pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xuân mới trong "mái ấm biên cương"
Gia đình bà Tráng Thị Chúa cùng cán bộ xã và bộ đội Biên phòng Si Ma Cai trước căn nhà mới
Giọt nước mắt hạnh phúc của bà mẹ đơn thân
Trong căn nhà được xây kiên cố, tường gạch còn phảng phất mùi vôi vữa của bà Tráng Thị Chúa, 75 tuổi (ở thôn Sín Hồ Sán, xã Sán Chải), anh Ly Seo Tú, con út của bà Chúa, đang cùng vợ may vá quần áo cho cả gia đình.
"Bình thường, vợ chồng em chỉ làm nương rẫy. Chiếc máy may này là được Nhà nước hỗ trợ để làm sinh kế và cũng là để may quần áo cho gia đình", chị Dùng Thị Lâu, con dâu bà Chúa, chân đạp máy may, vui vẻ nói.
Những ngày trước Tết Nguyên đán, vợ chồng Lâu thấy bà con trong vùng mua sắm quần áo mới để diện Tết nên cũng mua ít vải về may quần áo để đem ra chợ bán. Bây giờ hết Tết rồi, còn ít vải chưa dùng tới, Lâu tranh thủ may quần áo mới cho mẹ chồng và cho chồng con, coi như quà Tết muộn cho cả gia đình.
Căn nhà mà bà Tráng Thị Chúa ở cùng vợ chồng con trai và 3 cháu nội là một trong những "Mái ấm biên cương" do Đồn Biên phòng Si Ma Cai và chính quyền xã Sán Chải hỗ trợ xây mới. Dẫu đã hoàn thành cơ bản, chưa đến ngày khánh thành nhưng gia đình bà Chúa đã vào ở.
Trong căn nhà hơn 60m2, ngoài 1 bộ bàn ghế cùng chiếc tủ ở phòng khách là chiếc máy khâu nhỏ được kê cạnh cửa sổ. Bà Tráng Thị Chúa không nói được tiếng phổ thông. Thông qua một cán bộ xã phiên dịch, chúng tôi được biết, Tết Nguyên đán năm nay, mấy mẹ con, bà cháu rất phấn khởi khi được ở nhà mới. Vì phải vay mượn thêm tiền làm nhà, nên cả gia đình bà Chúa không sắm Tết vì phải tiết kiệm tiền để hoàn thiện căn nhà.
Bà Chúa cho biết, trước đây, gia đình bà ở trong căn nhà gỗ lụp xụp, mỗi lần mưa to là cả nhà phải chạy sang nhà hàng xóm trú nhờ.
"Nhiều nhà có cả vợ chồng nuôi đàn con còn khó khăn, tôi đây chỉ có 1 mình nuôi 9 đứa con. Căn nhà này giống như giấc mơ trong đời tôi. Tôi vẫn không dám nghĩ đến một ngày mẹ con, bà cháu tôi được ở trong căn nhà ấm áp thế này, không còn sợ mưa to gió lớn, không còn sợ giá rét mùa đông", bà Tráng Thị Chúa gạt nước mắt, xúc động bộc bạch.
"Không có bộ đội Biên phòng, gia đình tôi không có nhà ở"
Men theo mé rừng, chúng tôi đến nhà vợ chồng anh Lù Văn Thắng và chị Lù Thị Thịnh, ở thôn Nàn Vái, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai. Đây cũng là một hộ gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn, được Đồn Biên phòng Si Ma Cai và chính quyền địa phương hỗ trợ, xây dựng "Mái ấm biên cương" trong năm 2023.
Căn nhà còn nguyên tường gạch mới xây, bên chiếc bàn nhỏ ở góc phòng khách, cả nhà chị Thịnh đang quây quần. Chị Thịnh bày tỏ: "Tết năm ngoái, cả nhà tôi vẫn ở túp lều tạm bên cạnh chuồng trâu. Giờ được đón Tết trong căn nhà mới, dù chưa kịp trát vữa nhưng vợ chồng tôi không còn lo trời mưa gió lạnh nữa".
Vợ chồng chị Thịnh có 3 người con, trong đó đứa con thứ 2 bị động kinh từ nhỏ. Đứa con đầu của vợ chồng chị Thịnh học Đại học Thái Nguyên, được nhận học bổng sang Singapore du học từ tháng 4/2023.
"Con gái lớn là niềm tự hào của cả nhà. Chúng tôi không rõ con học giỏi thế nào, chỉ biết mỗi năm con mang giấy khen về, rồi con nói được hỗ trợ sang Singapore du học. Vợ chồng tôi chỉ mong con gái yên tâm học hành, sau này có việc làm ổn định sẽ giúp bố mẹ và các em có cuộc sống tốt hơn", niềm hạnh phúc ánh lên trong mắt chị Thịnh khi nhắc đến con gái mình.
Nhớ về căn nhà cũ bỗng đổ sụp 1 góc mái và tường sau trận mưa to đầu năm ngoái, vợ chồng chị Thịnh vẫn ám ảnh: "Hôm đó, mưa rất to, kéo dài từ đêm hôm trước, chỉ trong mấy phút, góc nhà đổ sụp xuống kèm theo đất bùn tràn vào trong nhà. May lúc đó là đầu giờ chiều, ban ngày nên cả nhà tôi chạy vội ra sân kêu hàng xóm và chính quyền đến hỗ trợ".
Nhờ hàng xóm, bộ đội Biên phòng giúp đỡ, cả nhà chị Thịnh dắt nhau ra cạnh chuồng trâu căng bạt và che chắn ở tạm qua ngày. Hơn 3 tháng sau, khi chính quyền xã và cán bộ Đồn Biên phòng vào khảo sát để hỗ trợ "Mái ấm biên cương" cho gia đình, vợ chồng chị Thịnh liên tục từ chối: "Chúng tôi lo không có tiền xây nhà, vậy mà đến giờ cũng có nhà mới để ở. Không có bộ đội Biên phòng, chúng tôi không bao giờ dám nghĩ đến có nhà để ở".
"Mái ấm biên cương" của vợ chồng chị Thịnh được Đồn biên phòng Si Ma Cai hỗ trợ từ nguồn vốn của Bộ đội Biên phòng là 50 triệu đồng. Đồn còn vận động các đơn vị, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm hỗ trợ vợ chồng chị Thịnh hoàn thiện căn nhà lên đến 100 triệu đồng.
Vợ chồng chị Thịnh nhiều năm qua là hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Do có con trai bị bệnh, anh Thắng ở nhà chăm con, chị Thịnh cứ lo xong vụ mùa, ai thuê gì lại đi làm để kiếm tiền trang trải cho gia đình. Nhiều năm qua, vợ chồng chị Thịnh đưa con đi chạy chữa nhưng bệnh không giảm.
"Hồi nhỏ, vợ chồng tôi cho con đi chữa ở bệnh viện dưới Hà Nội, mỗi lần đi tốn kém lắm, lại mất khoảng 10 ngày chữa trị. Sau này, vợ chồng tôi tích luỹ được ít tiền đưa con ra bệnh viện ở thành phố Lào Cai, cũng đỡ tốn kém tiền xe và thời gian hơn", anh Thắng chia sẻ.
Theo anh Giàng Seo Cú, Bí thư Đoàn thanh niên xã Sán Chải, tỷ lệ hộ nghèo ở đây cao. Trong năm 2023, các hộ nghèo và hộ đặc biệt khó khăn ở xã Sán Chải được hỗ trợ nhà theo nhiều cách. Trung bình mỗi hộ đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng/nhà để xây mới, hỗ trợ sửa chữa nhà sẽ được 20 triệu đồng/hộ.
Chính quyền địa phương sẽ khảo sát, ưu tiên những hộ đặc biệt khó khăn trước. Để giúp bà con vùng biên giới xoá đói, giảm nghèo, trong năm 2023, xã Sán Chải đã hỗ trợ được hơn 40 hộ dân đăng ký trồng cây ăn quả như cây lê, cây mận.
Thiếu tá Lý Văn Vinh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Si Ma Cai, cho biết thêm, Đồn biên phòng Si Ma Cai quản lý 3 xã và thị trấn biên giới với 23 thôn, tổ dân phố, trong đó 6 thôn giáp biên. Cả 3 xã, thị trấn biên giới có 2.808 hộ/13.028 khẩu, trong đó 901 hộ nghèo, 1.583 hộ cận nghèo.
Đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, chủ yếu là chăn nuôi, trồng ngô, lúa và một số cây lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc sản xuất nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình nên thu nhập không cao.
"Thực hiện chủ trương của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai về việc xây dựng "Mái ấm biên cương" cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã vận động các tổ chức thiện nguyện và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đóng góp, ủng hộ, góp công xây dựng được 14 "Mái ấm biên cương" ở địa bàn, với kinh phí xây hơn 800 triệu đồng và khoảng 300 ngày công lao động", thiếu tá Lý Văn Vinh cho biết.
Theo thiếu tá Lý Văn Vinh, để giúp bà con ổn định cuộc sống, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát các đối tượng chính sách, gia đình có công với Cách mạng, các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các hộ còn đang ở nhà tạm để kịp thời kêu gọi, hỗ trợ "Mái ấm biên cương" cho bà con yên tâm ổn định cuộc sống.
Mùa Xuân mang theo khí thế, sức sống mới ở vùng biên giới Si Ma Cai. Dù cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn nhưng bên họ luôn có sự đồng hành, chia sẻ của những người lính Biên phòng.