Xoài là loại trái cây thứ 5 của nước ta chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, sau quả vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa, thanh long. Theo thống kê, diện tích trồng xoài của cả nước khoảng 87.000 ha, sản lượng gần 970 ngàn tấn/năm. Nước ta đứng thứ 13 thế giới về sản xuất xoài nhưng số lượng xuất khẩu vẫn khiêm tốn, nằm ngoài top 10 nước xuất khẩu xoài.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đến nay, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thứ 40 của quả xoài Việt Nam, sau quá trình đàm phán kéo dài tới 10 năm.
Tháng 12/2017, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật - APHIS (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) mới sửa đổi quy định cho phép nhập khẩu trái xoài từ Việt Nam. Ngày 18/2/2019 đánh dấu một bước ngoặt mới cho trái xoài Việt Nam khi chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Theo yêu cầu từ phía Mỹ, xoài muốn được xuất khẩu sang thị trường này phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn khắt khe như điều kiện nhà vườn, đóng gói, xử lý chiếu xạ, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu nhập...
Các chuyên gia APHIS đã xác định xoài Việt Nam có thể được nhập vào Mỹ theo quy trình được phối hợp quản lý có hệ thống từ khâu trồng cho đến đóng thùng, vận chuyển... nhằm bảo đảm trái đạt chất lượng và không còn tồn dư chất bảo vệ thực vật.
Theo ông Hoàng Trung, để xuất khẩu xoài tươi vào Mỹ, các địa phương và doanh nghiệp cần đáp ứng một số yêu cầu như: Vườn trồng, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Cục bảo vệ thực vật và APHIS cấp mã số để quản lý, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
Tại lễ công bố xuất khẩu xoài của Việt Nam sang Mỹ mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định: “Mỹ đưa ra hàng rào kỹ thuật cao và chúng ta đã vượt được rào cản này. Xoài là trái cây có lợi thế, nếu biết khai thác thì dư địa còn rất lớn”. Việc xoài xuất khẩu sang thị trường Mỹ là tin vui cho ngành nông nghiệp và bà con nông dân, khẳng định vị thế của trái cây Việt Nam. Đặc biệt là mặt hàng trái cây đã từng bước nâng cao được chất lượng, mẫu mã, đã đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và điều kiện tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe của thị trường rất khó tính là Hoa Kỳ.
Theo nhiều chuyên gia, các sản phẩm của Việt Nam được phép xuất sang các thị trường khó tính trên thế giới là cả quá trình rất khó khăn; tuy nhiên để giữ được thị trường đó lại là hành trình khó hơn gấp bội. Trước đó đã có nhiều bài học đắt giá như việc ngành tôm tổn thất uy tín nặng nề trên thị trường thế giới bởi nạn bơm tạp chất vào nguyên liệu, làm giảm lòng tin của các thị trường khó tính như Nhật, EU vào mặt hàng tôm Việt Nam.
Còn với trái xoài cũng đã có bài học từ việc xuất khẩu xoài sang Nhật Bản. Tại một hội thảo mới đây, Giáo sư Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, nêu thực tế: Trái xoài Việt Nam xuất sang Nhật được đánh giá cao nhưng sau một thời gian lại có xu hướng giảm số lượng, sức cạnh tranh thấp bởi quả xoài nhanh bị héo vỏ, chín nhanh và dễ thối hỏng.
Trong khi trái xoài vốn là loại quả khó bảo quản nhưng công nghệ bảo quản của Việt Nam lại chưa tốt. Thời gian bảo quản không thể kéo dài khiến chất lượng quả xoài nhanh bị giảm sút.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng hơn cả là Việt Nam chưa có chiến lược phát triển, xúc tiến thương mại mạnh mẽ cho loại trái cây này. Đơn cử, Chính phủ Philippines đã xây dựng hẳn một chiến lược phát triển xoài ra thị trường thế giới, nông dân được hỗ trợ tối đa về giống, kỹ thuật để có được loại xoài ngon nhất, thu mua với giá cao và tạo thương hiệu trái cây của quốc gia.
Còn tại Việt Nam, phần lớn diện tích xoài còn manh mún, hơn 95% diện tích vườn xoài là trồng cây hỗn hợp nên năng suất xoài chưa cao, chất lượng chưa đảm bảo. Đặc biệt là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nếu không được kiểm soát tốt sẽ rất dễ lặp lại “vết xe đổ”, không giữ được thị trường.
Hàng năm, Mỹ phải nhập khoảng gần 400.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ các quốc gia châu Mỹ như Mexico, Peru, Ecuador, Brazil và Guatemala. Việt Nam có thể xuất sang Mỹ khoảng 3.000 tấn xoài tươi, tương đương khoảng gần 1% lượng xoài tươi nhập khẩu của quốc gia này. |