pnvnonline@phunuvietnam.vn
12 kỹ năng sống quan trọng cho trẻ từ 10 tuổi bước vào giai đoạn dậy thì
Ảnh minh họa
Khi con còn nhỏ, cha mẹ luôn chăm chút kỹ lưỡng cho chúng từ miếng ăn, giấc ngủ đến chuyện học tập, vui chơi. Khi trẻ lớn lên, bé dần rời xa vòng tay bạn. Do đó, cách yêu thương tốt nhất mà cha mẹ nên làm đó là dạy cho con kỹ năng sống.
Việc trang bị kĩ năng sống sẽ giúp cho trẻ tự tin hơn ở những năm tháng đầu đời, là bước chuẩn bị tốt nhất để con trưởng thành, có tương lai tươi sáng.
1. Dạy con nấu ăn
Nấu ăn là 1 kỹ năng sống thiết thực nhất mà cha mẹ nên dạy con mình ngay từ khi bé mới 10-12 tuổi. Đầu tiên phụ huynh nên hướng dẫn con nấu những món đơn giản trước, sau đó mới tăng dần độ khó.
Khi con biết nấu ăn, cha mẹ sẽ không quá lo lắng những lúc công việc bận rộn, mệt mỏi, hoặc phải đi công tác xa nhà. Trẻ biết tự mình vào bếp nấu nướng cũng sẽ sớm tự lập và thích nghi với môi trường mới nhanh hơn.
2. Dạy con biết tự giặt quần áo
Ngày nay xã hội phát triển, đời sống được cải thiện hơn. Nhiều gia đình đã không còn phải tự giặt quần áo bằng tay nữa, mà thay thế bằng máy giặt. Tuy nhiên cha mẹ vẫn nên trang bị cho con kỹ năng này. Nó sẽ giúp ích cho các con khi lớn hơn và phải sống xa nhà.
Ngoài ra, bạn cũng nên hướng dẫn con cách phơi quần áo, gấp hay ủi quần áo, cách sắp xếp quần áo vào tủ… Những kỹ năng này sẽ rất hữu ích, chúng rèn cho trẻ thói quen sạch sẽ, ngăn nắp.
3. Dạy con làm việc nhà
Trẻ từ 10 tuổi đã phát triển tương đối đầy đủ về thể chất để có thể đảm nhận nhiều công việc nhà như quét rác, giặt đồ, rửa xe… Yêu con đến mấy cha mẹ cũng đừng làm cố. Hãy giao những việc đó cho con. Qua việc lau nhà, dọn dẹp nhà vệ sinh, tự rửa xe đi học... sẽ giúp trẻ sạch sẽ, gọn gàng và tự lập hơn. Sau này dù bố mẹ không ở bên, con vẫn sẽ có nề nếp.
4. Kỹ năng sống sử dụng phương tiện công cộng
Đây là một kỹ năng sống rất cần thiết cho trẻ. Bởi cứ bao bọc con mãi, chúng sẽ không bao giờ rời khỏi vòng tay của bố mẹ được. Tức là con không thể đi đâu mà không có bố mẹ. Như vậy thì bao giờ con mới trưởng thành được?
Vì thế hướng dẫn con sử dụng phương tiện công cộng cũng là 1 kỹ năng sống vô cùng cần thiết. Mỗi khi có dịp đi du lịch, bạn hãy cho con trải nghiệm các phương tiện giao thông công cộng khác nhau từ xe khách, xe buýt, tàu hỏa, tàu cánh ngầm, máy bay… Việc này sẽ giúp trẻ nhận biết được các tiện ích cũng như những hạn chế của từng phương tiện, đồng thời cho trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người khác nhau giúp trẻ hình thành kỹ năng giao tiếp tốt.
5. Dạy con tự quản lý tiền bạc
Cha mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu về giá trị của đồng tiền và cách tiết kiệm tiền để sử dụng trong tương lai. Để khuyến khích con, người lớn có thể cho bé 1 khoản tiền nhỏ và sau đó dạy chúng phương pháp “3 hũ tiền” cho các mục đích: Để dành – Chi tiêu – Chia sẻ.
6. Bố mẹ cần dạy trẻ kỹ năng sống tự sơ cứu vết thương
Không phải lúc nào cha mẹ cũng ở bên cạnh khi con nô đùa, nghịch ngợm để nhắc nhở hành vi của chúng. Trẻ em rất hiếu động bởi vậy bị ngã gây thương tích là điều hết sức phổ biến. Cha mẹ hãy dạy con cách đối phó với các vết thương nhỏ và cách nhờ sự trợ giúp người lớn khi gặp vết thương lớn. Hãy dạy trẻ cách cầm máu, vệ sinh, băng bó vết thương và thoa thuốc nếu có. Nhưng phòng hơn tránh, tốt nhất cha mẹ nên quán triệt cho con cách chơi đùa an toàn để tránh gặp phải chấn thương.
7. Bơi lội – kỹ năng sống cho trẻ 12 tuổi rất quan trọng
Bơi là một môn thể thao mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ cả về thể chất và trí tuệ. Trẻ học bơi sẽ nhanh nhẹn, linh hoạt, biết tự xử lý các tình huống nguy hiểm liên quan đến sông nước có thể xảy ra. Bên cạnh đó chúng tự biết cách bảo vệ mình và đôi khi còn có thể cứu người.
Vì vậy, trẻ cần biết cách bơi lội, thả nổi để cứu mình. Trẻ cũng có thể học cách cứu sống một đứa trẻ rớt xuống nước. Ngoài ra, kỹ năng hô hấp nhân tạo cũng cần biết.
8. Giải quyết các trường hợp khẩn cấp
Hãy chỉ cho trẻ những số điện thoại cần gọi trong lúc nguy cấp như là 112 là đầu số yêu cầu trợ giúp và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi toàn quốc. 113 là đầu số gọi công an hoặc cảnh sát khi có việc liên quan đến an ninh trật tự. 114 là đầu số gọi cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. 115 là đầu số gọi cấp cứu về y tế.
Bên cạnh đó con cũng nên biết cách sử dụng bình chữa lửa, dụng cụ cấp cứu để giúp mình và người khác. Con cũng nên biết cách dập từng nguyên nhân cháy. Chẳng hạn không dùng nước để dập lửa cháy do dầu, thay vào đó dùng cát hoặc baking soda làm tắt lửa.
9. Dạy con cách giao tiếp với người lạ
Ở tuổi này, bố mẹ có thể cho con tham gia các hoạt động cộng đồng, hướng đạo sinh, gây quỹ từ thiện.
Bên cạnh đó, việc giao tiếp với người lạ cũng nên đặc biệt lưu ý trong quá trình dạy trẻ. Thế giới bên ngoài không nguy hiểm, nhưng đôi khi lời nói không khéo sẽ gây nhiều cái hại khôn lường. Phụ huynh hãy dạy trẻ biết giữ khoảng cách an toàn với người lạ, không nhận đồ người lạ cho khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ, không nên tiết lộ tất cả những thông tin mang tính chất riêng tư của gia đình (tên, địa chỉ nhà, công việc của cha mẹ…) để tránh rắc rối.
10. Dạy con cách sinh tồn nơi hoang dã
Một trong những điều đáng sợ nhất khi nuôi con đó là trẻ đi lạc. Vì vậy cha mẹ cần dạy con cách ứng phó với những trường hợp đó. Đầu tiên nên dạy con là nhớ số điện thoại của bố mẹ và đứng yên một chỗ dù bị lạc trong rừng hay nơi đông đúc.
Khi không có nước và thức ăn, nên dặn con tìm nước trước, vì nếu chỉ được chọn một trong hai, nước giúp ta tồn tại lâu hơn. Bố mẹ cần lưu ý con không nên đến gần hồ, sông hoặc vùng nước khác mà nên lấy nước uống từ giọt sương trên lá cây.
Tiếp theo hãy dạy con cách làm giường ngủ bằng lá cây, cỏ khô... tuyệt đối không nên nằm trực tiếp xuống nền đất. Bởi đất lạnh có thể hút nhiệt từ cơ thể. Khi bị lạc ở rừng, con không nên tùy tiện ăn các loại trái cây rừng vìì rất có thể sẽ bị ngộ độc. Tốt nhất, lúc nào bố mẹ cũng dặn con để một số thanh thực phẩm trong túi, đặc biệt khi con đến địa điểm có nguy cơ bị lạc cao.
Hoảng sợ thường dẫn đến kết quả tiêu cực nên cần dạy con bình tĩnh đối mặt với một tình huống khó khăn. Hãy hướng dẫn trẻ sử dụng kỹ thuật "thở sâu", hít thật sâu và thở ra chậm để lấy bình tĩnh.
11. Kỹ năng sử dụng thiết bị định vị
Cha mẹ hãy dạy con cách đọc bản đồ để trẻ có thể tự tìm về nhà nếu không may đi lạc. Bên cạnh đó, con nên biết cách tìm sự hỗ trợ từ các cơ quan công an, hoặc những điểm an toàn để đến chờ bố mẹ. Chẳng hạn thư viện, phòng khám bệnh viện có bàn thông tin và số điện thoại để liên hệ.
12. Giáo dục giới tính cho trẻ
Ngày xưa, phụ huynh thường ái ngại khi chia sẻ với con về tình dục, những thay đổi của bản thân khi bước vào giai đoạn dậy thì. Nhưng bố mẹ thời hiện đại thì khác. Đã đến lúc chúng ta phải cùng con đối diện thẳng thắn với vấn đề này. Bởi nó có ích cho tương lai của trẻ.
Cha mẹ hãy dạy con thế nào là tình dục an toàn, cách phòng tránh thai. Trẻ cũng cần được dạy về mối quan hệ lành mạnh, và khi nào một mối quen hệ trở nên tồi tệ.
Con gái từ 10 tuổi nên được mẹ hướng dẫn cách dùng băng vệ sinh và giữ cơ thể sạch sẽ trong kỳ kinh nguyệt. Nếu con chưa có kinh, mẹ cũng nên nói với con trước các biểu hiện con sẽ gặp khi có kinh, tránh cho trẻ bối rối. Ngoài ra bé gái cần được phụ huynh chỉ bảo cách trân trọng cơ thể mình, tránh những sai lầm đáng tiếc.
Còn bé trai nên được người lớn giải thích về hiện tượng hưng phấn, xuất tinh khi ngủ...