10 năm chăm chồng ốm là... 10 năm hạnh phúc

17/11/2016 - 21:01
Với nhiều người, không gì cực bằng việc chăm sóc người ốm. Nhưng với chị, hơn 10 năm chăm chồng ốm nặng, dù mọi gánh nặng gia đình, con cái, tiền bạc đều đổ lên đôi vai gầy... thì đó vẫn là những tháng ngày hạnh phúc nhất.

Chị cười nhẹ khi nhớ về anh, người chồng đã quá cố: “Không chỉ tôi hạnh phúc, mà các con tôi cũng vậy. Vì đó là những năm tháng mà cả gia đình nhỏ của tôi được sống bên nhau, sống vì nhau”. Người đàn bà ngoài 40 tuổi tên Nguyễn Thị Hoa (1973), thôn Bắc Bình, xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc ấy có vẻ mặt khắc khổ, dáng gầy xương xương vẫn ánh lên niềm hạnh phúc khi kể về cuộc sống của mình.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất cằn khô Bắc Bình này, là chị cả của 3 em, nên việc học hành cũng dang dở từ sớm, bố mẹ chị chỉ lo nổi cái ăn cho các con. Năm 1995, khi 20 tuổi, chị lên xe hoa với người đàn ông thật thà, chất phác cùng làng.

Gia đình anh càng nghèo khó hơn với 10 anh chị em. Cái ăn chẳng đủ, nên vợ chồng chị cũng như anh chị em trong gia đình đều phải tự bươn chải, ai cũng bắt đầu cuộc sống mới bằng 2 bàn tay trắng.

Vợ chồng chị bảo nhau chăm chỉ làm ruộng, chăn nuôi từng con gà, con lợn để gây dựng kinh tế gia đình và nuôi 2 con nhỏ lần lượt ra đời. Anh thương vợ con nên ngoài làm việc nhà, hễ ai thuê gì anh lại đi làm để bữa ăn của 3 mẹ con có thêm thịt, cá. Nhiều công việc nặng nhọc, anh cũng không nề hà, miễn sao có việc và có tiền công mang về.

Không ngờ, căn bệnh tim bỗng từ đâu ập đến, quật ngã người đàn ông cường tráng như anh chỉ trong vài tháng - đó là đầu năm 2003. Những việc nặng lúc này đều dồn lên đôi vai gầy của chị. Những lúc sức khoẻ anh tạm bình phục, anh lại giúp chị đi thả bò ngoài bìa rừng hoặc ngoài bãi. Nhiều lần anh bị chóng mặt, bị ngất ngoài đường, được bà con giúp đỡ đưa đi cấp cứu, anh lại qua khỏi.

Bác sỹ nói anh phải tái khám và dùng thuốc định kỳ theo chỉ dẫn, nhưng vì thuốc đắt, anh lấy cớ này nọ không chịu đi bệnh viện, cũng không mua thuốc về dùng, vì sợ tiêu hết số tiền tiết kiệm ít ỏi của 2 vợ chồng. Mỗi ngày bệnh của anh một nặng hơn. Chỉ 3 năm sau khi mắc bệnh, đến 2008 anh bị đột quỵ vì kiệt sức. Từ đó anh nằm liệt giường.

Với chị, chăm anh ốm đã quen, nên chẳng khiến chị mệt mỏi hơn. “Mỗi khi đi làm về nhà, nhìn thấy ánh mắt trìu mến, yêu thương, ngóng đợi vợ con về của anh, mệt mỏi của tôi dường như tan hết. Anh chịu khó ăn những gì tôi nấu, bón cho anh và không bao giờ thấy anh kêu đau, dù chỉ 1 tiếng. Các con mới học cấp 2, cấp 3 cũng biết tự thay quần áo, tắm rửa cho bố, chăm bố mỗi khi tôi đi làm về muộn” – chị Hoa nhớ lại. “Nhìn cảnh bố con yêu thương, quấn quýt cười nói, chăm nhau, tôi nhiều lúc cũng trào nước mắt” – chị Hoa kể thêm.

Song, có lẽ vất vả nhất, khiến chị lo lắng nhiều nhất là sau này, bệnh anh nặng hơn.  Chị đưa anh đi bệnh viện và mọi đồ dùng trong nhà có giá trị, chị đã đem bán hết, rồi đi vay mượn khắp họ hàng, làng xóm mà nỗi sợ mất anh cứ đến dần.

Cuối cùng, nỗi lo sợ nhất cũng đến. Anh ra đi rất thanh thản vào đầu năm 2015 khi đang gối đầu lên lòng chị, chỉ để lại 1 câu nhắn sau khi đã cố ngắm kỹ gương mặt của vợ mình với niềm yêu thương vô bờ: “Em cố gắng nuôi các con giúp anh nhé”. 

Cuộc sống của 3 mẹ con chị lúc này bình lặng hơn. Căn nhà nhỏ đơn sơ đã vắng bóng anh, nhưng 2 con của chị đều không phụ công bố mẹ, đều ngoan và học giỏi. Con gái lớn hiện đang học Đại học Y Thái Nguyên, còn cậu út học lớp 12.

Hàng ngày, ngoài làm ruộng, chăn 2 đàn lợn nái, chị lại đi khắp các xã lân cận để thu mua đồng nát. “Mỗi ngày cũng kiếm được 30, 40 ngàn đồng từ thu nhặt đồng nát, cùng với tiền chăn nuôi, khoản nợ của anh ngày ốm, tôi đang trả dần. Tiền các con đi học cũng vẫn còn nợ, nhưng tôi chưa bao giờ thấy mình kiệt sức" - chị Hoa cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm