10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Phương Anh
15/03/2025 - 16:29
10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tại tỉnh Hà Giang được tiếp cận với nguồn vốn chính sách, vươn lên phát triển kinh tế.

Từ khi Chỉ thị 40- CT/TW, đi vào cuộc sống, sự quan tâm và vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước, giúp hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác được tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả.

Làng bánh đa Lộ Cương, một trong những làng nghề lâu đời ở thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) mang đậm nét văn hóa đặc sắc của một không gian làng nghề Việt. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển và mở rộng mạnh mẽ của thành phố Hải Dương. Làng nghề bánh đa Lộ Cương cũng có nhiều thay đổi với những hướng đi, cách làm phù hợp nhằm giữ gìn và phát huy nghề truyền thống. Đồng hành cùng quá trình phát triển của làng nghề, không thể không kể đến nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Phát huy hiệu quả của vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ gia đình đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó nâng cao sản lượng, phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống.

10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW: Không để ai bị bỏ lại phía sau- Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Đồi (cơ sở sản xuất bánh đa sạch Đoàn Giỏi) phát huy hiệu quả kinh tế từ nguồn vốn chính sách

Luôn tay luôn chân cho kịp mọi công đoạn từ ngam gạo, xay gạo, tráng bánh, rồi, cắt, phơi, đóng gói…, bà Phạm Thị Đồi (cơ sở sản xuất bánh đa sạch Đoàn Giỏi) hào hứng kể: Trước đây, gia đình bà làm bánh đa theo phương pháp thủ công bằng tay, bột được xay bằng cối thủ công, tráng bánh trên nồi đồng đun củi rất vất vả và sản lượng thấp. Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH, bà đã đầu tư cải tạo cơ sở sản xuất như máy tráng, máy cắt bánh… nên làm bánh đa đỡ vất vả hơn trước và năng suất lao động cũng được tăng theo. Sản phẩm bánh đa của gia đình đã có mặt ở các cửa hàng, trên TP. Hải Dương và các tỉnh lân cận, bán trên thị trường Hà Nội, miền Nam… Gia đình không chỉ ổn định kinh tế mà đã xây được căn nhà khang trang, rộng rãi.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Hoàng Thị Miến (thôn Yên Lập, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) còn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ những người dân trong thôn, đặc biệt là những hộ khó khăn, trong việc sử dụng vốn vay để phát triển sản xuất, từ đó góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương. Chị Miến cho biết: Năm 2019, chị đã được NHCSXH hỗ trợ vay vốn để triển khai dự án trồng quế với diện tích 4ha. Nguồn vốn vay từ NHCSXH đã được chị sử dụng một cách hợp lý, đầu tư vào việc trồng quế, một cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu của địa phương. Quế không chỉ là cây trồng có giá trị thu hoạch từ lá và cành, mà còn có tiềm năng phát triển lâu dài. Hằng năm, gia đình chị thu hoạch từ việc tỉa lá và tỉa cành quế, đem lại thu nhập ổn định từ 30-40 triệu đồng. Con số này không chỉ giúp cải thiện đời sống gia đình mà còn góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho các chi phí sinh hoạt và đầu tư cho các hoạt động sản xuất khác.

10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW: Không để ai bị bỏ lại phía sau- Ảnh 2.

Chị Hoàng Thị Miến (phải) tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH

Theo đánh giá của NHCSXH huyện Quang Bình, dự án trồng quế của chị Hoàng Thị Miến là một minh chứng rõ ràng cho việc vay vốn từ NHCSXH có thể giúp các hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên ổn định cuộc sống. Chị Miến cũng luôn mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời lan tỏa tinh thần đoàn kết, chia sẻ trong cộng đồng.

Bà Phạm Thị Đồi, chị Hoàng Thị Miến… là những minh chứng cho thấy quyết tâm rất cao của cấp ủy, chính quyền xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương đã mang lại những kết quả khích lệ trên các mặt đời sống kinh tế, văn hóa và trật tự xã hội cho người dân nghèo nông thôn.

10 năm qua, Chỉ thị số 40-CT/TW đã trở thành "kim chỉ nam" cho hoạt động tín dụng chính sách tại các địa phương. Các chi nhánh NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ là "cầu nối" giải ngân tín dụng của Chính phủ mà còn là "đòn bẩy" thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng - người dân - chính quyền trong công cuộc đẩy lùi đói nghèo, phát triển bền vững. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW đã góp phần tích cực trong việc mở rộng, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhất là những vùng nghèo, vùng khó khăn… Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc, phát huy tốt vai trò trách nhiệm, quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ cơ sở vật chất, nguồn vốn nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Đặc biệt, từ khi thực hiện Chỉ thị 40- CT/TW, hằng năm, chính quyền các cấp đã quan tâm nâng số tiền ủy thác chuyển qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác. Sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước.

10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW: Không để ai bị bỏ lại phía sau- Ảnh 3.

Hệ thống ngân hàng CSXH triển khai dịch vụ Mobile Banking với giao diện dễ sử dụng, mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng

Tiếp tục phát huy chính sách xã hội đặc thù trong tình hình mới

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã góp phần giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức sâu sắc hơn về vai trò chủ lực, trụ cột của tín dụng chính sách xã hội trong giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội được nâng lên; xác định đây là một trong những nội dung công tác thường xuyên; từ đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các ngành đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, nhằm đưa vốn chính sách đến người dân nhanh nhất, hiệu quả nhất, hệ thống ngân hàng CSXH đã và đang từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động, như: Triển khai phần mềm ứng dụng Core Banking với Intellect Offline hỗ trợ giao dịch tại điểm giao dịch xã; Thu nợ, thu lãi thông qua tài khoản tiền gửi thanh toán; Thực hiện dịch vụ Mobile Banking với giao diện dễ sử dụng, mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng, thực hiện các giao dịch 24/7 nhanh chóng.

Lãnh đạo NHCSXH cũng xác định: Trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục biến đổi phức tạp, khó lường; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen đã tác động và ảnh hưởng trên nhiều mặt đến đất nước. Do đó, vấn đề đặt ra đối với tín dụng CSXH là tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả mô hình và phương thức quản lý vốn tín dụng CSXH đặc thù, phù hợp thực tiễn đất nước và của tỉnh, với mục tiêu phấn đấu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do ngân hàng CSXH cung cấp.

Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến hết 31/12/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH 46.873 tỷ đồng và tăng 11.506 tỷ đồng so với năm 2023, đưa tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 50.681 tỷ đồng.

Trong đó, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 2.141 tỷ đồng tại 20 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố.

Điển hình một số chi nhánh nhận nguồn vốn ủy thác từ địa phương lớn trên 1.000 tỷ đồng kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW như: TP.Hà Nội: 8.834 tỷ đồng, TP.Hồ Chí Minh: 7.351 tỷ đồng, Bình Dương: 2.207 tỷ đồng, TP.Đà Nẵng: 2.163 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu: 1.620 tỷ đồng, Quảng Ninh: 1.502 tỷ đồng, Đồng Nai: 1.446 tỷ đồng, Vĩnh Phúc: 1.047 tỷ đồng.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm