Xuân về nơi cổng trời Mường Lống

27/01/2019 - 09:00
Trong chuyến công tác cuối năm về với huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), chúng tôi bị níu chân nơi cổng trời Mường Lống khi mùa xuân đã bắt đầu về trên khắp bản làng, trong những cơn gió se lạnh và bao nụ đào chúm chím bung nở.
Để đến được Mường Lống, từ thị trấn Mường Xén, chúng tôi ngược theo tuyến đường Tây Nghệ An qua những con đèo nhỏ với cung đường ngoằn ngoèo khoảng 50 km. Càng đi, khung cảnh những phố thị đô hội càng lùi xa sau lưng chúng tôi. Thay vào đó là hình ảnh những bông hoa dại mọc bên vệ đường, những đám mây bồng bềnh vờn quanh núi và cả hình ảnh những người phụ nữ đang gùi gừng về bản, những đứa trẻ gánh cỏ,… lẫn trong cái lạnh của đất trời vùng cao.
 
Thời tiết ở Mường Lống mát mẻ quanh năm, nhiệt độ không vượt qua 25 độ C. Ban đêm, trời hơi se lạnh nhưng ban ngày nắng ấp trải xuống khắp thôn bản. Mường Lống nằm trong thung lũng trên đỉnh núi có độ cao khoảng 1.485m so với mực nước biển. Nơi đây vốn nổi tiếng với bạt ngàn hoa mận, hầu như nhà nào cũng có những hàng cây mận bao quanh. Theo lời chị Lầu Y Dếnh, bản Mường Lống 1, Mường Lống, Kỳ Sơn: “Gần Tết, gia đình tôi sửa soạn mọi thứ, từ thực phẩm đến trang trí nhà cửa. Điều rất vui là năm nay có sự sẻ chia của bà con dân bản, gia đình tôi sẽ có một cái Tết thật ý nghĩa”.
 
“Ít ngày nữa thôi, những cánh hoa mận sẽ bung nở, mọi nẻo đường sẽ quyện trong sắc trắng tinh khôi, cả Mường Lống sẽ được thay lớp áo mới trong những ngày xuân về”, chị Lầu Y Dếnh cho biết thêm.
Đây là nơi đồng bào mua bán, trao đổi hàng hóa, đồng thời thể hiện những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình...
 
 
Chị Vừ Y Xê, sinh viên khoa Luật, ĐH Vinh, kể: "Được về vui Tết cùng bà con là điều tôi và các bạn ở Mường Lống luôn háo hức mong chờ".
 
Dân cư sinh sống ở Mường Lống chủ yếu là người Mông. Người dân vốn hiền hòa thân thiện như chính núi rừng nơi đây vậy. Đến với Mường Lống vào ngày chủ nhật, chúng tôi có cơ hội tham gia chợ phiên giao lưu văn hóa Việt - Lào. Ở đó có những sản vật địa phương, những con gà đen, lợn đen, những chén rượu ngô, những quả mận, quả đào chín đỏ được người ta đưa ra mua bán, trao đổi. Hơn hết, đến với những phiên chợ này, du khách như chúng tôi có thể hiểu hơn về bản sắc văn hóa của người dân địa phương qua những trang phục thổ cẩm rực rỡ sắc màu, qua những tiếng chiêng, tiếng khèn và qua cả những nụ cười, ánh mắt trong veo.
 
Nét văn hóa múa khèn tại chợ biên Nậm Cắn
Đến với Mường Lống, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác. Khi rời đi, không ai tránh khỏi cảm giác tiếc nuối. Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, trữ tình, những con người nồng hậu, nếp sống giản dị, mộc mạc như níu chân chúng tôi. Để rồi ai cũng thầm hứa hẹn nhất định sẽ trở lại Mường Lống thêm một lần nữa, để có thể ngắm những cung đường, thôn bản ngập tràn sắc trắng của hoa mận, sắc hồng của hoa đào; để có thể ngắm mặt trời khuất sau những đỉnh núi khi hoàng hôn buông xuống hay tìm hiểu thêm về bản sắc văn hòa của người dân cũng như tham gia những lễ hội dịp đầu Xuân năm mới.
 
Nghe về Mường Lống đã nhiều, một lần đến với nơi đây, quả thực vẻ đẹp của “Sapa Nghệ An” này vẫn khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Hy vọng Mường Lống sẽ ngày càng phát triển nhưng vẫn giữ được những bản sắc riêng!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm