pnvnonline@phunuvietnam.vn
Youtuber tại Hàn Quốc đang bị các cơ sở kinh doanh ăn uống tẩy chay vì nhiều lý do bất ngờ
Những năm gần đây, Youtuber (người chuyên chia sẻ các đoạn clip lên nền tảng Youtube để kiếm tiền) bỗng dưng trở thành một nghề cực kỳ hot được giới trẻ quan tâm.
Riêng tại Hàn Quốc, lĩnh vực nghề nghiệp mới mẻ này hình thành và phát triển nhanh chóng hơn bất kỳ quốc gia nào khác với nhiều hình thức phong phú qua các kênh từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư.
Bằng chứng là các kênh Youtube của người trẻ Hàn Quốc mọc lên như nấm sau mưa. Và tại quốc gia này, không hiếm để chúng ta tìm thấy những Youtuber đang hành nghề ở rất nhiều môi trường, địa điểm khác nhau, từ bảo tàng, quán ăn cho đến các trung tâm thương mại,...
Ban đầu, các Youtuber xứ sở kim chi được nồng nhiệt ủng hộ bởi tính chất thú vị của những đoạn clip do họ sản xuất ra, cũng như là thông qua đó, nhiều cửa hàng, địa điểm vui chơi giải trí được biết đến rộng rãi hơn, thu hút lượng khách hàng dồi dào.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trước sự ồ ạt của những Youtuber, nhiều nơi đã bắt đầu dành cho họ sự “kỳ thị” nhất định, chính xác hơn là cấm các Youtuber hành nghề với những tấm biển thông báo “xua đuổi” không thể nào thẳng thắn hơn. Vậy lý do là gì?
1. Youtuber làm ảnh hưởng đến người khác
Không phải ai cũng thích việc mình vô tình lọt vào ống kính của các Youtuber rồi sau đó được biết đến rộng rãi, cho nên vấn đề các Youtuber quay chụp liên tù tì ở các nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê đã ít nhiều tạo cho các khách hàng khác sự khó chịu nhất định.
Vậy nên, với trách nhiệm của người kinh doanh, chủ nhân của những địa điểm này đành tuyên bố cấm các Youtuber hành nghề để tránh gây ảnh hưởng cho các “thượng đế” còn lại.
2. Youtuber làm ảnh hưởng kinh doanh
Như đã nói ở trên, việc xuất hiện quá nhiều Youtuber hành nghề ở những địa điểm như quán ăn, tiệm cà phê,... đã vô tình khiến nhiều khách hàng khác khó chịu. Mà khó chịu thì hoặc là họ sẽ “một đi không trở lại” hoặc là đánh giá không tốt về nơi đó.
Cứ thế, vô hình trung việc kinh doanh của các địa điểm như trên sẽ bị ảnh hưởng, doanh thu giảm, khách hàng không dám ghé thăm. Để cải thiện điều này không cách nào khác phải cấm Youtuber hành nghề.
3. Youtuber có thể là chiêu bài cạnh tranh không lành mạnh
Không thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng của các Youtuber trên nền tảng chia sẻ video lớn nhất hành tinh. Nhiều cửa hàng vắng khách qua lại, địa điểm ế ẩm người ghé thăm bỗng chốc nườm nượp đôi khi đều nhờ vào các Youtuber.
Ấy thế nhưng với sự phát triển quá mức mà “lương tâm” chẳng ai lường, các Youtuber tại Hàn Quốc ngày nay không ít người còn bị nhiều chủ cửa hàng mua chuộc để đánh giá không tốt về đối thủ của mình.
Ví dụ cửa hàng B mới mở cướp hết khách của cửa hàng A, cửa hàng A tức giận thuê một đội ngũ Youtuber trà trộn vào cửa hàng B quay clip, đánh giá kém nhằm hạ bệ danh tiếng cửa hàng B. Vậy làm cách nào để đề phòng, tất nhiên, cửa hàng A phải ra sách luật cấm Youtuber hành nghề rồi!