Yêu Trịnh Công Sơn hơn khi xem phim "Em và Trịnh"

Khánh Văn (giáo viên môn Ngữ văn, THPT Bắc Duyên Hà, Hưng Hà, Thái Bình)
24/06/2022 - 14:40
Yêu Trịnh Công Sơn hơn khi xem phim "Em và Trịnh"

Cảnh trong phim "Em và Trịnh"

Những trùng trùng giáo gươm ngôn ngữ trên mạng về bộ phim "Em và Trịnh" không hề sát thương cảm xúc của tôi. Tôi vào rạp cùng với những người bạn trẻ và đồng nghiệp thân quý.

Đến rạp xem phim Em và Trịnh, chúng tôi hứa với nhau rằng gạt ra tất cả những rối rít, xô bồ của thứ ngôn ngữ gần giáo gươm kia nên thật thoải mái khi xem phim.

Dư ảnh của "Hoàng tử bé" trong âm nhạc

Lần đầu tiên tôi biết đến nhạc Trịnh Công Sơn vào năm 1992. Và nghe đến tận bây giờ. Cuộc đời của "người ca thơ" (chữ của Văn Cao) tôi biết được chút ít qua hơn 30 cuốn sách viết về ông. Và dĩ nhiên tôi đã có một Trịnh Công Sơn cho riêng mình.

Đến với Em và Trịnh, tôi không so sánh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngoài đời với hình tượng nhân vật Trịnh Công Sơn trong phim. Đã có quá nhiều người chê phim Em và Trịnh. Đó chính sự là thành công của bộ phim này.

CHÚNG TÔI VÀ TRỊNH - Ảnh 1.

Tác giả Khánh Văn cùng 2 con gái (bên trái) và học trò đi xem phim "Em và Trịnh"

Một bộ phim ra rạp mà không khen, không chê là bộ phim thất bại. Khen hay chê là chuyện hết sức bình thường. Và khen hay chê bao giờ cũng được soi chiếu bởi thái độ người viết. Nhiều ý kiến tỏ ra có kiến thức về điện ảnh, am hiểu về đời tư của Trịnh, không muốn hình tượng Trịnh Công Sơn bị bêu xấu. 

Mặc nhiên, ai cũng có lý do cho sự khen chê của mình. Bạn yên tâm đi, bêu xấu một người bình thường đã không hề dễ, đằng này chẳng ai "đủ tầm" mà bêu xấu hay xuyên tạc được Trịnh Công Sơn. Khi còn sống, ông đi giữa hai lằn đạn mà vẫn đứng vững "về phe nước mắt" (Dương Tường). Ông là ánh sáng, là vẻ đẹp cô đơn tuyệt đối. 

Trong phim có chi tiết ở lá thư cuối cùng gửi Dao Ánh, ông viết rằng ông chỉ cần Ánh thôi, ông sẵn sàng bỏ tất cả để có Ánh trong đời. Chỉ tiếc là lá thư cuối cùng ấy 20 năm sau Dao Ánh mới được đọc! 20 năm lá thư ấy nằm im, lời của Trịnh sống trong câm lặng, Ánh không hề được biết!...

CHÚNG TÔI VÀ TRỊNH - Ảnh 2.

Tác giả đọc tập sách "Thư tình gửi một người" - những bức thư tình viết tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi riêng Ngô Vũ Dao Ánh - Ảnh: Trường Hùng

Cho nên khi trở về Việt Nam, đọc lá thư này, tình cảm mới trỗi dậy trong bước đi phăm phăm đến gặp Trịnh. Cũng y như bước đi phăm phăm của Dao Ánh trước đây xách va li lên tàu từ Huế vào Quán Văn! Gần cuối phim ta mới biết vì sao Dao Ánh đã đi mà không đến! 

Những lời của ông đốc Khánh là những sợi dây trói chặt con gái trước sân ga cho con tàu sầm sập lao qua! Chính sự trỗi dậy tình cảm này của Dao Ánh mà Michiko nhận ra mình chỉ là dòng sông nhỏ, bị sóng đời đẩy lại và không thể lấy cuộc tình này để vá víu cho cuộc tình kia!

Phút cuối trước lễ rước dâu, người con gái Nhật đã ra đi để lại chú rể hụt trong bàng hoàng tê tái! Xem đến đây thấy thương Trịnh Công Sơn vô cùng. Trong ông giằng xé bao tâm trạng đớn đau.

Ca sĩ Khánh Ly không xem phim. Bà có lý do của riêng mình. Bà đã có một Trịnh Công Sơn trong lòng. Bao nhiêu năm ca hát, một người là bóng, một người là hình như bà đã nói, thì đâu cần phải đi tìm Trịnh qua phim ảnh.

Xem phim ta thấy, những nàng thơ trong phim đều đẹp. Diễm, Michiko, Dao Ánh, Khánh Ly... mỗi người một vẻ. Đặc biệt hai nhân vật không nói hoặc rất ít nói nhưng nói được rất nhiều là ca sĩ Thanh Thúy và Diễm. Thế nhưng sẽ không có nhan sắc nào hoàn hảo. 

Vì vậy, đừng kỳ vọng vào sự hoàn hảo của một bộ phim. Cũng đừng mong có một diễn viên sinh ra là để đóng vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông là dư ảnh của một "hoàng tử bé" trong âm nhạc. Sẽ không có bất cứ một diễn viên nào đủ để phóng chiếu chiều kích tâm hồn của một nghệ sĩ tầm vóc như ông trên màn ảnh. Chắc chắn là thế.

CHÚNG TÔI VÀ TRỊNH - Ảnh 3.

Tác giả sưu tầm hơn 30 cuốn sách viết về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Về nghệ thuật của bộ phim, hai trường đoạn diễn xuất của Hoàng Hà có thể nói là đỉnh. Mốc thứ nhất khi Trịnh mang thư đến, từ ánh mắt đến lời thoại đều hướng về Diễm thì Dao Ánh buông ra câu: "Chị Ánh đi Sài Gòn rồi" và khi Trịnh nói: "Khi nào Diễm về thì ...", Ánh lập tức đóng cổng và quay lại dựa lưng vào tường! Sao Trịnh không chú ý đến Ánh? Sao Trịnh lại chỉ nghĩ đến Diễm, nhớ về Diễm? Hoàng Hà đã diễn tả cái ghen của Ánh thật tinh tế và đáng yêu.

Mốc thứ hai, Diễm nhờ Ánh mang tranh và thư trả lại Trịnh. Chi tiết Ánh khen Trịnh vẽ đẹp và bật mí mình đã bọc lại bức tranh cẩn thận rồi mới đưa trả thật đắt ! Trước đó,Trịnh mang tranh đến tặng Diễm khi Diễm đi vắng. Bức tranh ấy ai cũng nhìn rõ. Nhưng Ánh đã bọc lại cẩn thận trước khi đem trả lại Trịnh Công Sơn. Là Ánh chứ không phải là Diễm! 

Trịnh nhận ra sự trân trọng nâng niu của Ánh, nhận ra một phẩm hạnh cao quý của tình yêu! Trong đó, sự trân quý những giá trị con người mới thuộc về tình yêu đích thực! Giây phút đó, Trịnh nhận ra Ánh mới là người mà Trịnh tìm chứ không phải Diễm.

Tôi tin rằng không có ai đang yêu Trịnh Công Sơn mà xem xong bộ phim này không yêu Trịnh Công Sơn nữa.

Chúng ta có tìm thấy mình trong phim này không?

Xuyên suốt 120 phút của bộ phim là nhân vật người nhạc sĩ với những nàng thơ của mình. Dù thời đại khác, không gian sống khác, nhưng tình yêu và nhất là những mối tình dang dở thì bao giờ cũng vậy, luôn để lại trong lòng ta những dư vị tiếc nuối. 

Chúng ta cảm ơn những người phụ nữ, "những dòng sông nhỏ" đã đi qua cuộc đời Trịnh Công Sơn để thắp lên màu nắng, để dệt gấm thêu hoa cho "đóa hoa vô thường" của cuộc đời. Không có những bóng hồng đó, chúng ta làm sao được nghe những nhạc phẩm "thắp nến lên hai hàng" như thế. Cổ điển như Diễm xưa chẳng hạn.

Khi ta trẻ, ta tin vào tình yêu, ngỡ tình yêu là tất cả: "Mai này sỏi đá cũng cần có nhau". Khi đã từng trải trong cuộc đời, đi qua bao mất - còn, buồn - vui, cũ - mới, sướng - khổ của kiếp người, ta sẽ thấy "Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu". Cuối đường, nhìn lại trập trùng những sinh - lão - bệnh - tử lại nhận ra: "Để người phiêu lãng quên mình lãng du". 

CHÚNG TÔI VÀ TRỊNH - Ảnh 4.

Ảnh: Trường Hùng

Tôi tin, các bạn trẻ sẽ thấy mình trong đó, trong nét cười và gương mặt trong sáng của Dao Ánh, trong niềm hực khởi của Ngô Kha, trong cái đáng yêu của những chàng trai cho bạn mượn áo, mượn đồng hồ và tặng luôn cả kính cho một phi vụ ra mắt người đẹp.

Những người thế hệ 50, 60 tuổi khi tới Em và Trịnh sẽ sống lại tuổi trẻ của mình. Tuổi trẻ viết thư tay, chia nhau từng bát cơm, hút chung một điếu thuốc. Tuổi trẻ đi qua chiến tranh với những nỗi ám ảnh kinh hoàng. Đó đủ là nguyên cớ để vào rạp.

Hình ảnh Trịnh Công Sơn hiện ra trong bộ phim rất đẹp. Một nghệ sĩ trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, trong tình yêu vẫn giữ được nhân cách của "một tấm lòng". Trịnh Công Sơn vĩ đại bởi hai lý do. 

Một là với tư thế con người, ông đã tìm mọi cách để đứng giữa vũ trụ trước mọi cơn lốc xoáy của thời cuộc. Hai là, Trịnh đã cắm cột mốc yêu thương vào lòng nhân loại bằng âm nhạc và thi ca: "Mỗi vết thương lành một nỗi vui/ Mắt cười mênh mông giữa đôi bàn tay". 

"Vết thương lành", "nỗi vui", "mắt cười", "đôi bàn tay" đều là sự im lặng, không lời. Từ trên cao xanh, Ông mỉm cười tha thứ cho tất cả.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm