pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xu hướng người trẻ trì hoãn kết hôn có phải do sợ hôn nhân?
Ảnh minh họa
Hôn nhân không phải là chủ đề mới nhưng chưa bao giờ là cũ. Câu chuyện "cưới vợ gả chồng" luôn nhận được sự quan tâm từ tất cả mọi người, đặc biệt là trong xã hội hiện nay, khi độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu có xu hướng tăng lên cho cả nam và nữ. Các vấn đề về kết hôn của người trẻ ở nhiều quốc gia châu Á nói riêng, cũng như trên thế giới nói chung, chưa bao giờ thôi trở thành tâm điểm của các bảng tin.
Đầu năm 2022, Guardian có bài viết "Hạnh phúc khi một mình: Giới trẻ Hàn Quốc theo đuổi cuộc sống độc thân", trong đó nhấn mạnh người trẻ Hàn Quốc đang chấp nhận độc thân, bên cạnh việc cho rằng chi phí sinh hoạt cao và khó mua được nhà khiến họ không muốn kết hôn. Trong năm 2022, nhiều trang tin tức lớn cũng liên tục đưa tin về vấn đề kết hôn của giới trẻ, như tiêu đề "Cứ 4 người Nhật Bản độc thân ở tuổi 30 thì có một người không sẵn sàng kết hôn" trên Japan Times, "Kế hoạch kết hôn với chính mình của phụ nữ Ấn Độ gây tranh cãi" trên BBC, "Sợ hôn nhân: Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc lựa chọn cuộc sống độc thân" trên Nikkei Asia, "Millennial và gen Z cảm thấy áp lực hơn để đạt được các cột mốc quan trọng trong cuộc sống" trên Bloomberg.
Và gần đây nhất là "Chờ đợi giàu có: Gen Z Trung Quốc muốn có sự nghiệp trước khi có con" trên trang Sixth Tone đầu tháng 2. Theo bài viết, nhiều sinh viên muốn thành công trong sự nghiệp trước khi lập gia đình, và thay vì coi hôn nhân là một phần không thể thiếu của cuộc sống như các thế hệ trước, họ cho rằng mục tiêu chính của hôn nhân là hướng đến đời sống tinh thần và một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Về phần người trẻ Việt Nam, liệu qua những xu hướng kết hôn khá ảm đạm ở các nước trong khu vực và những câu chuyện có phần tiêu cực hay bị "thổi phồng" về tình yêu - hôn nhân trên mạng xã hội, họ nghĩ gì về một trong những cột mốc quan trọng nhất trong cuộc đời con người như hôn nhân?
Người trẻ có sợ kết hôn?
Khi được hỏi nghĩ gì về hôn nhân trong thời điểm hiện tại, phần lớn bạn trẻ chia sẻ chưa có ý định kết hôn và không sợ kết hôn, bên cạnh một số ít cho biết sợ và không muốn kết hôn. Đa số các bạn nhấn mạnh rằng kết hôn không có gì đáng e dè hay sợ hãi, nhưng hiện tại muốn tập trung hướng tới các mục tiêu sự nghiệp và phát triển bản thân cũng như tìm đối tượng phù hợp để kết hôn.
Như bạn Xuân Hiền (chuyên viên dự án, 29 tuổi) khẳng định không sợ kết hôn, nhưng hiện tại chưa muốn kết hôn vì chưa sẵn sàng. "Mình thấy kết hôn không có gì đáng để sợ. Mình hiện tại chưa muốn kết hôn vì đơn giản thấy chưa phải lúc; ở thời điểm chưa vướng bận chuyện chồng con như bây giờ, mình muốn tập trung cho các mục tiêu trong công việc cũng như dành thời gian làm những điều bản thân thích", Hiền nói và cho biết thêm rằng bên cạnh công việc chính, bạn đang tự trau dồi tiếng Nhật và học vẽ.
Bạn Bình Nguyễn (chuyên viên Marcom, 28 tuổi) cũng có chung quan điểm với Hiền. "Ở thời điểm hiện tại, mình chọn độc thân lâu dài. Mình thích tự do, không muốn gò bó và muốn có nhiều thời gian hơn cho sự nghiệp và sở thích cá nhân. Những nghi lễ cưới hỏi rườm rà và tốn kém khiến mình có phần e ngại khi kết hôn", Bình chia sẻ.
Bạn Cẩm Nhung (biên tập viên sách, 24 tuổi) chia sẻ không sợ kết hôn, đồng thời có quan điểm cá nhân thẳng thắn về vấn đề hôn nhân và khả năng tự chủ trong việc lựa chọn bạn đời. "Mình không sợ kết hôn vì mình có thể tự quyết định việc kết hôn của mình, chẳng hạn như lấy ai và lấy khi nào. Kết hôn với mình không phải tất cả, nó cũng chỉ đánh dấu một cột mốc trong mối quan hệ lâu dài", Nhung nói và lưu ý rằng bạn đã kết hôn hơn một năm. Bạn lựa chọn kết hôn vì tin tưởng chồng, thấy sẵn sàng và cảm thấy bản thân đủ chín chắn về mặt nhận thức cũng như suy nghĩ để bước vào cuộc sống hôn nhân.
Nói về lý do sợ kết hôn, các bạn trẻ cho biết nguyên nhân đến từ việc sợ áp lực tài chính và áp lực làm cha mẹ, bên cạnh các lý do như thiếu niềm tin vào hôn nhân và không tự tin ở bản thân. Hiện đang độc thân, bạn Jade Nguyễn (nhân viên văn phòng, 25 tuổi), chia sẻ: "Đọc và nghe nhiều các vụ ngoại tình và ly hôn khiến mình thấy sợ tình yêu và hôn nhân. Mình cũng thấy khá thiếu tự tin ở bản thân để có thể trở thành một người vợ, người mẹ tốt".
Có cần sự nghiệp và nhà cửa mới kết hôn?
Dù có hay chưa có ý định kết hôn, đa số người trẻ đều đặc biệt chú ý đến tính ổn định và an toàn cho mối quan hệ lâu dài như hôn nhân. Nhiều bạn đồng tình với quan điểm cho rằng cần có sự nghiệp và nhà cửa trước khi kết hôn vì những điều đó mang đến cảm giác chắc chắn và an toàn, là nền tảng để có hôn nhân hạnh phúc cũng như giúp cuộc sống ổn định trước khi đi đến quyết định sinh con.
Bạn Sophia (freelancer, 25 tuổi) chia sẻ bên cạnh sự thấu hiểu, yếu tố kinh tế trong hôn nhân là vô cùng quan trọng. "Có nhà cửa và kinh tế ổn định giúp vợ chồng tránh được những xung đột về mặt tài chính có thể dẫn đến cãi nhau. Khi có nhà cửa và đảm bảo được tài chính thì có thể cho con cái một cuộc sống tốt hơn", Sophia nói.
"Mình muốn cảm giác chắc chắn khi kết hôn. Theo mình nên có đầy đủ thì mới kết hôn vì tài chính vững vàng thì mới lo được cho vợ con, nếu không hôn nhân sẽ không hạnh phúc vì lo lắng chuyện cơm - áo - gạo - tiền", bạn Bình Nguyễn khẳng định có sự nghiệp và nhà cửa khiến bạn tự tin hơn khi tiến tới hôn nhân.
Mặc dù không có ý định kết hôn vì muốn tận hưởng cuộc sống độc thân, bạn có nickname Haebaragi (nhân viên văn phòng, 29 tuổi) quan niệm mọi thứ nên rõ ràng trước khi quyết định kết hôn. Theo bạn, không hẳn cần phải có tài sản mới kết hôn được, nhưng nên thẳng thắn quan điểm về tài sản với đối phương ngay từ trước khi cưới và lập kế hoạch từng bước trong hôn nhân.
Với Cẩm Nhung, sự nghiệp nói một cách dễ hiểu là có công việc ổn định. Nhung không nghĩ nhất thiết phải có nhà mới kết hôn. Trước vấn đề nhà ở đắt đỏ ở các thành phố lớn và không thể mua nhà ngay nếu không có hỗ trợ tài chính từ gia đình, bạn cho rằng có thể đặt mục tiêu mua nhà sau khi kết hôn. Cá nhân Nhung muốn hướng đến các giá trị tinh thần và cùng chồng nỗ lực trong hôn nhân hơn: "Với mình, mục đính lớn nhất khi kết hôn là cùng nhau chung sống, mang lại hạnh phúc cho đối phương, trở thành niềm an ủi và nguồn động lực để cùng cố gắng đạt được các mục tiêu chung".
Khác với số đông, một bộ phận nhỏ người trẻ cho rằng không cần phải có nhà cửa và sự nghiệp mới kết hôn. Lý giải cho quan điểm này, các bạn nói rằng thấy đúng người, đúng lúc và cảm thấy sẵn sàng thì cưới thôi, chưa kể đến việc sau khi kết hôn vợ chồng vẫn có thể cúng nhau nỗ lực mua nhà và xây dựng sự nghiệp.