pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nôn khan kéo dài cần đi khám bác sĩ khi nào?

Nôn khan là tình trạng nôn ói mà không nôn ra bất kỳ chất nôn nào. Sự co thắt của cơ hoành và dạ dày gây ra nôn khan. Thông thường, nôn khan sẽ tự khỏi hoặc khắc phục bằng các biện pháp tại nhà. Tuy nhiên, nôn khan liên quan đến bệnh tật thì cần điều trị nguyên nhân gây bệnh. Vậy nôn khan là biểu hiện của bệnh gì? Làm thế nào để giảm nôn khan?
1. Nôn khan là biểu hiện của bệnh gì?
Dưới đây là 9 nguyên nhân gây ra tình trạng nôn khan:
- Tập thể dục ở cường độ cao
Tập thể dục ở cường độ quá cao có thể khiến bạn bị nôn khan. Điều này có thể do việc tập thể dục quá sức khiến cơ hoành co lại hoặc do tác động của việc giảm lưu lượng máu trong ruột hay mất nước. Tập thể dục khi bụng no cũng có thể gây nôn khan.
Để tránh nôn khan do tập thể dục, bạn nên tập với cường độ vừa phải và sau đó tăng dần để cơ thể có thể thích nghi, khởi động trước khi tập và không nên ăn no trước khi thể dục.
- Dị ứng hoặc ngộ độc thực phẩm
Nôn khan có thể xảy ra khi bạn bị dị ứng hoặc ngộ độc thực phẩm.
Các triệu chứng khác của dị ứng thực phẩm như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, nổi mề đay, khó thở, thở khò khè, ngứa và sưng xung quanh miệng, mắt.
Các triệu chứng khác của ngộ độc thực phẩm như sốt, tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi, nôn mửa.
- Uống quá nhiều rượu
Uống quá nhiều rượu sẽ dẫn tới một loạt các triệu chứng như nôn khan, buồn nôn, nôn, nhức đầu, khô miệng, nhạy cảm với ánh sáng, đổ mồ hôi quá nhiều. Rượu có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và khiến bạn buồn nôn.
Để tránh tình trạng nôn hoặc nôn khan khi uống rượu, bạn nên kết hợp việc uống nhâm nhi và ăn thứ gì đó khi uống rượu, chẳng hạn như rau, trứng, thịt,... Nhưng tốt hơn hết bạn nên hạn chế uống rượu vì rượu có nhiều nguy hại đối với sức khoẻ.

Nôn khan do uống quá nhiều rượu (Ảnh: ST)
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Nôn khan là biểu hiện của bệnh gì? Nôn khan vào sáng sớm hoặc nôn khan liên tục có thể do bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Đây là một tình trạng mãn tính liên quan đến các đợt trào ngược axit và ợ nóng lặp đi lặp lại do thực quản bị kích thích. Tình trạng này cũng có thể gây ra tình trạng nôn khan ở một số người.
Các triệu chứng khác của trào ngược dạ dày thực quản bao gồm ho khan, đau ngực, khó nuốt. Để kiểm soát trào ngược dạ dày thực quản, bạn nên có chế độ ăn uống lành mạnh, tránh căng thẳng, kê cao đầu khi ngủ.
- Nhiễm trùng
Một số bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm dạ dày ruột (cúm dạ dày), có thể gây buồn nôn, nôn và nôn khan. Nhiễm trùng tai, bao gồm viêm tai giữa (nhiễm trùng tai giữa), đôi khi cũng gây buồn nôn và nôn, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
- Đau nửa đầu
Những người bị chứng đau nửa đầu có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và nôn khan cùng với chứng đau đầu dữ dội.
Để kiểm soát cơn đau nửa đầu, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau, giữ đủ nước, nghỉ ngơi, tránh ánh sáng mạnh, tránh tiếng ồn và những thứ có mùi hương.
- Hội chứng nôn chu kỳ
Những người mắc hội chứng nôn chu kỳ (CVS) sẽ bị buồn nôn và nôn theo từng đợt.
Điều này có thể bao gồm nôn và ói hoặc nôn khan, cũng như các triệu chứng như đau dạ dày, tiêu chảy, buồn ngủ, đau đầu, khát nước và chán ăn trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày. Người mắc CVS thường nôn liên tục ngay sau khi nôn.
- Đường huyết thấp
Hạ đường huyết hay lượng đường trong máu thấp thường xảy ra ở những người bị tiểu đường, đặc biệt là sau khi tập thể dục mạnh, không ăn đủ carbohydrate, bị ốm hoặc uống nhiều rượu. Tuy nhiên, hạ đường huyết cũng có thể do phẫu thuật giảm cân, bệnh thận, bệnh gan hoặc rối loạn nội tiết tố.
Lượng đường trong máu thấp có thể gây nôn, thường kèm theo buồn nôn hay nôn khan. Các triệu chứng khác của hạ đường huyết bao gồm: run rẩy, đổ mồ hôi hoặc ớn lạnh, lo lắng, cáu kỉnh, cảm giác tê hoặc ngứa ran, đói, chóng mặt, mệt mỏi.
- Mang thai
Nôn khan thường xảy ra khi mang thai. Điều này rất có thể là do thay đổi nội tiết tố, khiến bạn nhạy cảm hơn với một số mùi và thực phẩm nhất định.
Đối với hầu hết mọi người, buồn nôn và nôn (bao gồm cả nôn khan) bắt đầu trong 9 tuần đầu tiên của thai kỳ. Các triệu chứng thường bắt đầu giảm dần vào khoảng tuần thứ 14. Tuy nhiên, một số người bị buồn nôn và nôn lâu hơn hoặc thậm chí cho đến khi sinh.
Một số biện pháp giúp giảm tình trạng nôn nghén ở phụ nữ mang thai như sử dụng gừng hoặc bạc hà, uống đủ nước, tránh những thức ăn béo, ăn các bữa nhỏ, tránh những mùi khó chịu và nghỉ ngơi nhiều hơn.
2. Biện pháp khắc phục tình trạng nôn khan tại nhà
Nếu nôn khan liên quan đến bệnh tật tiềm ẩn, việc điều trị nguyên nhân gây bệnh mới có thể loại bỏ hoàn toàn triệu chứng này. Tuy nhiên, nếu nôn khan do các nguyên nhân không đáng lo ngại, bạn có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để giảm triệu chứng:
- Bù nước cho cơ thể bằng cách uống từng ngụm nhỏ và chậm. Một số người có thể uống nước bù điện giải, chẳng hạn như bị ngộ độc thực phẩm.
- Ngồi xuống, giữ yên và hít thở sâu, đều đặn.
- Ăn nhiều bữa nhỏ cách nhau 2–3 giờ trong ngày thay vì ăn ba bữa lớn.
- Ăn bánh quy mặn, bánh mì nướng khô hoặc các loại thực phẩm nhạt, dễ tiêu hóa khác để giảm buồn nôn.
- Ngậm kẹo cứng như kẹo gừng, kẹo chua hoặc kẹo bạc hà để giảm buồn nôn .
- Sử dụng tinh dầu có chứa gừng hoặc kết hợp gừng và bạc hà.
- Tránh hút thuốc hoặc ở gần nơi có khói thuốc.
- Có thể sử dụng thuốc chống nôn, thuốc kháng axit đối với những người bị trào ngược dạ dày thực quản.

Khi bị nôn khan nên ăn những thực phẩm nhạt và uống nhiều nước (Ảnh: ST)
3. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu tình trạng nôn khan kéo dài hơn 2 ngày hoặc nghiêm trọng, người bệnh cần đi khám.
Các trường hợp nôn khan ở mức độ trung bình đến nghiêm trọng có thể gây mất nước, có thể cần được chăm sóc y tế và theo dõi để ngăn ngừa các biến chứng, bao gồm cả tổn thương thận.
Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng này khi nôn khan, bạn nên đến bệnh viện ngay:
- Sốt rất cao
- Có máu trong chất nôn hoặc chất nhầy
- Đau bụng dữ dội
- Phát ban
- Cứng cổ
- Đau đầu không điển hình
- Mạch nhanh liên tục ngay cả khi không nôn hoặc nôn khan
- Nghi ngờ chấn thương đầu hoặc nhiễm trùng
- Có các tình trạng bệnh lý khác, đặc biệt là các tình trạng bệnh lý đường tiêu hóa
- Các triệu chứng mất nước đáng kể, chẳng hạn như khát nước dữ dội, nước tiểu sẫm màu và khô miệng
- Lú lẫn và mất phương hướng
- Mất ý thức
Nhìn chung, hầu hết nguyên nhân gây nôn khan không gây nguy hiểm nhưng nếu nôn khan kéo dài, bạn nên đến gặp bác sĩ vì đây có thể là biểu hiện của bệnh lý tiềm ẩn. Để ngăn ngừa nôn khan, bạn nên xác định các tác nhân gây ra tình trạng này và thực hiện lối sống lành mạnh như hạn chế uống rượu, uống đủ nước, ăn chậm, ăn nhiều bữa nhỏ, tránh xa các loại thực phẩm có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa (mặn, cay, nhiều dầu mỡ, nhiều chất béo).