Sức khỏe tinh thần của trẻ vị thành niên bị xem nhẹ: Bài 2 - Kỹ năng dành cho cha mẹ

Hà Lê
29/04/2022 - 10:28
Sức khỏe tinh thần của trẻ vị thành niên bị xem nhẹ: Bài 2 - Kỹ năng dành cho cha mẹ

Phụ huynh hãy luôn gần gũi và giúp đỡ trẻ. Ảnh minh họa

Nhiều biểu hiện, phản ứng tiêu cực của trẻ đều nhanh chóng bị dán nhãn là “hư”, “láo”, “không thương bố mẹ”… Bởi thế, ít người nghĩ các biểu hiện trên là dấu hiệu về tình trạng sa sút sức khỏe tinh thần, rối nhiễu tâm lý ở trẻ, cần được can thiệp sớm.


Cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), kể một câu chuyện thực tế diễn ra với học sinh của mình: "Em đó bị trầm cảm rất nặng. Nhân viên tư vấn tâm lý của trường cho biết, em đã ở mức cần trị liệu. Nhưng khi liên hệ với bố mẹ của em thì chúng tôi khá sốc với thái độ của họ. Người bố cứ khăng khăng cho rằng con họ không làm sao. "Nó chỉ giả vờ thôi, tôi thấy nó vẫn ăn mấy bát cơm một bữa, vẫn xem ti vi bình thường. Chỉ khi bắt học là nó kêu mệt mỏi", người bố cho biết. Chúng tôi mất thời gian để cố gắng giải thích việc ăn mấy bát cơm, khỏe mạnh về thể chất không có nghĩa đứa trẻ có một tinh thần bình ổn. Từ những trường hợp như thế này, chúng tôi nhận ra, khá nhiều phụ huynh không hiểu và không coi trọng sức khỏe tinh thần của trẻ".

Không thừa nhận con bị trầm cảm, tổn thương tinh thần là thực tế khá phổ biến ở nhiều bậc phụ huynh. Một nghịch lý đang tồn tại là trẻ càng được chăm sóc, cung phụng thì đời sống tinh thần của trẻ càng bị "bỏ rơi". Cha mẹ và con cái không hiểu nhau, không thể đối thoại. Và kỳ vọng của cha mẹ thành áp lực của con cái, khiến nhiều đứa trẻ rơi dần vào sự ngột ngạt.

"Nhiều bố mẹ đầu tư cho con học các môn thể thao, năng khiếu, chăm sóc vô cùng chu đáo. Có thể thấy trẻ được chăm sóc tốt về thể chất. Nhưng đời sống tinh thần lại ít được quan tâm. Một trong những lý do là vì nhiều phụ huynh không có kiến thức về chăm sóc sức khỏe tinh thần. Bản thân họ gặp những bất ổn tinh thần họ cũng không nhận ra nên khó có thể nói họ quan tâm đúng mức đến con", cô Thu Anh nhận xét.

Mẹ nhận ra sai lầm nên con thay đổi quyết định tự tử

Cô Nguyễn Minh Hằng, chuyên viên tâm lý trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho biết, thời gian hoc sinh và phụ huynh cùng ở nhà do cách ly xã hội chống dịch, nhiều trường hợp đã liên hệ với phòng tâm lý để xin tư vấn. Trong những bất ổn của học sinh tìm đến nhà tâm lý, có trường hợp học sinh bất đồng với bố mẹ, không tìm được cách giải quyết. Có những phụ huynh thường ngày bận rộn, ít quan tâm đến con nhưng khi cùng ở nhà vì dịch mới nhìn thấy con lười nhác, thích chơi game thì bắt đầu mắng mỏ. "Đôi khi không chỉ với học sinh, chúng tôi phải tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho cả phụ huynh", cô Minh Hằng cho biết.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, trong một khảo sát với học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng, số học sinh bị áp lực, căng thẳng từ vấn đề học tập chiếm đa số từ 65,8% đến 82,8%; tiếp đến là lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn chiếm 1,4-37,5% (tùy thời điểm). Khảo sát này cho thấy, sẽ rất khó giúp đỡ học sinh nếu không bắt đầu từ gia đình, có sự hợp tác chặt chẽ từ gia đình.

TS Nguyễn Tùng Lâm kể về trường hợp ông tư vấn một học sinh dự định sẽ lựa chọn kết thúc cuộc đời sau bữa cơm tối. Nhưng trong bữa ăn người mẹ chủ động nói rằng mình đã sai khi mắng mỏ, gây căng thẳng cho con và chị mong muốn được giúp đỡ, lắng nghe những điều con cần. Người mẹ đó không ngờ câu nói của mình làm thay đổi một quyết định, ngăn được kết cục khủng khiếp. "Những người gần gũi, và cứu giúp được trẻ, đầu tiên phải kể đến là cha mẹ".

Trong nhiều năm làm hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), ông Tùng Lâm duy trì thường niên các tọa đàm "dạy con nên người" với sự tham gia của phụ huynh học sinh. Tại đây, nhiều câu chuyện được chia sẻ. "Khi phụ huynh nói ra điều mình nghĩ, với những cảm xúc khác nhau, chúng ta mới hiểu được bất ổn nằm ở đâu để tư vấn và cùng phụ huynh giúp đỡ học sinh", TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế: Người gần gũi nhất để phát hiện sớm, can thiệp sớm khi trẻ có những biểu hiện tổn thương tinh thần, bất ổn về tâm lý có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực chính là các bậc cha mẹ.

Tại trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội), xác định vai trò quan trọng của phụ huynh, nhà trường thực hiện những buổi training cho phụ huynh về việc đồng hành cùng con. Trường cũng ban hành bộ tài liệu, trong đó hướng dẫn phụ huynh về những dấu hiệu cần biết khi trẻ có biểu hiện bất thường về tâm lý, cách can thiệp, bảo vệ trẻ như thế nào. "Cuốn cẩm nang cũng gợi ý cho cha mẹ cách để trò chuyện cùng con, chơi cùng con, hỗ trợ con học tập như thế nào", cô Nguyễn Thị Hằng, Phó hiệu trưởng trường cho biết.

Theo nhiều chuyên gia, các bậc phụ huynh cần hiểu rằng sẽ không thể "trăm sự nhờ thầy" mà trước hết, trách nhiệm với con trẻ là ở họ. Xác định nhà trường, gia đình, xã hội vẫn là ba "trụ cột" chính trong việc hỗ trợ tâm lý, bảo vệ trẻ em, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội cho biết, sẽ đồng hành với Chính phủ trong việc sửa Luật Phòng chống bạo lực gia đình, hoàn thiện về mặt pháp lý để giải quyết căn nguyên sâu xa dẫn tới những tổn thương, bất ổn về tinh thần của trẻ em.

Bài sau: Cần chú trọng tư vấn tâm lý trong nhà trường

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm