pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xúc động bài thơ về nữ du kích Võ Thị Mô
Cựu du kích Võ Thị Mô chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Khoái sinh năm 1946, là hội viên Hội Văn học Giải phóng, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên, Hội Nhà văn Hà Nội. Là một người từng tham gia quân đội, nhiều bài thơ của ông mang đậm chất lính, bao gồm nhiều bài thơ về đề tài cách mạng, ca ngợi quê hương đất nước, con người.
Thơ của ông dung dị, khiêm nhường như chính những trải nghiệm trong cuộc sống, nhưng cũng sâu sắc như mạch ngầm luôn cuồn cuộn chảy trong tâm hồn một người nghệ sĩ tài hoa. Ông đã xuất bản tập thơ Trăng chiều vào năm 2007 (NXB Hội Nhà văn).
Bài thơ Không nỡ của Nguyễn Khoái khắc họa câu chuyện về lòng trắc ẩn, nhân hậu của một người con gái nhỏ bé, o du kích Võ Thị Mô, trong trận càn có hàng ngàn lính Mỹ và chư hầu tại Củ Chi năm 1966. Năm đó bà mới 21 tuổi.
Không nỡ là bài thơ đạt giải Nhì (không có giải Nhất) ở hạng mục Thơ trong Cuộc thi sáng tác về đề tài phụ nữ của Hội LHPN Việt Nam, trao giải vào tháng 10/2020.
Nhân dịp kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước 30/4, PNVN xin giới thiệu với độc giả bài thơ Không nỡ của tác giả Nguyễn Khoái:
Không nỡ
Trong tầm ngắm của mấy o du kích:
Tốp lính Mỹ đang vui đùa, đang xem ảnh gia đình
Nòng súng lạnh xê đi, xích lại
Bóp cò ư? Không nỡ, thôi, đừng. . .
Sự việc ấy đưa vào cuộc họp
Xét kỷ luật mấy o vì tha mạng quân thù
Mô * chỉ nói một câu rất nhỏ:
"Tôi không nỡ bóp cò khi họ xem thư"
Rồi tin ấy lan truyền trong lính Mỹ
(Có kẻ phản bội của ta chạy về phía quân thù)
Mấy người lính kia giật mình, thảng thốt
Cảm ơn Chúa Trời đã cứu mạng chúng con.
Sau chiến tranh
Một cựu binh Mỹ năm xưa đã cất công đi tìm
Võ Thị Mô trong bạt ngàn rừng Củ Chi xanh thắm
Và Mô bây giờ, một bà già tóc trắng
Tay run run, chân bước chậm hơn
Căn nhà Mô vách lá, trống trơn
Người lính Mỹ nhìn càng ái ngại
Muốn tặng đô la, muốn xây dựng lại
Bà xua tay, đầu lắc, không, không
Bà mỉm cười nhìn mãi phía bờ sông
Mấy bạn gái xưa như ùa về, như ẩn hiện
Bàn chân bà đi đến tàn cuộc chiến
Câu chuyện dài trong nhớ, nhớ quên . . .