Yêu thương trẻ mới nên làm nghề bảo mẫu

Đinh Thu Hiền
23/11/2022 - 14:33
Yêu thương trẻ mới nên làm nghề bảo mẫu

Anh Trương Hoàng Đức, cha của bé Trương Gia H., tới Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM trao đổi với luật sư Trần Thị Ngọc Nữ 

Nếu không đủ sự kiên nhẫn và yêu thương với trẻ em thì nghề bảo mẫu không phù hợp với bất cứ ai.
Lời xin lỗi "đi lạc"

Cô Phan Thuỳ Giang, người sáng lập trường Mẫu giáo Elm School, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, khiến nhiều người bị sốc khi đăng đàn trên trang Fanpage chính thức của nhà trường với lời xin lỗi vì đã bạo hành trẻ. Cô Giang thừa nhận bản thân có hành vi sai trái với các trẻ em. "Tôi đã đánh, xô ngã, tát, xách và ném L; Tôi đã xách và ném C, kéo lê C ở trạng thái quỳ 2 đầu gối ở dưới sàn; Dọa nạt S,X,F; Cầm chổi gõ vào sàn dọa F, dùng thìa gõ vào đầu gối F; Tôi đã đút cơm thô bạo, dùng điện thoại khi cho X ăn, cho X ăn lại đồ ăn đã nhả ra. Bên cạnh đó, tôi đã có hành vi lôi kéo thao túng phụ huynh, lừa dối phụ huynh, bỏ đói các con, để các con khát, nóng…".

Từng lời xin lỗi của cô Giang viết ra, khiến phụ huynh và bất cứ ai đọc được đều phẫn nộ và khó có thể tưởng tượng được. Chúng ta lên án sự dã tâm của cô Giang bao nhiêu thì lại thương xót con trẻ bấy nhiêu. Những em bé non nớt, thể chất cần sự chăm sóc, tinh thần bị phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn. Thương các con còn không hết, sao nỡ xuống tay đánh đập và hành xử với tụi nhỏ ác độc tới vậy.

Cô Giang là một cô giáo chăm sóc trẻ hằng ngày, một nữ doanh nhân sáng lập và kinh doanh trường mẫu giáo. Chắc chắn cô đã từng tham gia các khoá đào tạo nghiệp vụ trong trường mầm non, có bằng cấp, có chứng chỉ. Vậy nhưng vì điều gì mà cô sẵn sàng ra tay bạo hành trẻ không thương tiếc?

Hẳn, là vì sự lương thiện trong con người cô Giang đã không hề tồn tại. Bạn thử hình dung, da dẻ con nít mềm mại đến vậy, ánh mắt trẻ thơ hồn nhiên đến thế. Nói nặng lời với tụi nhỏ trong lúc đang cáu giận đã khiến người lớn day dứt lắm rồi. Đánh đập thô bạo, hành xử ác tâm với con trẻ, chỉ là do không còn tâm thức để khai thông tính Thiện vốn ở sẵn trong con người.

Lời xin lỗi của cô Giang đã "đi lạc" xa lắm. Vì thực sự, cô đâu có sở hữu sự văn minh trong cách sống, cũng hoàn toàn không có nhân tâm của người bảo mẫu. Cô Giang có tiền (bằng chứng là người đủ khả năng kinh tế để sáng lập ra trường mẫu giáo), cô cũng biết nói lời hay ý đẹp (bằng chứng là viết lời xin lỗi rất dài). Cô Giang chỉ là chọn nhầm nghề và nghề bảo mẫu cũng đã chọn nhầm cô.

Tội phạm khoác áo bảo mẫu

Anh Trương Hoàng Đức, cha của bé gái 17 tháng tuổi Trương Gia H., nhắn tin cho tôi nói rằng, bé Gia H. còn nhỏ quá, bị bảo mẫu Nguyễn Ngọc Phượng đánh tới chết như vậy thì bé oan ức lắm. Một tin nhắn chứa đầy nước mắt và nỗi đau của người cha. Thực sự đau xót tận cùng.

Anh Đức và vợ ly hôn. Con gái lớn anh gửi bà nội chăm sóc, con gái nhỏ anh trực tiếp nuôi. Công việc chạy xe ôm công nghệ tất bật ngoài đường đã khiến anh phải tìm nơi gửi con. Biết chỗ Nguyễn Ngọc Phượng có giữ con trẻ dài hạn, anh Đức đã mang bé Gia H. tới gửi với số tiền 5 triệu đồng/tháng, bao gồm cả tã sữa.

Và điều khủng khiếp đã xảy tới. Cách đây 2 tuần, anh đã phải tới bệnh viện để mang xác con gái về lo hậu sự trong sự xót xa cùng cực. Bé Gia H. đã có dấu hiệu bị bạo hành tới chết khi cơ thể bị bầm dập, nhiều tổn thương.

Khai với cơ quan điều tra, bảo mẫu Nguyễn Ngọc Phượng thừa nhận khi giữ bé Trương Gia H., cô ta cảm thấy rất bực bội vì bé thường xuyên khóc lóc. Việc anh Đức không trả tiền đúng hạn cũng khiến cô này khó chịu. Mỗi khi bé Gia H. khóc, Phượng đã dùng tay và cán chổi bằng nhựa đánh vào đầu bé gái. Lần khác, bảo mẫu này dùng bình sữa gõ mạnh vào đầu bé Gia H.

Có ý kiến cho rằng, tâm trạng bực bội dẫn đến cáu giận không kiểm soát được hành vi của bảo mẫu Phượng có thể hiểu được, dù không phải biện minh. Chăm sóc một em nhỏ đã vất vả, thức đêm thức ngày, huống chi vài em nhỏ cùng một lúc. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận và phân tích sự việc một cách khách quan và lý trí hơn. Nhận nuôi các em bé ở tuổi còn nhỏ, Nguyễn Ngọc Phượng coi đây là một nghề mưu sinh. Nhưng làm bảo mẫu là công việc rất đặc thù. Nếu chỉ để mưu sinh đơn thuần thì nghề bảo mẫu không thể đáp ứng cho các tiêu chí đơn giản.

Mưu sinh vốn không bao giờ nhàn hạ, nghề nào cũng vậy. Nghề bảo mẫu còn đặc thù hơn nữa bởi phải chăm sóc cho con trẻ - đối tượng hoàn toàn bị phụ thuộc người lớn vào tất cả sinh hoạt cá nhân. Nếu không yêu thương trẻ, không đủ sự kiên nhẫn và lòng tận tuỵ chăm sóc, thì không thể hoàn thành được công việc khó nhọc này.

Trong nhận thức hạn chế, trong sự bó buộc của cuộc sống nghèo khó, trong cái bức bối, vất vả của nghề, bảo mẫu Nguyễn Ngọc Phượng đã vượt qua lằn ranh để biến việc chăm sóc trẻ nhỏ thành tội ác không thể dung thứ. Nghi phạm đã không thể hình dung hết tất cả trạng thái công việc, nên mất tính kiềm chế, đã bạo hành trẻ khiến bé Gia H. tử vong.

Lẽ ra, Nguyễn Ngọc Phượng đi bán vé số, đi bán hàng thuê… là một công việc khác, không phải là nghề bảo mẫu, thì đã không có án mạng đau đớn này. Và bản thân Phượng cũng không rơi vào vòng lao lý.

Cũng như cô giáo Phan Thuỳ Giang kia, Nguyễn Ngọc Phượng đã chọn sai nghề. Hậu quả của việc chọn sai này nguy hiểm thế nào, chỉ tới khi xảy ra chuyện thì mới thấu.

Tất nhiên, cũng cần lưu ý điều này: nghề bảo mẫu cũng như các cơ sở giữ trẻ cần phải được kiểm soát bởi các cơ quan hữu trách một cách sát sao và có trách nhiệm nhất. Nếu buông lỏng, các vụ án đau lòng vẫn tiếp tục xảy ra và không thể ngừng lại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm