Yên Bái: Sáng tạo trong vận dụng triển khai nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc tại cơ sở

Thu Hạnh
26/10/2022 - 16:06
Yên Bái: Sáng tạo trong vận dụng triển khai nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc tại cơ sở

Các thí sinh ra mắt Hội thi

Hội thi tìm hiểu nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp năm 2022 là dịp để các cấp Hội phụ nữ tỉnh Yên Bái nêu cao vai trò, vị trí người đứng đầu trong tuyên truyền, triển khai đưa nghị quyết đại hội phụ nữ vào cuộc sống.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ (ĐHĐBPN) toàn quốc lần thứ 13 và Nghị quyết ĐHĐBPN tỉnh Yên Bái lần thứ 16 đã đề ra Phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Yên Bái thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập" góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới và Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" cùng nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp Hội, đặc biệt là vai trò của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở. Chính vì vậy, ngay sau ĐHĐBPN toàn quốc lần thứ 13 và ĐHĐBPN tỉnh lần thứ 16, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tổ chức quán triệt học tập và triển khai tuyên truyền các nghị quyết bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo. Đặc biệt, vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hội thi tìm hiểu nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp năm 2022.

Tại mỗi hội thi, các thí sinh là các cán bộ Hội tham gia 2 phần thi: kiến thức và năng khiếu. Phần thi kiến thức, các thí sinh thể hiện sự hiểu biết sâu rộng về nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp gắn với thực tế triển khai tại địa phương, nhất là những khó khăn, vướng mắc, cách làm hay, sáng tạo đưa nghị đi vào cuộc sống. Phần thi năng khiếu, thông qua những lời ca, tiếng hát, những điệu múa, tiểu phẩm do chính chị em tự biên và biểu diễn nhằm thể hiện sự khéo léo và tài năng của chị em.

Sáng tạo trong vận dụng triển khai nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc tại cơ sở - Ảnh 1.

Phần thi năng khiếu của thí sinh đạt giải Nhất Hội thi - chị Đặng Hoa Xuân, Chủ tịch Hội LHPN phường Hợp Minh (thành phố Yên Bái)

Mỗi cấp Hội đã căn cứ tình hình thực tế tổ chức Hội thi phù hợp, sáng tạo. Đặc biệt, để tiết kiệm thời gian, chi phí, nhiều Hội LHPN các địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức thông qua hình thức sơ loại trực tuyến và thi trực tiếp với hình thức thức sân khấu hóa. Qua đó, có 10 đơn vị tổ chức hội thi cấp huyện với 130 thí sinh đại diện cho 180 cơ sở Hội và tương đương tham gia hội thi theo hình thức sân khấu hóa. Hội thi cấp tỉnh đã ghi nhận một tinh thần trách nhiệm cao và nhiệt tình của 11 thí sinh là những cán bộ Hội tiêu biểu. 

Chị Lù Thị Mú - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải) - là thí sinh trẻ nhất hội thi. Với tinh thần trách nhiệm cao, chị đã vượt 200 cây số mang theo cả con nhỏ 6 tháng tuổi với sự hỗ trợ đắc lực của người chồng đã hoàn thành tốt phần thi của mình. "Có con nhỏ nên tôi cũng phải tranh thủ thời gian vừa chăm con vừa tìm hiểu, chuẩn bị tốt các kiến thức, nội dung liên quan để đến với hội thi. Có vất vả nhưng đây cũng là trách nhiệm và vinh dự của người cán bộ Hội nên tôi luôn cố gắng tốt nhất có thể", chị Lù Thị Mú chia sẻ.

Sáng tạo trong vận dụng triển khai nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc tại cơ sở - Ảnh 2.

Thí sinh Lù Thị Mú - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải)

Qua hội thi, các thí sinh đặc biệt cho thấy những hiểu biết, vận dụng và sáng tạo trong vận dụng triển khai nghị quyết tại cơ sở. Chị Sùng Thị Lử - Chủ tịch Hội LHPN xã Bản Công (Trạm Tấu) - có phần thi kiến thức liên quan tới Điều lệ Hội LHPN Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) được thông qua tại Đại hội ĐHĐBPN toàn quốc lần thứ 13, trong đó điểm mới đặc biệt trong Điều lệ Hội là "Hội viên danh dự cũng có thể là nam giới". 

Chị Sùng Thị Lử cho biết: "Hội viên danh dự cũng có thể là nam giới" là phù hợp với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì nam giới có trình độ, uy tín và khả năng tuyên truyền, vận động ở vùng cao như: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín trong dòng họ... luôn là người đồng hành và tham gia tích cực trong việc triển khai các hoạt động, phong trào của Hội Phụ nữ. Nam giới cũng có nhiều lợi thế hơn phụ nữ trong việc đi lại ở địa bàn vùng cao. Họ sẽ là lực lượng hỗ trợ đắc lực trong các hoạt động, phong trào của Hội. Là cán bộ Hội, tôi cũng sẽ chú trọng thu hút nam giới đồng hành cùng hội viên, phụ nữ trong công tác Hội". 

Sáng tạo trong vận dụng triển khai nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc tại cơ sở - Ảnh 3.

Phần thi kiến thức của chị Hoàng Thị Siêm - Chủ tịch Hội LHPN xã Phù Nham (thị xã Nghĩa Lô) - tại Hội thi cấp tỉnh.

Chị Đặng Hoa Xuân - Chủ tịch Hội LHPN phường Hợp Minh (thành phố Yên Bái) - thuyết trình làm rõ việc triển khai phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, phụ nữ làm kinh tế giỏi, giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ tại địa phương. Xuất sắc giành giải Nhất Hội thi, chị Đặng Hoa Xuân chia sẻ: "Hội thi là dịp để cán bộ Hội cơ sở chia sẻ kinh nghiệm công tác Hội, đồng thời xác định phương hướng, ý chí rèn luyện, trau dồi kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ góp phần cụ thể hóa, đưa nghị quyết của Hội vào cuộc sống".

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Bích Nhiệm đánh giá: "Hội thi là sân chơi lành mạnh, bổ ích nhằm truyền tải sâu hơn, đầy đủ hơn tới các cấp Hội và toàn thể hội viên, phụ nữ về nội dung phong trào thi đua, các cuộc vận động và nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết ĐHĐBPN toàn quôc lần thứ 13, Nghị quyết ĐHĐBPN tỉnh lần thứ 16 đã đề ra; đồng thời đánh giá đúng thực trạng kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ Hội chủ chốt cơ sở và cán bộ, hội viên, phụ nữ cấp huyện, các đơn vị trực thuộc. Đây cũng là dịp để cán bộ Hội nêu cao vai trò, vị trí người đứng đầu trong tuyên truyền, triển khai đưa nghị quyết đại hội phụ nữ vào cuộc sống".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm