11 triệu chứng ở đường tiêu hóa không bao giờ được bỏ qua

Vân Anh
24/02/2025 - 15:47
11 triệu chứng ở đường tiêu hóa không bao giờ được bỏ qua
Nếu thấy 11 triệu chứng này ở đường tiêu hoá bạn đừng "lơ là" với sức khoẻ, những triệu chứng này có thể cảnh báo các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng.

Có rất nhiều triệu chứng ở đường tiêu hóa mà chúng ta thường gặp như đầy bụng, ợ hơi, khó tiêu, tiêu chảy,... Các triệu chứng này hầu hết đều không đáng lo ngại và có thể khắc phục nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu nhận thấy có 11 triệu chứng này ở đường tiêu hoá, đặc biệt các triệu chứng xảy ra liên tục, bạn nên cẩn trọng với các bệnh lý nguy hiểm.

1. Đau bụng quặn thắt

Đau bụng là một triệu chứng bệnh đường tiêu hóa phổ biến. Các nguyên nhân gây đau bụng có thể bao gồm táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, vi-rút, thuốc nội tiết tố, thời kỳ kinh nguyệt, mang thai và rụng trứng.

Tuy nhiên, đau bụng quặn thắt và kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân nghiêm trọng, cụ thể:

- Hội chứng ruột kích thích (IBS): một tình trạng gây ra tiêu chảy, táo bón và chuột rút.

- Sỏi mật: gây đau bụng dữ dội, liên tục ở vùng bụng trên, tăng nhanh và có thể kéo dài từ 30 phút đến vài giờ.

- Bệnh viêm ruột: gây đau bụng mãn tính, mệt mỏi, nhu cầu đi đại tiện gấp, tiêu chảy, đầy hơi.

- Sỏi thận: gây đau dữ dội, nhói ở bên hông và lưng, bên dưới xương sườn. Đau lan xuống bụng dưới và háng. Cơn đau xuất hiện theo từng đợt và cường độ thay đổi.

- Viêm túi thừa: xảy ra khi các túi nhỏ hoặc túi trong ruột kết bị viêm và gây đau bụng dữ dội.

- Viêm ruột thừa: tình trạng viêm ruột thừa gây ra đau bụng dữ dội. Cơn đau đột ngột bắt đầu ở phía bên phải bụng dưới. Cơn đau đột ngột bắt đầu từ quanh rốn và thường chuyển sang bụng dưới bên phải. Cơn đau trở nên trầm trọng hơn khi ho, đi bộ hoặc thực hiện các chuyển động đột ngột khác.

- Viêm tụy: gây đau bụng lan ra ngực hoặc lưng, buồn nôn, nôn mửa,....

- Bệnh lạc nội mạc tử cung: khi mô nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung và gây đau bụng, đặc biệt trong chu kỳ kinh nguyệt.

11 triệu chứng ở đường tiêu hoá không bao giờ được bỏ qua - Ảnh 1.

Đau bụng quặn thắt cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe tiêu hóa (Ảnh: ST)

2. Phình bụng

Các nguyên nhân phổ biến gây phình bụng như đầy hơi, khó tiêu, hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), hội chứng ruột kích thích hoặc không dung nạp lactose.

Những nguyên nhân nghiêm trọng gây ra tình trạng phình bụng bao gồm:

- Bệnh viêm ruột

- Cổ trướng: sự tích tụ chất lỏng trong bụng do bệnh gan mãn tính

- Sỏi mật

- Viêm tụy

- U nang buồng trứng: một túi chứa đầy chất lỏng trên hoặc trong buồng trứng gây đau bụng và sưng tấy.

3. Nôn ra máu

Nôn ra máu cảnh báo có tình trạng chảy máu ở đâu đó trong đường tiêu hoá. Nôn ra máu là triệu chứng cảnh báo bạn cần đến bệnh viện thăm khám ngay.

Các nguyên nhân có thể gây nôn ra máu bao gồm:

- Loét chảy máu: vết loét trên niêm mạc dạ dày hoặc ruột non có thể chảy máu và gây nôn.

- Viêm tụy mãn tính: có thể dẫn đến chảy máu ở phần trên của đường tiêu hóa.

- Khối u: khối u trong đường tiêu hóa có thể gây kích ứng các mô và gây chảy máu.

- Chấn thương: chấn thương ở vùng bụng có thể dẫn đến chảy máu trong

- Giãn tĩnh mạch thực quản: tĩnh mạch bị sưng ở bệnh nhân xơ gan

11 triệu chứng ở đường tiêu hoá không bao giờ được bỏ qua - Ảnh 2.

Nôn ra máu cảnh báo có tình trạng chảy máu ở đâu đó trong đường tiêu hóa (Ảnh: ST)

4. Đau rốn

Đau quanh rốn thường chỉ ra tình trạng nhẹ như khó tiêu hoặc táo bón. Nguyên nhân nghiêm trọng gây đau rốn có thể bao gồm:

- Thoát vị thành bụng: xảy ra khi một phần của ruột hoặc một số mô lồi ra thành bụng dẫn đến đau quanh rốn.

- Bệnh Crohn

- Viêm ruột thừa

- Sỏi mật

- Viêm tụy

- Tắc ruột: xảy ra khi ruột bị tắc và phân không thể đi qua

- Thủng ruột: một lỗ phát triển trong dạ dày hoặc ruột kết

5. Phân hoặc nước tiểu có máu

Phân hoặc nước tiểu có máu có thể do nứt hậu môn hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, máu trong phân hoặc nước tiểu cũng có nghĩa là bạn đang chảy máu ở đâu đó trong đường tiêu hóa dưới hoặc đường tiết niệu. Nguyên nhân nghiêm trọng gây ra phân có máu có thể bao gồm:

- Viêm túi thừa: một tình trạng có thể dẫn đến chảy máu túi thừa

- Viêm đại tràng nhiễm trùng: nhiễm trùng ở đại tràng gây viêm và chảy máu

- Polyp đại tràng: các khối u trên niêm mạc đại tràng và trực tràng có thể bị kích thích và bắt đầu chảy máu.

- Ung thư trực tràng: ung thư đại tràng hoặc trực tràng trong đó các khối u ung thư có thể gây chảy máu.

Các nguyên nhân nghiêm trọng gây ra tình trạng nước tiểu có máu có thể bao gồm:

- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): nhiễm trùng do vi khuẩn ở niệu đạo có thể gây kích ứng và chảy máu

- Sỏi thận

- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI): Máu trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của bệnh chlamydia hoặc bệnh lậu.

- Ung thư bàng quang hoặc thận: sự phát triển của ung thư có thể gây kích ứng và chảy máu

- Bệnh hồng cầu hình liềm: một rối loạn di truyền của tế bào hồng cầu gây đau và chảy máu

6. Đau bụng ở vùng trên

Đau bụng vùng trên có thể chỉ ra chứng khó tiêu hoặc ợ nóng. Tuy nhiên, triệu chứng này xảy ra đột ngột cũng có thể cảnh báo các vấn đề liên quan đến dạ dày, tuyến tụy, lá lách, gan, túi mật và ống mật nằm ở vùng bụng trên. Các nguyên nhân gây đau bụng ở vùng trên có thể bao gồm:

- Loét dạ dày

- Viêm tụy

- Lách to

- Sỏi mật

- Viêm túi mật

- Viêm gan

- Ung thư: ung thư dạ dày, tuyến tụy, gan, túi mật hoặc ống mật

7. Đau bụng dưới bên phải

Đau ở vùng bụng dưới có thể chỉ ra tình trạng táo bón, tiêu chảy hoặc đau bụng kinh. Nếu bạn thấy đau ở bên phải bụng dưới, thì đó có thể liên quan đến ruột thừa. Đau ở góc phần tư dưới bên phải có thể có nghĩa là tình trạng viêm ở ruột thừa.

8. Luôn cảm thấy no

Cảm thấy no mà không ăn hoặc chỉ ăn một lượng nhỏ có thể là do thói quen ăn uống, chứng khó tiêu hoặc táo bón. Tuy nhiên, cũng có những nguyên nhân nghiêm trọng hơn khiến bạn liên tục cảm thấy no bao gồm:

- Hội chứng ruột kích thích

- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

- Liệt dạ dày: một rối loạn khiến dạ dày làm rỗng chậm

- Viêm dạ dày

- Viêm tụy

11 triệu chứng ở đường tiêu hoá không bao giờ được bỏ qua - Ảnh 3.

Các vấn đề về dạ dày có thể khiến bạn luôn cảm thấy no (Ảnh: ST)

9. Phân màu đen

Phân đen thường có nghĩa là có chảy máu trong đường tiêu hóa. Một số loại thực phẩm và chất bổ sung, chẳng hạn như quả việt quất hoặc chất bổ sung sắt có thể làm cho phân có màu sẫm hơn. Nhưng phân đen cũng có thể có nghĩa là thực quản, dạ dày hoặc ruột non chảy máu nên bạn cần cẩn trọng.

10. Cơn đói dữ dội

Cảm thấy đói cồn cào khi bạn đã lâu không ăn là bình thường. Đói là cách cơ thể bạn giao tiếp rằng đã đến giờ ăn. Các nguyên nhân phổ biến gây ra cơn đói cồn cào bao gồm đói, mất nước và táo bón. Các nguyên nhân nghiêm trọng gây ra cơn đói dữ dội có thể bao gồm:

- Hội chứng ruột kích thích

- Loét dạ dày tá tràng

- Lo lắng: gây ra các triệu chứng về thể chất, bao gồm khó chịu ở dạ dày và co thắt ruột có thể giống như cơn đói.

- Thuốc: bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc điều trị bệnh tiểu đường, steroid và thuốc chống co giật (thuốc chống động kinh ), có thể gây đói và tăng cân.

11. Tiêu chảy liên tục

Tiêu chảy hay phân lỏng là triệu chứng phổ biến có thể do ăn phải đồ lạ, dị ứng hoặc ngộ độc thực phẩm nhẹ. Các loại tiêu chảy có thể cảnh báo các vấn đề sức khỏe như:

- Tiêu chảy ra nước: ngộ độc thực phẩm, hội chứng ruột kích thích

- Tiêu chảy mà phân vẫn còn chất béo: Bệnh celiac, tình trạng tăng sinh vi khuẩn đường ruột non (SIBO) hoặc phẫu thuật cắt dạ dày.

- Tiêu chảy có máu: biểu hiện tình trạng viêm hoặc ung thư ruột kết

Trên đây là các triệu chứng bệnh đường tiêu hóa mà mọi người nên lưu ý. Nếu gặp các triệu chứng trên và chúng kéo dài liên tục, bạn nên đến bệnh viện gặp bác sĩ để được chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp.

Nguồn: Verywellhealth
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm