Cứ mỗi dịp Tết đến, bên cạnh dòng người ồ ạt đổ về các nhà ga, bến xe để về quê đón Tết cùng gia đình thì cũng có không ít công nhân “bấm bụng” ở lại ăn tết xa nhà. Bởi lẽ, không phải ai cũng có điều kiện được về quê, đặc biệt với người công nhân, đồng lương eo hẹp khiến họ càng phải cân nhắc nhiều hơn.
1001 lý do không về Tết
Tại Khu lưu trú công nhân – Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Quận Bình Tân, TPHCM) tết năm nay có rất nhiều gia đình công nhân không về Tết. Mặc dù đã 27, 28 Tết nhưng không khí chuẩn bị cho một năm mới của các gia đình vẫn chưa rục rịch.
Gia đình chị Trần Thị Hồng Diễm (quê Quảng Bình) đã 3 năm rồi chưa về quê ăn Tết. Vợ chồng chị đã có với nhau 2 mặt con, đứa lớn 6 tuổi thì gửi ông bà nội ở quê, đứa nhỏ 1 tuổi thì ở cùng anh chị. Mặc dù rất nhớ con, nhớ nhà nhưng vợ chồng chị vẫn không về quê vì điều kiện kinh tế không cho phép. Chị Hồng Diễm chia sẻ: “Từ lúc cưới chồng đến giờ tôi mới về quê được một Tết đầu, rồi mấy năm tiếp theo đều ăn tết ở trong TPHCM. Vợ chồng tôi đợi dịp hè hay có đám đình gì mới về. Ngày Tết tiền tàu xe đắt đỏ chúng tôi không lo nỗi. Không về được nhớ con lắm, buồn lắm nhưng cố chịu chứ không biết làm sao!”
Anh Nguyễn Thanh Lâm, (công nhân Công ty Bao bì Quang Huy, KCN Vĩnh Lộc) chồng chị Diễm tâm sự: “Tôi là con trai trưởng, là chủ tộc nhưng mấy năm rồi không về quê dịp Tết, nhiều họ hàng không hiểu cứ trách. Từ lúc vợ sinh cháu thứ hai đến giờ chưa đi làm lại được, một mình tôi lo toan từ tiền lớn đến tiền nhỏ, vậy nên Tết năm nay chúng tôi dồn tiền để gửi về quê mừng tuổi chứ không về được”.
Còn gia đình chị Trần Thị Sen (quê Nghệ An) thì lựa chọn mùng 10 âm lịch mới về quê. Chị Sen bộc bạch: “Thời điểm này vé tàu xe tăng giá rất cao nên vợ chồng tôi sẽ về sau mồng 10, về để ăn rằm với bố mẹ. Năm ngoái chúng tôi cũng ở lại đón Tết trong đây nhưng tới mùng 1 Tết, không khí trầm lặng quá, nhớ nhà quá đỗi nên quyết định mùng 2 về”.
Chị Sen còn chia sẻ thêm: Để chuẩn bị cho một cái Tết xa nhà, vợ chồng chị chỉ sắm vài món đồ cần thiết và dự trữ thức ăn vừa đủ. Bánh tét, bánh chưng, mứt… chị sẽ nhờ bố mẹ ở quê gửi vào cho có không khí xuân. Bánh trong Miền Nam khá ngọt, không đúng hương vị của quê hương.
Đối với gia đình chị Nguyễn Ngọc Hân, công nhân Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) dù quê ở gần hơn hai gia đình trên nhưng cũng không đủ điều kiện về quê đón Tết. Chị vừa sinh con được gần 3 tháng nhưng con thường xuyên đau ốm. Cháu mắc bệnh viêm phổi và trào ngược dạ dày. Bao nhiêu tiền dành dụm được trong năm, anh chị đổ dồn lo tiền sinh mổ và giờ tiếp tục chữa bệnh cho con. Chị Hân nghẹn ngào: “Bố mẹ hai bên đều trên 70 tuổi cả rồi, ngày nào ông bà cũng mong con cháu về ăn Tết. Quê tôi ở Vĩnh Long nhưng Tết nay không về được, chúng tôi ở trên đây để theo dõi sức khỏe của con và dành tiền gửi về quê”.
Không riêng gì các gia đình công nhân tại Khu lưu trú công nhân – Khu công nghiệp Vĩnh Lộc Khi mà còn rất nhiều công nhân trên địa bàn TPHCM đang tất bật với nhưng lo toan và không về quê sum vầy cùng gia đình. Mỗi người một hoàn cảnh, một lý do khác nhau nhưng khi tiếng hát chào xuân vang lên, nhà nhà người người quay quần bên mâm cơm tất niên thì họ lại cùng chung tâm trạng – “nợ” một cái Tết đoàn viên với bố mẹ.
Tết sớm cho những người xa quê
Nhằm kịp thời chăm lo đời sống vật chất, động viên tinh thần thanh niên công nhân trên địa bàn TP, đặc biệt là thanh niên công nhân xa quê đang sinh sống tại các Khu lưu trú văn hóa trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Với mong muốn mang lại một cái Tết ấm cúng và nghĩa tình cho thanh niên công nhân xa quê, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM tổ chức chương trình “Vui xuân Mậu Tuất cùng công nhân xa quê năm 2018” với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Chương trình văn nghệ vui Xuân; tặng quà trị giá cho thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn; chương trình bốc thăm may mắn, hái lộc đầu Xuân; tư vấn an toàn thực phẩm ngày Tết; sân chơi Xuân dành cho thanh niên công nhân…
Năm nay, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM đã trao 1.255 phần quà (mỗi phần quà trị giá từ 300.000 đến 500.000 đồng) với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng cho các gia đình công nhân. Có thể xem chuỗi hoạt động Tết đầy nghĩa tình này như là món quà mà Trung tâm muốn dành tặng riêng cho thanh niên công nhân xa quê nhằm chia sẻ những khó khăn với họ trong dịp Tết đến xuân về.
Ông Huỳnh Minh Đắc, Bí thư Đoàn Thanh niên khối Doanh nghiệp TPHCM, cho biết: “Cùng với chương trình “Chuyến xe thanh niên công nhân” năm 2018 thì Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM còn tổ chức tặng quà, thăm hỏi, văn nghệ mùa xuân cho những công nhân không có điều kiện về quê. Các hoạt động trên đã góp phần chia sẻ một phần nào nỗi nhớ nhà cho các công nhân, giúp họ có được một cái Tết ấm lòng”.