pnvnonline@phunuvietnam.vn
105.773 cuộc tuyên truyền cho hơn 8,2 triệu hội viên phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh
Hội LHPN Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, khơi dậy tinh thần doanh nhân, khát vọng làm giàu cho hội viên phụ nữ
Ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 939/QĐ - TTg về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (Đề án 939) với mục tiêu nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp; thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh.
Ba năm qua, nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, khơi dậy tinh thần doanh nhân, khát vọng làm giàu cho hội viên phụ nữ, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền về Đề án, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế; tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp… trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bản tin Phụ nữ tỉnh và website của Hội, phát trên loa truyền thanh của xã/thôn, tuyên truyền trực tiếp thông qua các hội nghị/hội thảo/tọa đàm/diễn đàn…
Nhiều mô hình truyền thông dành cho đối tượng phụ nữ đặc thù, phụ nữ yếu thế
Tại cấp trung ương, đã thực hiện 10 mô hình truyền thông điểm tại các tỉnh/thành đại diện cho các vùng miền, chú trọng ưu tiên đối tượng phụ nữ đặc thù, phụ nữ yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS).
Đó là: mô hình truyền thông và đối thoại về chính sách khởi nghiệp cho phụ nữ DTTS; truyền thông về khởi nghiệp cho phạm nhân nữ, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng; Truyền thông sách khởi nghiệp và phát triển bền vững; truyền thông về khởi nghiệp cho phụ nữ trên 35 tuổi; truyền thông, tập huấn về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nhóm đối tượng yếu thế; Mô hình triển lãm tuyên truyền, giới thiệu với cộng đồng về phụ nữ khởi nghiệp; Truyền thông về khởi nghiệp trong nữ học sinh sinh viên; mô hình truyền thông của Báo Phụ nữ Việt Nam; truyền thông lan tỏa thông qua đào tạo huấn luyện viên cấp tỉnh/thành…
Các mô hình này đã tác động tới từng đối tượng cụ thể với những phương thức, nội dung phù hợp. Như với phụ nữ DTTS, được truyền thông qua những phiên chợ vùng cao; xây dựng các video clip phiên dịch ra tiếng Mông, Thái, Ê Đê, Ba Na, Khmer.
Với phụ nữ trên 35 tuổi, nội dung truyền thông giúp chị em hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao tay nghề và sẵn sàng chấp nhận việc chuyển đổi nghề trước xu hướng hội nhập.
Với chị em phụ nữ phạm nhân trong trại giam giúp chị em hạn chế mặc cảm, tư ti, tự vươn lên để làm lại cuộc đời thông qua khởi sự kinh doanh.
Với nữ học sinh sinh viên cần có định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng, khuyến khích tự tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng…
Tổ chức nhiều mô hình truyền thông trên diện rộng
Các mô hình truyền thông trên diện rộng của Báo Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ, Bảo tàng Phụ nữ đã truyền cảm hứng thông qua những câu chuyện về khởi nghiệp từ những nữ thanh niên đến phụ nữ cao tuổi ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa… Trên cơ sở đó, đã đúc rút những bài học thành công cũng như thất bại trong quá trình khởi nghiệp kinh doanh.
Bên cạnh đó, Trung ương Hội còn phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Thông tấn và Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng và phát sóng 16 phóng sự, trao đổi trên truyền hình tuyên truyền về phụ nữ khởi nghiệp thông qua các chương trình "Cà phê khởi nghiệp", Tiếng nói phụ nữ, Thế hệ số, Kinh doanh: Dễ hay khó...
Các chuyến đi địa phương được tổ chức cho phóng viên báo chí cập nhật tình hình thực tế khởi nghiệp và tạo ra những đợt truyền thông sâu rộng về Đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đã có hơn 2.325 tin bài ảnh, 15 video clip truyền thông về nội dung và kết quả thực hiện Đề án, các chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tấm gương phụ nữ khởi nghiệp, kiến thức cho chị em khởi nghiệp và bí quyết khởi nghiệp thành công.
Đặc biệt, chương trình livestream kết nối phụ nữ khởi nghiệp với người tiêu dùng trên báo Phụ nữ Việt Nam điện tử, kênh youtube được tổ chức hiệu quả. Mỗi số trung bình khoảng gần 3 triệu lượt xem, hơn 6000 lượt tương tác...
Đồng thời, các cấp hội phụ nữ đã xây dựng và phát hành hơn 33.000 cuốn tài liệu hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh, tài liệu hướng dẫn về mô hình kinh tế tập thể cho giảng viên và phụ nữ. 15,750 cuốn sách về gương sáng phụ nữ khởi nghiệp thành công, các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, một số câu chuyện khởi nghiệp của các nữ doanh nhân thành đạt trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
3.496 bộ tranh truyện hướng dẫn kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ dân tộc thiểu số được xây dựng và in ấn theo các chủ đề: du lịch cộng đồng, chăn nuôi/trồng trọt và kinh doanh, buôn bán nhỏ. Với nội dung truyện ngắn gọn, hình ảnh thân thuộc, gần gũi với chị em DTTS; hướng dẫn, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của phụ nữ DTTS trong khởi nghiệp, khái quát hoá được các bước khởi nghiệp cơ bản, gợi mở các ý tưởng khởi nghiệp phù hợp với vùng DTTS và cách thức tổ chức thực hiện... Từ đó tạo động lực, thúc đẩy trách nhiệm và lan toả tinh thần khởi nghiệp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ DTTS;
Song song với các hoạt động tuyên truyền, triển lãm"Hành trình phụ nữ khởi nghiệp" cấp vùng miền tại Lào Cai, Cần Thơ và Quảng Nam. Triển lãm cấp toàn quốc "Khát vọng khởi nghiệp xanh" được tổ chức tại Hà Nội. Đây là dịp để giới thiệu các ý tưởng xuất sắc, các hoạt động nâng bước, hỗ trợ khởi nghiệp của Hội LHPN Việt Nam.
Hội LHPN Việt Nam cũng phối hợp với Google tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực cho phụ nữ trên các vùng miền của cả nước, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của cho các doanh nghiệp nữ, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Có thể nói, nội dung và hình thức truyền thông triển khai thực hiện Đề án rất đa dạng, phong phú, tác động tới nhiều nhóm đối tượng phụ nữ, góp phần nâng cao nhận thức của chị em về chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về khởi nghiệp, đặc biệt đã khích lệ tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh doanh của các tầng lớp phụ nữ trong cả nước. Qua đó, các cấp Hội đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các cấp Hội triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án đạt hiệu quả.
Kết quả ba năm qua, đã có hơn 105,773 cuộc tuyên truyền cho hơn 8,2 triệu hội viên phụ nữ về nội dung các hoạt động của Đề án, phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh.
Các đơn vị làm tốt hoạt động này là Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Đăk Lăk, Tây Ninh, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng...