiên tiến.

  

Mẹ của em Nguyễn Thị Lựu (SN 2002, xóm 7B , xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) bị tai nạn giao thông chết năm 2011, còn bố bị bệnh tâm thần. Gia đình thuộc hộ nghèo, người anh trai đi làm chỉ đủ nuôi dưỡng ông nội già yếu nên Lựu phải ở với người dì ruột thường xuyên ốm đau, không có thu nhập ổn định. Hiện Lựu đang học lớp 12, Trường THPT Kim Sơn A. Em luôn lo lắng không biết con đường tương lai phía trước sẽ ra sao.

  

Em Trần Ngọc Hoàng Phương (SN 2003, xóm 2, Ngọc Lâm, Yên Lâm, huyện Yên Mô, Ninh Bình) có bố bị bệnh nặng mất năm 2005, khi em mới được 2 tuổi. Năm em lên 7 tuổi, mẹ mất do tai nạn giao thông nên em phải về ở với ông bà ngoại. Mấy năm gần đây, ông bà tuổi cao sức yếu không làm được đồng ruộng, mọi khoản chi tiêu và học hành của Phương trông cả vào sự trợ cấp của các bác, các dì nội - ngoại. Em đang học lớp 11 trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Yên Mô.

  

Em Hoàng Mạnh Hùng (SN 2004, số nhà 20 ngách 17/245, đường Nguyễn Công Trứ, phố Ngọc Sơn, phường Thanh Bình, TP Ninh Bình), mẹ bị tai nạn giao thông mất năm 2005; bố bị tai nạn giao thông mất năm 2010. Hùng ở cùng ông bà nội, bà bị ung thư phổi mất tháng 5/2019. Hoàn cảnh 2 ông cháu rất khó khăn. Hàng năm, Hùng luôn đạt học sinh giỏi và học sinh tiên tiến. Năm học 2018-2019, em vừa thi đỗ vào THPT Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình. Hai ông cháu rất cần sự quan tâm chia sẻ của các tổ chức, cá nhân để Hùng có thêm động lực, tiếp tục phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội.

Từ năm 2005, Liên hợp quốc chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Việt Nam hưởng ứng các hoạt động này từ năm 2012. Đây là hoạt động nhằm thu hút sự chú ý của cả cộng đồng nhằm tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông, vinh danh các dịch vụ cứu trợ và hỗ trợ nhằm đẩy lùi và cùng chia sẻ, xoa dịu nỗi đau cũng như là lời cảnh tỉnh thiết thực cho những người tham gia giao thông.

Năm nay, vào ngày 17/11, các hoạt động hưởng ứng được tổ chức trên phạm vi cả nước với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tai nạn giao thông gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Điều đau lòng nhất là tai nạn giao thông cướp đi sinh mệnh của rất nhiều người, đẩy không biết bao nhiêu gia đình vào hoàn cảnh khó khăn.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định hiện tai nạn giao thông vẫn đang là vấn đề bức xúc, thách thức toàn cầu. Mỗi năm có đến 1,3 triệu người chết, 50 triệu người bị thương, thiệt hại 2% tổng thể GDP (hơn 1.500 tỉ USD) trên thế giới.

Tại Việt Nam, mỗi ngày khoảng hơn 20 người ra đường và vĩnh viễn không trở về nhà. Trong 10 tháng năm 2019, cả nước xảy ra 14.251 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.318 người, bị thương 10.873 người.

Hoạt động chính năm nay là Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông diễn ra lúc 7h30 Chủ nhật, ngày 17/11, tại đường Lê Duẩn, quận 1, TPHCM.

Bên cạnh đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giáo dục & Đào tạo dành 1 phút tưởng niệm và đọc thông điệp tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông vào lễ chào cờ và hệ thống phát thanh của trường... Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Ban An toàn giao thông các địa phương cùng các quỹ, tổ chức đoàn thể khác đi thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân... Ngoài ra, Ban An toàn giao thông các địa phương cũng phối hợp với Giáo hội Phật giáo tổ chức Lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông.

* Vào ngày 8/12 tới, Báo PNVN sẽ tổ chức Ngày hội Mottainai 2019 “Giáng sinh Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc” tại phố đi bộ hồ Gươm (Hà Nội) để gây quỹ trợ giúp các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm