Xử phạt vi phạm ATTP gặp khó do... ngại người quen

11/07/2019 - 09:16
“Việc xử phạt vi phạm ATTP tại địa phương gặp nhiều khó khăn bởi có yếu tố tình làng nghĩa xóm. Khi đi kiểm tra, nếu gặp phải cơ sở của họ hàng, người quen sẽ dẫn đến sự e ngại và các cán bộ thường nhắc nhở chứ không phạt tiền”, bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND Huyện Đông Anh (Hà Nội), cho biết.

Năm 2016, huyện Đông Anh là 1 trong 4 quận, huyện của Hà Nội được chọn thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP. Huyện đã chọn 2 xã Kim Chung và Uy Nỗ là 2 đơn vị có số lượng cơ sở thực phẩm lớn để thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến xã.

 
thuc-pham.jpg
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại một trường mầm non trên địa bàn huyện Đông Anh

 

Thời điểm đó, huyện đã tổ chức thanh tra được 60 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo đúng chủ đề của Trung ương và Thành phố giao (trọng tâm là các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau thịt và các sản phẩm từ rau thịt), đã phát hiện các tồn tại, vi phạm của các cơ sở… để yêu cầu khắc phục ngay, đồng thời tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với 49 cơ sở, tổng số tiền trên 218.000.000 đồng.

 

Trong quá trình thanh tra, các Đoàn thanh tra kết hợp tuyên truyền, giáo dục phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP; xã Kim Chung, Uy Nỗ đã xử phạt tổng số 20 cơ sở với số tiền gần 90.000.000 đồng. 

 
66709372_852946505080279_6088657136160604160_n-1.jpg
Bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh - Ảnh: Kiều Trang

 

Việc xử phạt tại địa phương gặp nhiều khó khăn vì thông thường khi đi kiểm tra các cơ sở thì thường có yếu tố tình làng nghĩa xóm, của họ hàng hoặc người quen dẫn đến sự e ngại và các cán bộ thường là nhắc nhở chứ không phạt tiền. Nhìn ra điểm yếu ở đây chính là sự nể nang nên huyện đã giao cho đoàn giám sát khi thấy những khu vực, cơ sở sản xuất có nguy cơ mất ATTP thì có thể bổ sung cán bộ, hỗ trợ người hoặc đổi nhân sự để tránh người quen. Đây là cách làm khá hiệu quả, vừa đạt được chất lượng công việc lại không làm khó những người thực hiện.

 

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tám cũng cho biết thêm, qua bước đầu triển khai còn gặp một số vướng mắc như một số đồng chí cán bộ bảo vệ thực vật, thú y tuyến xã, thị trấn do không phải công chức, viên chức nên không được cấp chứng chỉ thanh tra. Trong khi đây là lực lượng quan trọng trong thanh kiểm tra ATTP. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP có sự thay đổi rất lớn và giữa các bộ ngành chưa có sự thống nhất; ví dụ quy định về kiểm tra xác nhận kiến thức về ATTP lĩnh vực Y tế đã bãi bỏ nhưng Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp vẫn đang thực hiện; hoặc Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND của UBND Thành phố về phân cấp quản lý ATTP có những nội dung không phù hợp với Nghị định 15/2018/NĐ-CP và các Nghị định liên quan song hiện nay vẫn chưa có văn bản thay thế…

 

"So với những đơn vị khác thì huyện Đông Anh đã có những thuận lợi hơn khi thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP lần này, bởi huyện đã có kinh nghiệm thực hiện thí điểm thanh tra ATTP từ năm 2016. Với số lượng cán bộ đã được học tập, đào tạo và có sự rút kinh nghiệm thực tế", Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tám cho hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm