pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xu hướng tối đa hóa tự chủ trong tuyển sinh 2022: Sĩ tử cần chuẩn bị những gì?
Hiện tại, nhiều trường đại học đã dự kiến phương án tuyển sinh năm 2022
Sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực
Mới đây, tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, 7 trường đại học đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa nhóm trường đại học tham gia và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển đại học năm 2022. Các trường này phối hợp và hỗ trợ trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022. Việc các trường đại học (ĐH) hợp tác sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển ĐH năm 2022 nhằm giúp người học giảm áp lực số lần thi cử và di chuyển, giảm tốn kém vật chất, thời gian và công sức cho những thí sinh có nguyện vọng vào ĐH, đặc biệt các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2022, trường ĐH Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực khoảng 7-8 đợt, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8/2022, đáp ứng cho khoảng 30.000 thí sinh dự thi. Kết quả kỳ thi sẽ được dùng xét tuyển vào các trường trong và ngoài hệ thống, tùy nhu cầu của các trường. Việc sử dụng kỳ thi tốt nghiệp THPT được một số trường xem là dữ liệu cơ bản, mang tính kết hợp để tăng khả năng lựa chọn nguồn tuyển. Kết quả quá trình học tập và thi tốt nghiệp THPT là cơ sở đánh giá nền tảng. Sau đó, trường kết hợp thêm các tiêu chí đánh giá khác theo định hướng đào tạo của trường, chẳng hạn chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Ngoài cách phân loại này, nhiều trường ĐH sắp tới cũng sẽ áp dụng hình thức phân loại khác, trong đó có phương thức phân loại bằng ngoại ngữ.
Chủ trương tự chủ đại học, trong đó có tự chủ về thi và tuyển sinh đầu vào được Bộ GD&ĐT nhấn mạnh nhiều lần. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chỉ ra, năm 2022 sẽ là thời điểm giao thời để chuẩn bị thực hiện đổi mới toàn diện công tác thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH trong những năm tới. Các trường cũng phải có những phương án chủ động của mình để dần giảm phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp, đúng với xu hướng tự chủ tuyển sinh như Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đã đề cập.
Xác định lộ trình ôn tập có mục tiêu
Vấn đề đặt ra là thí sinh dự thi năm 2022 cần có định hướng ôn tập và đăng ký xét tuyển như thế nào để phù hợp với xu hướng nói trên? Theo các chuyên gia, học sinh cần chủ động cân nhắc nhiều phương án xét tuyển để ứng phó với những thay đổi bất ngờ do ảnh hưởng dịch bệnh. Theo TS. Nguyễn Phụ Hoàng Lân, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định, học sinh sinh năm 2004 là lứa học sinh có tới 3 năm học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, kỳ thi Tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học năm 2022 là một thách thức không nhỏ với các em. "Cuộc đua vào trường đại học top đầu luôn khốc liệt. Các trường sẽ chỉ tuyển số chỉ tiêu nhất định. Do đó, muốn tăng tỷ lệ thành công, học sinh phải xác định lộ trình học tập đúng đắn, bồi dưỡng năng lực học tập của bản thân. Như vậy, các em có thể bình tĩnh trước mọi tình huống và sự thay đổi trong thời gian tới", ông Hoàng Lân đưa ra lời khuyên.
Cũng theo TS. Hoàng Lân, học sinh nên bắt đầu xác định mục tiêu (khối, trường thi), năng lực học tập của bản thân ngay từ bây giờ, từ đó, lên kế hoạch cho một lộ trình học tập rõ ràng để chinh phục mục tiêu. Trong một năm học, các em có thể dành khoảng thời gian 7-8 tháng để học và phủ toàn bộ kiến thức cơ bản. Nếu bắt đầu ôn luyện ngay từ bây giờ, đến tháng 2/2022, học sinh kết thúc sớm chương trình lớp 12, sau đó, dồn tâm sức để ôn luyện trọng tâm, có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu đã đề ra. Khi có khoảng thời gian ôn luyện dài (4-5 tháng trước kỳ thi), các em dành nhiều thời gian luyện đề, thành thạo các dạng bài và ôn luyện những phần kiến thức khó, giúp tối đa điểm số cho kỳ thi chính thức.