Yemen: Những lớp học “3 không” ra đời sau nội chiến

Kim Ngọc
09/01/2022 - 14:00
Yemen: Những lớp học “3 không” ra đời sau nội chiến

Những lớp học “3 không” ở Yemen

Bảy năm nội chiến ở Yemen đã dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới: Khoảng 3 triệu trẻ em không thể đến trường, 8,1 triệu trẻ em cần được hỗ trợ giáo dục khẩn cấp.

Trong một lớp học tạm bợ "3 không" ở ngôi làng Hays, tỉnh Hodeidah của Yemen, 50 đứa trẻ ngồi học trên nền nhà, phía trên không mái che, xung quanh không bàn ghế và các em cũng không có bút thước hay tập vở. Mặc dù vậy, các em vẫn là một trong số những học sinh may mắn nhất cả nước vì có giáo viên hướng dẫn và có địa điểm để học tập. Nhiều năm sống trong xung đột khiến những đứa trẻ lên 10 ở Yemen chưa bao giờ được đến trường. Qua những tấm ảnh nhiếp ảnh gia địa phương Khaled Ziad chụp đã phơi bày những thách thức mà trẻ em Yemen đã và đang đối mặt trong việc tiếp cận giáo dục.

3 triệu trẻ em ở Yemen không thể đến trường

Bảy năm nội chiến thảm khốc khiến Yemen rơi vào khủng hoảng nhân đạo tồi tệ với hàng chục nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời và 2/3 dân số sống phụ thuộc vào viện trợ. Các cuộc xung đột ở Yemen vẫn không có dấu hiệu kết thúc. Tương lai của cả một thế hệ ở quốc gia này đang có nguy cơ bị hủy hoại. "Trẻ em phải chịu áp lực rất lớn khi nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Một số trẻ em ở Yemen hiện đã 10 tuổi, nhưng chưa bao giờ có cơ hội học ở bất kỳ trường nào. Nếu gia đình không có tiền mua thức ăn, thuốc men và trả viện phí thì làm sao có thể trang trải chi phí học hành cho con cái", Khaled Ziad, người đã chụp những bức ảnh phơi bày sự thảm khốc của nội chiến lên trẻ em, cho biết.

Yemen: Những lớp học “3 không” ra đời sau nội chiến - Ảnh 1.

Bảy năm nội chiến ở Yemen đã dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới: Khoảng 3 triệu trẻ em không thể đến trường

Liên hợp quốc vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về nạn đói ở Yemen vì không có đủ dữ liệu tin cậy. Tuy nhiên, 16,2 triệu người - khoảng một nửa dân số ở quốc gia này - đang trong tình trạng mất an ninh lương thực, chưa kể đói nghèo biến động khiến 2,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng. Hệ thống miễn dịch yếu cũng khiến dịch tả và sốt xuất huyết dễ bùng phát ở trẻ sơ sinh Yemen. Hầu hết mọi người ở đây đều cho rằng Covid-19 là dịch bệnh ít được quan tâm nhất.

Tuổi thơ của trẻ em Yemen đang ngày càng ngắn đi. Độ tuổi kết hôn trung bình của trẻ em gái ở một số vùng nông thôn là 14 tuổi, ngay cả trước khi xung đột nổ ra và đang dần dần giảm xuống. Trong khi đó, trẻ em trai từ 11 tuổi đã được tuyển chọn để chiến đấu và phục vụ cho các cuộc xung đột.

Năm 2015, khi nhiều gia đình cố gắng chạy trốn khỏi cuộc giao tranh giữa phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn và Lực lượng liên minh Arab nhằm khôi phục chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi, hầu hết trẻ em học đọc viết và làm toán cơ bản ở Hays phải chuyển đi khu vực khác.

Yemen: Những lớp học “3 không” ra đời sau nội chiến - Ảnh 2.

Trẻ em Yemen là đối tượng thiệt thòi nhất khi xảy ra nội chiến

Hy vọng nào cho nền giáo dục ở Yemen?

Theo UNICEF, các bên tham chiến đã tấn công vào trường học ít nhất 231 lần kể từ tháng 3/2015. Năm 2018, chiếc xe buýt chở học sinh ở Yemen đến trại hè bị trúng tên lửa khi đi qua một khu chợ nơi phiến quân Houthi kiểm soát ở trung tâm Saada, khiến 44 trẻ em thiệt mạng và hơn 60 trẻ khác bị thương. "Học sinh không cảm thấy an toàn khi đến trường. Các em không đủ khả năng để mua dụng cụ học tập. Trường học và nhà cửa bị phá hủy. Nhiều năm trôi qua, trẻ em vẫn không có cơ hội để tiếp cận một nền giáo dục thỏa đáng", Ziad nói.

Tiếp cận giáo dục có chất lượng là quyền cơ bản của mọi trẻ em. Xung đột tác động đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của trẻ em, tuy nhiên việc được học tập sẽ mang lại cho trẻ một cảm giác bình thường, ngay cả trong những hoàn cảnh tuyệt vọng nhất và bảo vệ trẻ khỏi nhiều hình thức bóc lột. Đảm bảo trẻ em được đến trường là điều tối quan trọng đối với tương lai của chúng và tương lai của Yemen”.

Ông Philippe Duamelle, Đại diện UNICEF tại Yemen

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là trong vài năm nay, lương công chức ở một số khu vực của Yemen không được trả, đồng nghĩa với việc nhiều giáo viên và bác sĩ vẫn đang tiếp tục làm việc không công. Yemen có khoảng 170.000 giáo viên ở các trường tiểu học và trung học, khoảng 2/3 trong số họ không nhận lương thường xuyên trong hơn 4 năm vì xung đột và chia rẽ địa chính trị. Điều này có thể khiến khoảng 4 triệu trẻ em khác có nguy cơ bị gián đoạn giáo dục hoặc bỏ học do giáo viên không được trả lương sẽ bỏ dạy và tìm công việc khác để nuôi gia đình.

Mặc dù không nhận được lương và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, song Ziad cho biết nhiều giáo viên vẫn tiếp tục dạy học. Nếu rời đi, họ biết rằng thảm họa lớn hơn sẽ xảy ra. Ziad sống ở thành phố Hodeidah gần Hays, và anh hy vọng qua bức ảnh này sẽ giúp thế giới hiểu hơn về bi kịch của Yemen. Anh cũng không ngừng lo lắng về tương lai của cậu con trai 2 tuổi. "Nếu chiến tranh tiếp tục, tôi không nghĩ rằng con tôi hay những đứa trẻ còn lại ở Hodeidah sẽ có tương lai tốt đẹp. Chiến tranh phải kết thúc", nhiếp ảnh gia nói.



Nguồn: Guardian, UNICEF
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm