10 tình trạng ở bàn tay có thể là triệu chứng tiềm ẩn của bệnh

Vân Anh
06/03/2024 - 14:27
10 tình trạng ở bàn tay có thể là triệu chứng tiềm ẩn của bệnh
Bàn tay có thể tiết lộ các tình trạng sức khỏe như bệnh tim, bệnh Raynaud, bệnh vẩy nến, dị ứng niken,...

Hình dạng bên ngoài, màu sắc hay bất kì điều bất thường nào ở bàn tay đều có thể là dấu hiệu cảnh báo những tình trạng sức khoẻ tiềm ẩn nào đó. Dưới đây là 10 tình trạng ở bàn tay mà mọi người nên lưu ý:

1. Phát ban đỏ

Phát ban là sự kích thích hoặc sưng tấy ở các vùng trên cơ thể. Phát ban thường ngứa, đau và có thể xuất hiện khác nhau trên các tông màu da khác nhau.

Phát ban do rất nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng do vi khuẩn, nhiễm virus, tiếp xúc với các chất gây dị ứng,... Trong đó, phát ban đỏ trên bàn tay hoặc cổ tay có thể là dấu hiệu của dị ứng niken, đôi khi phát ban phát triển thành mụn và rỉ nước.

Nhiều vật dụng hàng ngày bạn tiếp xúc có thể chứa niken như vòng tay, đồng hồ, nhẫn và điện thoại di động. Bạn cũng có thể bị phát ban ở tay do ăn thực phẩm có chứa niken như kiều mạch, hạt điều, bột ca cao, cam thảo, các sản phẩm từ đậu nành (như nước tương, đậu phụ và đậu nành).

10 tình trạng ở bàn tay có thể là triệu chứng của bệnh tiềm ẩn- Ảnh 1.

Phát ban đỏ kèm theo mụn rỉ nước là dấu hiệu của dị ứng niken (Ảnh: Internet)

2. Ngón tay dùi trống

Ngón tay dùi trống là một biến dạng của móng tay, tình trạng này thường xảy ra với bệnh tim hoặc phổi nếu có ít oxy trong máu. Ví dụ như ung thư phổi, viêm nội tâm mạc và dị tật tim bẩm sinh. Ngoài ra, những người có các vấn đề về nội tiết, xơ gan, viêm loét đại tràng cũng có thể xuất hiện triệu chứng ngón tay dùi trống.

Các triệu chứng ngón tay dùi trống bao gồm:

- Giường móng tay mềm và có cảm giác xốp

- Móng tay lồi lên thay vì bám chắc vào ngón tay

- Góc giữa móng tay và lớp biểu bì biến mất

- Giường móng tay màu đỏ, ấm áp

- Móng tay cong xuống trông giống như phần đầu tròn của chiếc thìa

3. Đau tay, cứng và sưng

Các bệnh viêm nhiễm khác nhau có thể là nguyên nhân nếu bàn tay của bạn bị đau và viêm, chẳng hạn như:

- Viêm da cơ: đây là một bệnh về da và cơ hiếm gặp. Ngoài sưng khớp, bệnh có thể gây phát ban và yếu cơ. Nguyên nhân gây viêm da cơ chưa được biết rõ, nhưng các yếu tố như di truyền và môi trường dường như có liên quan.

- Bệnh viêm ruột: bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Ngoài việc gây viêm đường tiêu hóa, viêm ruột có thể gây đau và sưng khớp. Cơn đau và sưng tấy có nhiều khả năng ảnh hưởng đến các khớp lớn như khuỷu tay, cổ tay, đầu gối, mắt cá chân hoặc cột sống.

- Viêm khớp vảy nến: đây là một bệnh viêm mãn tính ở khớp với các triệu chứng như sưng khớp đi kèm với da khô, đỏ và bong tróc. Viêm khớp vảy nến có thể gây tổn thương da ít hơn nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến khớp. Viêm khớp vẩy nến thường xuất hiện ở độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi, thường là khoảng 10 năm sau khi bệnh vẩy nến xuất hiện.

- Viêm khớp dạng thấp: tình trạng này có triệu chứng tương tự như viêm khớp vẩy nến nhưng không có tổn thương da. Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay, bàn chân, cột sống cổ và hàm. Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp có thể là sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ như di truyền, yếu tố môi trường và phản ứng miễn dịch bất thường.

10 tình trạng ở bàn tay có thể là triệu chứng của bệnh tiềm ẩn- Ảnh 2.

Đau, cứng và sưng ở tay thường liên quan đến viêm khớp (Ảnh: Internet)

4. Run tay

Run tay thường không nguy hiểm nhưng đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh thần kinh.

Bạn có thể bị run tay khi xỏ kim, để tay trong không gian mà không có vật bám trụ, tình trạng này có thể trở nên rõ ràng hơn nếu bạn bị thiếu ngủ, uống quá nhiều caffein, dùng một số loại thuốc hoặc đang cai rượu. Hay bạn cũng có thể bị run tay vô căn thường do di truyền. Run tay trong trường hợp này thường không có gì đáng lo ngại.

Tuy nhiên, có nhiều cơn run tay liên quan đến bệnh tật. Ví dụ, chứng run Parkinson xảy ra với bệnh Parkinson - một chứng rối loạn thần kinh gây tổn thương các tế bào trong não. Run Parkinsonia thường liên quan đến một tay. Sự run rẩy xảy ra khi bàn tay ở trạng thái nghỉ ngơi.

5. Tay tê hoặc ngứa ran

Có rất nhiều lý do gây tê tay và ngứa ran. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy ngứa ran hoặc run rẩy tạm thời nếu lên cơn hoảng loạn. Tuy nhiên, nếu bạn thường cảm thấy tê, ngứa ran tay như bị kim châm chích - đây có thể là dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay.

Hội chứng ống cổ tay thường phát triển chậm. Ban đầu bạn có thể chỉ gặp các triệu chứng nhỏ và có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Các triệu chứng hội chứng ống cổ tay khác bao gồm:

- Tê ở cổ tay, bàn tay hoặc ngón tay (đặc biệt là đầu ngón tay).

- Đau ở cổ tay , bàn tay hoặc ngón tay.

- Ngứa ran.

- Khó sử dụng tay để giữ hoặc điều khiển đồ vật (chẳng hạn như cầm điện thoại, nắm chặt vô lăng, cầm bút hoặc gõ trên bàn phím).

Một lưu ý cảnh báo đó là bất kỳ tình trạng tê hoặc yếu đột ngột nào (ở cánh tay hoặc bàn tay) đều có thể là dấu hiệu của đột quỵ. Vì vậy, nếu cảm giác tê tay chân kèm theo mất thăng bằng, khó nhìn hoặc nhìn đôi, lú lẫn, đau đầu dữ dội, mất ngôn ngữ tạm thời thì bạn nên gọi cấp cứu ngay.

10 tình trạng ở bàn tay có thể là triệu chứng của bệnh tiềm ẩn- Ảnh 3.

Thường xuyên tê tay hoặc ngứa ran có thể là dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay (Ảnh: Internet)

6. Ngón tay màu tím

Đầu ngón tay sưng đỏ hoặc tím, đau thì có thể là dấu hiệu của viêm nội tâm mạc. Đây là một căn bệnh nghiêm trọng nhưng hiếm gặp, gây viêm niêm mạc tim. Viêm nội tâm mạc cũng có thể gây chảy máu dưới da lòng bàn tay, để lại những vết đỏ không đau.

Các dấu hiệu và triệu chứng khác bệnh nội tâm mạc có thể gồm:

- Xuất hiện vùng bị chảy máu dưới móng tay và móng chân (hiện tượng xuất huyết mảnh).

- Xuất hiện các nốt đỏ không đau trên lòng bàn tay và lòng bàn chân (gọi là tổn thương Janeway).

- Da, tròng trắng mắt hoặc miệng nổi đốm đỏ màu tím

- Khó thở.

- Ho dai dẳng.

- Giảm cân không rõ nguyên nhân.

- Bàn chân, cẳng hoặc bụng bị sưng

Viêm nội tâm mạc thường do nhiễm khuẩn nhưng cũng có thể do nhiễm nấm. Bạn có thể có nhiều khả năng mắc viêm nội tâm mạc hơn nếu bạn mắc một số bệnh về tim, hệ thống miễn dịch suy yếu và sức khỏe răng miệng kém.

7. Vảy đỏ hoặc mụn đầy mủ

Khi xuất hiện vảy đỏ hoặc mụn mủ ở bàn tay thì có thể đây là triệu chứng của bệnh vảy nến. Đây là một tình trạng tự miễn dịch mãn tính gây ra các mảng da đỏ dày và vảy bạc. Tổn thương da có thể xuất hiện trên bàn tay hoặc móng tay. Đôi khi bệnh vảy nến có thể đi kèm với mụn nước chứa đầy mủ, dẫn tới tình trạng nứt nẻ da và đau đớn. Những thay đổi về móng như rỗ , vỡ vụn, dày lên, đổi màu hoặc tách móng ra khỏi nền móng cũng có thể xảy ra.

10 tình trạng ở bàn tay có thể là triệu chứng của bệnh tiềm ẩn- Ảnh 4.

Triệu chứng của bệnh vảy nến là có các vảy đỏ, mụn mủ, nứt nẻ (Ảnh: Internet)

8. Ngón tay cò súng (ngón tay bật)

Ngón tay cò súng được gọi là viêm bao gân hẹp, tình trạng này xảy ra khi ngón tay của bạn bị cứng, khó uốn cong và duỗi thẳng nó. Nếu cố gắng duỗi ra, chỗ bao gân hẹp sẽ phát ra tiếng bật và gây đau. Ngón tay cò súng ảnh hưởng nhiều nhất đến ngón đeo nhẫn hoặc ngón cái.

Ngón tay cò súng xảy ra khi gân - một cấu trúc giống như sợi dây nối xương với cơ hoặc đường hầm mà nó chạy qua bị viêm. Tình trạng viêm đó khiến gân khó cử động.

Bất cứ ai cũng có thể gặp tình trạng ngón tay cò súng. Tuy nhiên, ngón tay cò súng phổ biến hơn ở những người có tình trạng sức khỏe như: bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh tuyến giáp.

9. Tay cầm yếu

Tay cầm yếu là một phần của quá trình lão hoá. Ngoài một số thay đổi khác trong cơ thể, mất khối lượng cơ bắp là một phần của việc già đi, điều này khiến tay của bạn yếu hơn.

Ngoài ra, tay cầm yếu cũng có thể liên quan đến bệnh tim mạch. Bằng chứng cho thấy cách cầm tay mạnh hơn có thể cho thấy chức năng và cấu trúc tim khỏe mạnh.

Nhìn chung, bạn không thể ngăn chặn một số tác động của lão hóa, nhưng bạn có thể làm giảm một phần tốc độ lão hoá. Điều quan trọng là lối sống. Để làm chậm những thay đổi liên quan đến tuổi tác, bạn nên tập thể dục thường xuyên, ăn thực phẩm lành mạnh, hạn chế rượu và tránh thuốc lá.

10 tình trạng ở bàn tay có thể là triệu chứng của bệnh tiềm ẩn- Ảnh 5.

Tay cầm yếu có thể cảnh báo về vấn đề sức khoẻ tim mạch (Ảnh: Internet)

10. Ngón tay trắng, xanh hoặc đỏ

Bạn có thể mắc bệnh Raynaud nếu ngón tay của bạn mất màu và sau đó chuyển sang màu xanh khi bạn lạnh hoặc căng thẳng. Hiện tượng này có thể khiến các mạch máu ở tứ chi bị thu hẹp, dẫn đến mất lưu lượng máu tạm thời. Nó thường ảnh hưởng đến ngón tay và ngón chân của bạn.

Bệnh Raynaud cũng có thể khiến ngón tay của bạn cảm thấy tê, lạnh hoặc đau. Khi lưu lượng máu tiếp tục, các ngón tay của bạn có thể đau nhói hoặc ngứa ran và chuyển sang màu đỏ.

Bệnh Raynaud thường không rõ nguyên nhân nhưng bệnh có thể do di truyền và có nhiều khả năng xuất hiện ở những người thuộc giới tính nữ ở độ tuổi thiếu niên đến 30 tuổi.

Một số bệnh lý cũng có thể dẫn tới bệnh Raynaud nhưng ít phổ biến hơn như hội chứng ống cổ tay, rối loạn đông máu, viêm cơ, lupus, viêm khớp dạng thấp, rối loạn tuyến giáp.

Một số loại thuốc có thể gây ra các triệu chứng tương tự hoặc làm cho tình trạng bệnh Raynaud trở nên trầm trọng hơn, chẳng hạn như thuốc điều trị huyết áp cao, đau nửa đầu và rối loạn tăng động/giảm chú ý.

Nguồn: Health
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm