pnvnonline@phunuvietnam.vn
10 lưu ý trong chế độ ăn uống bệnh nhân suy giáp cần ghi nhớ
Bổ sung iốt
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, giảng viên Bộ môn Công nghệ Sinh học (Đại học Công nghiệp TP.HCM) cho hay, có nhiều nguyên nhân gây suy giáp, một trong số đó là thiếu iốt. Người bệnh cần tăng cường thực phẩm chứa iốt để giúp tuyến giáp hoạt động đúng với chức năng của nó và cải thiện quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
Bệnh nhân suy giáp bị thiếu iốt có thể chọn thêm muối chứa iốt, ăn nhiều tảo, rong biển và các chất bổ sung iốt khác.
Tuy nhiên, trước khi bổ sung, cần phải xác định xem cơ thể bạn có bị thiếu iốt hay không bằng cách đo iốt trong nước tiểu, iốt trong nước tiểu thấp nghĩa là cơ thể bị thiếu iốt.
Đảm bảo lượng protein
Người bị suy giáp, chức năng đường tiêu hóa cũng giảm, sẽ gây ra tiêu hóa và hấp thu protein kém. Lượng protein không đủ sẽ làm nặng thêm tình trạng suy giáp và hình thành một vòng luẩn quẩn.
Do đó, bệnh nhân bị suy giáp nên cố gắng đảm bảo lượng protein bằng cách ăn nhiều thịt nạc, trứng, thịt gia cầm bỏ da, cá, …
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ
Hormon tuyến giáp có thể thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa. Bệnh nhân bị suy giáp dễ bị táo bón, chướng bụng do nồng độ hormone tuyến giáp thấp và làm chậm nhu động đường tiêu hóa.
Bởi vậy, bệnh nhân suy giáp cần chọn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, như các loại ngũ cốc, khoai lang, khoai tím, rau xanh và trái cây tươi. Nhưng cần tránh các thực phẩm gây bướu cổ, chẳng hạn như bắp cải, sắn…
Chú ý bổ sung thêm sắt
Bệnh nhân bị suy giáp có thể bị thiếu máu do không đủ hormone tuyến giáp gây khó khăn trong việc tổng hợp hồng cầu. Hơn nữa, giảm hấp thu sắt ở bệnh nhân suy giáp có thể làm tăng thêm tình trạng thiếu máu.
Thực phẩm giàu chất sắt tốt cho người suy giáp như thịt nạc, tiết động vật, ... Đồng thời, chú ý bổ sung acid folic, vitamin B12, vitamin C để thúc đẩy quá trình tổng hợp hemoglobin và hấp thu sắt.
Hạn chế chất béo và cholesterol
Suy giáp có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa chất béo trong cơ thể, do đó làm tăng triglyceride và cholesterol máu. Bệnh nhân bị suy giáp thường bị tăng lipid máu, rõ rệt hơn ở bệnh suy giáp nguyên phát. Vì vậy, người suy giáp cần phải hạn chế ăn thực phẩm giàu chất béo và cholesterol.
Thực phẩm giàu cholesterol bao gồm lòng đỏ trứng, bơ, óc động vật,... thực phẩm giàu chất béo bao gồm các loại hạt, nước sốt mè, thịt mỡ... Lượng dầu ăn mỗi ngày cũng nên được khống chế trong vòng 20g, khoảng 2 thìa.
Chú ý lượng muối
Tiêu thụ quá nhiều muối có thể khiến nước và natri ứ lại trong cơ thể và gây tình trạng phù nề.
Do đó, chế độ ăn uống của bệnh nhân suy giáp không nên quá mặn. Ngoài muối, một số thực phẩm chứa nhiều natri không tốt như dưa muối chua, thịt xông khói, nước sốt.
Thực phẩm gây bướu cổ ở bệnh nhân suy giáp
Một số thực phẩm không tốt cho người suy giáp: Các rau họ nhà cải như bắp cải, cải thảo, cải thìa, củ sắn, quả óc chó … vì sẽ gây bướu cổ.
Tránh xa rượu
Uống rượu trong một thời gian dài có thể có tác động lớn đến cơ thể. Ngoài việc làm tổn thương gan và sức khỏe, nó cũng dễ kích thích gây suy tuyến giáp.
Một số thực phẩm làm giảm tác dụng của thuốc chữa suy giáp
Bệnh nhân suy giáp thường phải uống thyroxine, phổ biến nhất là euthyrox. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bưởi, đậu nành, cà phê đặc, sữa … có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ euthyrox.
Do đó, bạn nên uống euthyrox vào buổi sáng khi đói, uống xong nửa tiếng đến 1 tiếng mới ăn sáng và tuyệt đối không dùng sữa, sữa đậu nành để uống thuốc.
Thức ăn cần nấu mềm
Thức ăn nên được nấu chín mềm để phù hợp với chức năng tiêu hóa của bệnh nhân suy giáp, giúp làm giảm cảm giác đau chướng bụng. Ngoài ra, người bị suy giáp không nên ăn các món sống, gỏi.