pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xúc tiến xin đặt tên Thái sư Lưu Cơ cho đường phố, trường học
Tượng đồng Thái sư Lưu Cơ thờ ở đình Đại Từ (Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên)
Ngày 14/5, tại Hà Nội, Hội đồng Lưu tộc Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu Lưu tộc Việt Nam lần thứ III (nhiệm kỳ 2023 - 2028). Nhân dịp này, nhiều hoạt động đã được tiến hành như: Kỷ niệm 10 năm thành lập Lưu tộc Việt Nam (2013-2023); tôn vinh, tưởng niệm Tướng quân Lưu Cơ - một trong tứ trụ đã phò tá Đinh Bộ Lĩnh bình định 12 sứ quân lập nên Nhà nước tập quyền độc lập, tự chủ đầu tiên của nước ta…
Thái sư Lưu Cơ sinh năm 940 tại trang Tri Hối (nay là thôn Tuy Hối, xã Gia Tân, Gia Viễn, Ninh Bình). Khi Đinh Bộ Lĩnh phất cờ tụ nghĩa ở động Hoa Lư, Lưu Cơ đã cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú sát cánh cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thu giang sơn về một mối. Ông trực tiếp cầm quân đánh dẹp sứ quân Lý Khuê (tức Lý Lãng Công) ở Siêu Loại, Bắc Ninh.
Giáo sư Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trích dẫn từ Đại Việt sử ký toàn thư, khẳng định Lưu Cơ là một trong những khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng thống nhất 12 sứ quân.
Năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong Lưu Cơ làm Thái sư Đô hộ phủ, giao cai quản thành Đại La và quản lý cả vùng Giao Châu cũ (tức Bắc Bộ ngày nay). Vai trò này của ông sánh ngang hàng Phó vương, giúp Đinh Tiên Hoàng cai quản phần đất trọng yếu và giàu có nhất của Đại Cồ Việt.
Thái sư Lưu Cơ cũng có công cai quản "Vựa lúa lớn nhất, cũng là kho người, kho của ở Lĩnh Nam là Giao Châu" (gồm toàn bộ đồng bằng Bắc bộ của nước ta) liên tục 40 năm (971 - 1010), xuyên suốt 3 triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và đầu nhà Lý. Đặc biệt, trong thời Tiền Lê, ông vẫn cai quản Giao Châu và đã huy động sức của, sức người nơi đây giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược năm 981.
Đặc biệt, Lưu Cơ là người đầu tiên biến tòa thành Đại La - trung tâm đô hộ của phong kiến phương Bắc - thành kinh đô của nước Đại Việt độc lập tự chủ. Ông còn là người chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở hạ tầng cho cuộc dời đô của Lý Công Uẩn. Điều này giải thích tại sao chỉ trong một thời gian rất ngắn, triều đình nhà Lý đã có thể di chuyển từ Hoa Lư ra Thăng Long.
Sau đại dịch Covid-19, Hội đồng Lưu tộc Việt Nam đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo khoa học "Vai trò của Thái sư Lưu Cơ trong lịch sử" năm 2022 tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, tạo tiếng vang lớn. Hiện nay, Hội đồng Lưu tộc đang xúc tiến việc xin đặt tên đường phố, trường học Lưu Cơ ở Hà Nội và một số tỉnh/thành; có hình thức vinh danh Thái sư Lưu Cơ tại Hoàng thành Thăng Long...
Phát biểu tại Đại hội Lưu tộc Việt Nam, Giáo sư Vũ Minh Giang khẳng định vai trò lịch sử của dòng họ Lưu đối với quốc gia dân tộc. Ông nhấn mạnh: "Dòng họ Lưu đã có những công thần ghi danh vào lịch sử của dân tộc. Đó là cụ Lưu Cơ đã có công lớn trong sự kiện lịch sử Đức Thái tổ Lý Công Uẩn dời đô và tiến về thành Thăng Long. Thứ hai, cụ Lưu Khánh Đàm, người có mối liên hệ với nhân vật lịch sử là Lý Nhân Tông, là 1 trong 3 nhân vật được thờ tại Văn Miếu - người lập ra Quốc Tử Giám, nhìn ra việc tuyển chọn nhân tài, tổ chức khoa thi đầu tiên, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống. Thứ ba là cụ Lưu Nhân Chú, một trong những người tham gia Hội thề Lũng Nhai, là người đã đề xuất và trực tiếp chỉ huy trận đánh Liễu Thăng, tạo nên điểm nhấn lịch sử".
Theo TS Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cố vấn cấp cao Hội đồng Lưu tộc Việt Nam - việc tổ chức kết nối dòng họ không chỉ đơn thuần hướng tới tập hợp và đoàn kết những người cùng họ, mà thông qua hoạt động ấy phải mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, xã hội, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.