Đó là câu chuyện một gia đình 4 người dừng xe trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai ngày 6/2, trải khăn và mở tiệc ăn uống rồi livestream đã khiến rất nhiều cư dân mạng phản ứng. Đại đa số ý kiến phản đối, bày tỏ sự bức xúc về ý thức tham gia giao thông của một gia đình quá hồn nhiên... coi thường pháp luật, đùa giỡn với tính mạng của chính mình và người khác.
Việc đi ô tô du lịch cho thấy họ có một điều kiện kinh tế ở mức độ khá giả, không những thế, chắc chắn người lái xe phải trải qua quá trình học luật giao thông của kỳ sát hạch giấy phép lái xe, vậy mà họ vẫn hồn nhiên vi phạm. Hơn thế, họ còn hồn nhiên hơn nữa khi khoe hành vi vi phạm của mình trên mạng xã hội.
Vi phạm giao thông có một phần đến từ những người vô ý như mải suy nghĩ không chú ý đèn đỏ, lấn đường hoặc đi quá tốc độ. Tuy nhiên, việc mở tiệc trên đường, đương nhiên đã là hành vi cố ý, đáng buồn hơn nữa họ không chỉ ngang nhiên thực hiện hành vi trong một khoảng thời gian dài và thậm chí khoe hành vi đó như một “thành tích”.
Đã có nhiều tai nạn giao thông xảy ra trên đường cao tốc. Trong đó có những vụ tai nạn khi các xe ô tô phải dừng đỗ vì những lý do nhất định: đó là vụ tai nạn do xe ô tô phải dừng lại đề cảnh sát giao thông xử lý do chạy quá tốc độ xảy ra ngày 19/9/2018, là vụ xe taxi dừng trên đường cao tốc để cấp cứu người bị tai nạn đã bị một xe khác đâm phải ngày 22/11/2018 hay vụ xe cứu hỏa làm nhiệm vụ chạy ngược chiều vừa vào đường cao tốc đã bị xe khách đâm trúng ngày 1/8/2018...
Điều đó cho thấy, tỷ lệ tai nạn giao thông trên đường cao tốc khi các xe dừng đỗ hay di chuyển ngược chiều là rất cao.
Sau khi bữa tiệc kể trên được livestream, rất nhiều cư dân mạng đã bức xúc lên tiếng phản đối. Nhân vật chính, người điều khiển xe ô tô, đã lên tiếng nhận lỗi và xin lỗi. Cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành vi vi phạm của lái xe.
Câu chuyện thứ hai diễn ra ngày 5/2 tại Đồng Nai: người đàn ông đi xe ô tô, sau khi thấy con mình chạy ngang đường thiếu quan sát va vào xe máy, đã lao vào tát người phụ nữ điều khiển xe máy chở con nhỏ phía sau.
Bên cạnh hành vi vi phạm pháp luật khi xâm hại sức khỏe người khác, người đàn ông đó còn cho thấy ý thức tham gia giao thông rất kém cỏi, sẵn sàng đổ lỗi, hành hung người khác khi va chạm xảy ra lỗi thuộc về chính con trai của mình.
Điều này cũng phần nào lý giải vì sao có quá nhiều vụ va chạm đánh nhau đến thương tích, thậm chí là giết người mà nguyên nhân chỉ là những vụ va chạm khi tham gia giao thông.
Trong quá trình tham gia giao thông, rất nhiều người bất chấp quy định của pháp luật, khi có va chạm xảy ra thêm một lần nữa họ không quan tâm đến đúng sai, lập tức đổ lỗi cho người khác và sẵn sàng lao vào ẩu đả.
Tương tự như câu chuyện thứ nhất, sau khi clip được lan truyền trên mạng, cơ quan chức năng đã tìm ra người đàn ông lái xe để xử lý, đồng thời người vi phạm cũng đã đăng clip xin lỗi không chỉ nạn nhân mà cả “anh em” trên mạng.
Xét ở góc độ nào đó, việc đông đảo cư dân mạng bày tỏ thái độ phản ứng với hành vi vi phạm pháp luật cũng cho thấy, phần đông xã hội không chấp nhận những hành vi tương tự. Thái độ của đông đảo người dân, dù qua mạng xã hội, cũng tác động không nhỏ đến người vi phạm khiến họ nhận thức sâu sắc hơn về hành vi sai trái của mình và đưa ra lời xin lỗi.
Những câu chuyện nói trên một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về ý thức của người tham gia giao thông còn quá kém cỏi, góp phần khiến tai nạn giao thông luôn là vấn đề nhức nhối của cả xã hội.
Tai nạn giao thông là hậu quả của nhiều nguyên nhân từ hệ thống cơ sở giao thông chưa xứng tầm, việc quản lý khâu đào tạo, sát hạch lái xe chưa nghiêm ngặt... Tuy nhiên, để khắc phục những vấn đề nêu trên, cần một khoảng thời gian nhất định. Trong khi đó, để thay đổi ý thức khi tham gia giao thông và cũng là giảm tỷ lệ tai nạn giao thông thì mỗi người có thể thực hiện nó ngay từ chính hôm nay.