10 sự kiện y tế được chú ý nhất năm 2017

28/12/2017 - 14:51
Việt Nam chuyển trọng tâm chính sách dân số; dịch sốt xuất huyết tấn công Hà Nội; nhiều người tử vong khi chạy thận… là những sự kiện thuộc lĩnh vực y tế được chú ý nhất năm 2017.
1. Ghép thận chéo

Ngày 11/1, BV Chợ Rẫy (TP.HCM) lần đầu thực hiện thành công ca ghép thận trao đổi chéo, cứu sống hai cô gái được người thân hiến thận. Theo đó, một cô gái ở Kiên Giang bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Người duy nhất trong gia đình có đủ điều kiện để hiến thận là bố dượng. Tuy cùng nhóm máu, nhưng bệnh nhân lại có một kháng thể kháng lại HLA của người hiến.

Bệnh nhân thứ hai là cô gái 32 tuổi ở Đắk Nông, bị suy thận mạn giai đoạn cuối và được mẹ ruột hiến thận. Dù mẹ con có cùng nhóm máu nhưng có một kháng thể dương tính với nhau, không thể tiến hành ghép.

Sau khi được các bác sĩ giải thích, 2 người hiến thận đã đồng ý hiến để ghép chéo cho các bệnh nhân. Nhờ đó, các bác sĩ đã thực hiện thành công ca ghép thận chéo. Đây là lần đầu Việt Nam thực hiện ghép thận trao đổi chéo thành công.
img-0261-1-1486457573208.jpg
Hai cô gái được ghép thận chéo khỏe mạnh sau phẫu thuật

2. Ghép phổi thành công từ người hiến tặng còn sống

Tháng 2/2017, các bác sĩ BV Quân Y 103 (Học viện Quân y) đã thực hiện thành công ca ghép phổi từ người hiến còn sống. Theo đó, bệnh nhi H. (7 tuổi, ở Hà Giang) bị giãn phế quản bẩm sinh, suy hô hấp, được bố 28 tuổi và bác ruột mỗi người tặng một phần phổi để tạo thành hai lá phổi cho con. Ca ghép diễn ra ngày 21/2 do các bác sĩ BV Quân y 103 phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Sau ca ghép, sức khỏe của bệnh nhi tiến triển tốt.
 
3. Chuyển trong tâm chính sách Dân số

Trước tình trạng giá hóa dân số, Hội nghị TƯ VI đã ra Nghị quyết về “Công tác dân số trong tình hình mới”. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số. Coi công tác dân số và phát triển là nhiệm vụ của toàn dân; đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững; vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

4. Đấu thầu thuốc quy mô quốc gia

Tháng 9/2017, Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia đã tiến hành đấu thầu mua sắm thuốc tập trung đầu tiên với giá trị thầu 2.600 tỷ đồng. Trong hơn 20 thuốc được đấu thầu tập trung lần đầu tiên, giá đã giảm rất nhiều so với giá thuốc tương tự được các BV mua năm 2016.

Tính chung cả gói thầu giá giảm trên 20%, khiến giá trị gói thầu giảm từ 2.600 tỷ đồng xuống còn hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương giảm trên 590 tỷ đồng. Sau khi kết quả phê duyệt trúng thầu được công bố, Cục Quản lý Dược sẽ tiếp tục xây dựng danh mục thuốc mới cho Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia tổ chức đấu thầu tập trung.

5. Kỹ thuật mới điều trị vô sinh

Năm 2017, BV Phụ sản TƯ đã nghiên cứu và áp dụng thành công kỹ thuật “Nong vòi tử cung bằng catheter qua nội soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng”. Kỹ thuật này sẽ giúp những phụ nữ bị tắc vòi tử cung đoạn kẽ không cần phải thụ tinh trong ống nghiệm mà vẫn có thể mang thai.

Theo các bác sĩ, bệnh lý vòi tử cung là nguyên nhân thường gặp nhất và chiếm từ 25% đến 35% những trường hợp vô sinh nữ. Trước đây những bệnh nhân bị bệnh lý vòi tử cung phải thực hiện các phương pháp như nội soi, tạo hình tử cung. Tuy nhiên, khi xử lý tắc tử cung đoạn kẽ gặp nhiều khó khăn.

Kỹ thuật này có nhiều ưu điểm so với các phương pháp khác. Cụ thể, hiệu quả tốt trên bệnh nhân vô sinh do tắc đoạn gần vòi tử cung; ít xảy ra những biến chứng như thủng vòi tử cung, chảy máu, viêm phúc mạc sau nong. Thời gian thực hiện thủ thuật ngắn, chỉ chừng 30 phút đến 1 tiếng. Đặc biệt, bệnh nhân không phải thực hiện kỹ thuật IVF nữa.

6. Liên thông kết quả xét nghiệm

Từ ngày 1/8, Bộ Y tế thí điểm thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm tại 38 BV TƯ, sau đó từng bước mở rộng, xây dựng các danh mục xét nghiệm.

thinghiem1.jpg
Việc các BV liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm của nhau khiến bệnh nhân tiết kiệm được thời gian, tiền bạc

 

Theo lộ trình chậm nhất đến năm 2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc BV hạng đặc biệt, hạng 1 và tương đương. Đến năm 2020 liên thông với các phòng xét nghiệm có cùng mức chất lượng trong phạm vi quản lý thuộc mỗi tỉnh, thành. Năm 2025 sẽ liên thông phạm vi toàn quốc. Việc các BV liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm của nhau khiến bệnh nhân tiết kiệm được thời gian, tiền bạc.

7. Tai biến chạy thận làm 8 người tử vong

Ngày 29/5, theo lịch trình, 18 bệnh nhân đến BV Đa khoa Hòa Bình chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, khi đang chạy thận, cả 18 người có biểu hiện sốc phản vệ nên được cấp cứu nhưng 8 người đã tử vong. Kết quả điều tra cho thấy, nguyên nhân xảy ra tai biến là do nguồn nước, các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Sở Y tế Hòa Bình cũng đã cách chức Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình.
chy-thn.jpg
Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân vụ tai biến chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình.

  

8. Sốc nhiễm khuẩn khiến 4 trẻ sinh non tử vong cùng thời điểm

Sáng ngày 20/11, 4 trẻ sinh non đang điều trị tại BV Sản Nhi Bắc Ninh bất ngờ tử vong khiến dư luận bàng hoàng. Ngay sau đó, Hội đồng chuyên môn đã xác định nguyên nhân 4 trẻ tử vong do sốc nhiễm khuẩn. Sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế Bắc Ninh đã tạm dừng hoạt động của đơn nguyên sơ sinh, di chuyển hơn 90 trẻ sinh non đang điều trị tại đây đến các BV ở Hà Nội. Đồng thời, BV cũng đã đình chỉ công tác các nhân viên y tế tham gia ca trực để tường trình. Hiện cơ quan chức năng vẫn tiếp tục điều tra, làm rõ.

9. Dịch sốt xuất huyết tấn công Hà Nội

Năm 2017, lần đầu tiên dịch SXH bùng phát nhanh và kéo dài tại Hà Nội. Dịch bắt đầu từ tháng 5 và bùng phát mạnh mẽ vào tháng 7, tháng 8. Dịch lan nhanh gấp 700 lần so với cùng kỳ năm trước làm gần 25.000 người mắc, trong đó 7 người tử vong. Các BV tại thủ đô quá tải. Hà Nội phải nhờ các tỉnh lân cận chi viện máy phun hóa chất diệt muỗi công suất lớn và nhân lực hỗ trợ phòng chống dịch. Đến cuối tháng 11, dịch mới cơ bản được không chế.

bv-nhiet-doi-trung-uong_101013515.jpg
Dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Hà Nội đã làm 7 người chết, các BV quá tải

10. Vụ án VN Pharma

Năm 2017, cơ quan chức năng đưa vụ án nhập lậu thuốc xảy ra tại Công ty VN Pharma ra xét xử. Theo kết quả điều tra, Công ty VN Pharma bị cơ quan điều tra xác định đã làm giả hồ sơ nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg chữa ung thư từ nhà sản xuất Helix Pharmaceuticals Inc., Canada và được Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu. Vụ án được xét xử vào giữa tháng 8, cựu Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị tòa tuyên 12 năm tù về tội buôn lậu. Trong phiên xử phúc thẩm cuối tháng 10, tòa tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, điều tra lại, bắt bị can tại tòa. 

Sau khi vụ án được xét xử, Thanh tra Chính phủ đã quyết định thanh tra Cục Quản lý Dược. Hiện tại, Thanh tra Chính phủ vẫn chưa công bố kết quả thanh tra tại cục này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm